Cựu chiến binh 'trọn nghĩa, vẹn tình' canh giấc ngủ cho đồng đội
Hơn 10 năm gắn bó với công việc quản trang, ông Bùi Quang Tư (sinh năm 1943) luôn thầm lặng canh giấc cho 82 phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Trung Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chẳng cần lương thưởng, ông làm điều này chỉ vì muốn bầu bạn với những đồng đội đã khuất.
Xuất phát từ cái tâm
Vào một ngày cuối tháng 8, trên con đường làng rực rỡ cờ đỏ sao vàng tung bay phất phới trong không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng ngày Quốc khánh, tôi tìm đến Nghĩa trang liệt sĩ xã Trung Hòa vì được biết nơi đây có một cựu chiến binh suốt nhiều năm qua đã canh giấc ngủ cho đồng đội. Mới đặt chân đến cổng nghĩa trang tôi cảm nhận rõ được mùi hương nhang thoảng nhẹ, khóe mắt hơi cay.
Đến nơi, tôi thấy ông Bùi Quang Tư đang quét dọn nghĩa trang. Ông có thân hình nhỏ nhắn và bộ râu dài trắng muốt. Thấy tiếng bước chân, cứ tưởng tôi đến thăm mộ, ông dừng tay đón tiếp tôi nhiệt tình. “Cô muốn tìm mộ của liệt sĩ nào?”, ông hỏi. Tôi ngỏ ý xin phép được tìm hiểu viết về công việc thầm lặng của ông. Ông khiêm tốn bảo: “Tôi có gì đâu mà viết”. Rồi ông cười, một nụ cười ấm áp, hiền hậu.
Ông Tư năm nay bước sang tuổi 80, cái tuổi nhẽ ra đang nghỉ ngơi an hưởng tuổi già. Nhưng ông lại chọn công việc quản trang, một phần bởi đồng đội của ông nằm ở đây rất nhiều, một phần từ cái tâm.
Theo tiếng gọi thiêng liêng của của Tổ quốc, chàng thanh niên Bùi Quang Tư nhập ngũ tháng 3-1966, đến năm 1972 ông phục viên trở về quê nhà và làm Trưởng công an xã. Năm 1975, do ảnh hưởng của chất độc hóa học mà chiến tranh để lại cơ thể ông suy yếu nên đã nghỉ làm. Những năm sau này, sức khỏe tốt hơn ông làm ruộng, chăm lo cho cuộc sống gia đình.
Năm 2011, xã Trung Hòa đã xây dựng nghĩa trang liệt sĩ (trước đây nghĩa trang liệt sĩ chung với xã Trường Yên, huyện Chương Mỹ). Nhận thấy ông Tư là cựu chiến binh với đức tính tốt, nhà lại gần nghĩa trang, bởi vậy chính quyền địa phương đã động viên ông làm quản trang tại đây. Với một tình cảm đặc biệt dành cho những người đồng đội đã khuất ông Tư nhận lời ngay mà không chút ngần ngại.
Từng tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, chiến tranh qua đi, ông Tư thấy mình may mắn hơn những đồng đội đã khuất. Ông kể cho tôi nghe nhiều cuộc chiến khốc liệt trong chiến trường xưa và những câu chuyện về người đồng đội của ông đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ông kể nhưng không nhìn tôi, tôi biết ông đang cố nén những giọt nước mắt, ông muốn giấu đi vì ngại. Thấu hiểu, biết ơn để rồi mỗi ngày cựu chiến binh đều dành thời gian chăm sóc phần mộ của các đồng đội ngay tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.
Chăm lo cho đồng đội
Dẫn tôi đi thăm một vòng nghĩa trang, trong không gian dịu mát của nhiều bóng cây, ông cho biết: “Để nghĩa trang thêm phần đẹp mắt, nhiều năm qua tôi đã vun trồng các loại cây xanh và hoa mẫu đơn với màu đỏ, màu hồng tỏa hương thơm ngát. Tất cả các cây trong nghĩa trang được tôi vun vén, cắt tỉa gọn gàng, tưới nước đều đặn mỗi ngày”.
Ông Tư như một hướng dẫn viên, vừa dẫn tôi đi tham quan, ông vừa giới thiệu rất chi tiết về những người con ưu tú đang nằm trên đất Mẹ với phần tên tạc trên bia đá ghi danh. Hễ ai đến hỏi thăm ông đều nhớ rõ hết tất cả vị trí của các phần mộ. Đến trước bia mộ liệt sĩ Nguyễn Duy Trinh sinh năm 1949 đã hy sinh năm 1967, ông Tư xúc động cho biết: “Đây là phần mộ liệt sĩ mà tôi luôn ghi nhớ, ông Trinh là đồng đội của tôi trong chiến trường xưa, ông có thân hình nhỏ nhắn, nhanh nhẹn. Trong một lần hành quân cùng tôi và 7 người đồng đội khác thời chống Mỹ, ông đã bị địch bắn và hy sinh”.
Suốt 12 năm qua, công việc mỗi ngày của ông Tư cứ lặp đi lặp lại: Quét dọn, lau chùi, nhặt nhỏ, tỉa cây, trồng hoa, tưới cây. Với ông, những công việc này mệt ít, vui nhiều. Từ lâu, lão quản trang đã coi đây như ngôi nhà thứ hai của mình để chăm sóc, để bầu bạn với những đồng đội đã khuất.
Có anh trai ruột là Nguyễn Ngọc Hoạch, hy sinh tại chiến trường B năm 1973 đang an nghỉ tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Trung Hòa, ông Nguyễn Ngọc Thuyên thường xuyên ra thăm viếng. Ông Thuyên chia sẻ: “Tôi rất cảm động và khâm phục trước tấm lòng và việc làm của ông Tư. Có ông Tư trông nom nghĩa trang, tôi rất yên tâm khi phần mộ của anh trai mình và các liệt sĩ không bị lạnh lẽo”.
Trò chuyện với ông Tư tôi càng hiểu thêm những đóng góp của ông, tuy thầm lặng nhưng vô cùng ý nghĩa. Hằng năm, cứ đến Ngày Thương binh liệt sĩ, Tết Độc lập, Tết Nguyên đán… ông Tư quản trang lại bận rộn cho công việc chăm sóc mộ, tiếp đón thân nhân, người dân đến thăm viếng. Hơn cả, ông luôn cảm thấy hạnh phúc vì công việc mình làm.
Khẳng định những đóng góp của ông Bùi Quang Tư, đồng chí Lê Ngọc Phong - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Trung Hòa bày tỏ: “Được sống trong thời bình ngày hôm nay, chúng tôi luôn ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sĩ. Sự tận tâm, trách nhiệm của ông Tư đối với công việc quản trang thể hiện lòng tri ân với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc. Công việc hằng ngày tuy lặng lẽ nhưng đã thể hiện truyền thống “đền ơn đáp nghĩa” của ông cha ta. Hội viên cựu chiến binh Bùi Quang Tư xứng đáng là một cựu chiến binh gương mẫu và là một tấm gương “người tốt, việc tốt” ở xã Trung Hòa”.
Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.