Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hùng tiên phong trên mặt trận kinh tế
Rời quân ngũ, tiếp tục phát huy truyền thống 'Bộ đội Cụ Hồ', cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hùng luôn tiên phong trên mặt trận làm kinh tế.
Rời quân ngũ, tiếp tục phát huy truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hùng luôn tiên phong trên mặt trận làm kinh tế.
Trên mảnh đất hơn 6ha ở tổ dân phố Sau, phường Lương Sơn (TP. Sông Công), mô hình V.A.C được ông Hùng quy hoạch khá khoa học: 4 dãy chuồng trại chăn nuôi lợn khép kín; trồng 350 cây nhãn, 200 gốc hồng xiêm; hàng trăm gốc na và cây bơ giống, trên 200 gốc thanh long ruột đỏ và hơn 1.000m2 ao thả cá, tạo nên một hệ thống tuần hoàn, tận dụng được tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có của gia đình.
Sau gần 5 năm phục vụ trong Quân đội, năm 1982, cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hùng xuất ngũ trở về quê hương ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Do cuộc sống khó khăn, năm 1986, ông Hùng đưa gia đình lên Thái Nguyên lập nghiệp. Trải qua nhiều ngành nghề kinh doanh như xây dựng, kinh doanh sơn, ông dành dụm được nguồn vốn nhất định và chuyển sang chăn nuôi lợn từ năm 1999 tới nay.
Nhớ lại những ngày đầu mới xây dựng mô hình, ông Hùng cho biết: Khi ấy, bản thân tôi chưa có kinh nghiệm nên năm đầu chăn nuôi liên tục bị thua lỗ. Tuy nhiên, với tinh thần lạc quan, tôi dành nhiều thời gian tham quan, học hỏi các mô hình ở địa phương, tìm hiểu từ sách, báo. Nhờ tích lũy kinh nghiệm trong quá trình chăn nuôi, đàn lợn của gia đình ít bị dịch bệnh, nguồn thu nhập ổn định hơn. Từ năm 2002, gia đình tôi đã có thu nhập từ chăn nuôi lợn khoảng 100 triệu đồng/năm.
Từ thành công bước đầu, ông Hùng quyết định phát triển chăn nuôi lợn theo mô hình trang trại khép kín và tăng đàn. Gia đình ông đã đầu tư trên 1 tỷ đồng để xây dựng các khu chuồng riêng biệt dành cho nuôi lợn nái và lợn thịt. Đồng thời lắp đặt các trang thiết bị, công nghệ phục vụ chăn nuôi, như: Máng ăn tự động, hệ thống điều hòa làm mát, bóng úm, hầm biogas…
Theo ông Hùng, chăn nuôi theo hình thức này có ưu điểm là đảm bảo an toàn sinh học, chủ động con giống, hạn chế được dịch bệnh khi mua lợn giống từ bên ngoài.
Nhờ chịu khó tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi, từ 15 con lợn nái ban đầu, ông đã dần mở rộng quy mô và tăng đàn. Đến nay, mô hình chăn nuôi của ông Hùng thường xuyên duy trì 160 con lợn nái; 1.500 lợn thịt và 4 lợn đực giống.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Hùng còn nhiệt tình giúp đỡ, chỉ dẫn nhiều người về kinh nghiệm chăn nuôi; trồng và chăm sóc cây ăn quả; hướng dẫn các hộ chuyển hướng sang trồng cây ăn quả sạch, an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế sử dụng phân bón và thuốc hóa học, ưu tiên phân bón hữu cơ, chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học cho cây; hướng dẫn bà con các kỹ thuật về phòng và trị bệnh cho lợn...
Ông Dương Văn Hà, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP. Sông Công, cho biết: Đến nay, Hội CCB thành phố đã xây dựng được hơn 300 mô hình kinh tế cho thu nhập trên 150 triệu đồng/năm, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Mô hình của cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Hùng là một trong những mô hình tiêu biểu của Hội.