Cựu chiến binh và nỗi niềm đi tìm đồng đội
Mặc dù tuổi đã cao, sức khỏe yếu nhưng hằng năm cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Thế Điệp ở phường Bắc Sơn (Kiến An, Hải Phòng) vẫn vượt hàng nghìn ki-lô-mét trở lại chiến trường xưa để tìm mộ đồng đội.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp: Ông và Nguyễn Văn Uẩn vừa cùng là đồng hương Thái Bình, vừa là bạn chiến đấu trong đội hình Trung đoàn 88, Quân khu 8 (nay là Quân khu 9), nên hai người chơi rất thân với nhau. Đầu tháng 2-1972, đơn vị ông Uẩn được giao nhiệm vụ tập kích đồn Cây Sung trên Kênh 28 thuộc địa phận xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Trước khi ra trận, ông Uẩn đưa cho ông Điệp bức ảnh chụp chân dung của mình để làm kỷ niệm. Trận đánh đó ta giành thắng lợi nhưng ông Uẩn đã hy sinh.
Từ đó, bức ảnh chân dung của ông Nguyễn Văn Uẩn được ông Điệp cất giữ cẩn thận và luôn mang theo bên mình. Trở về sau chiến tranh, việc đầu tiên ông Điệp làm là tới huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình) để tìm gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn (ông Điệp chỉ biết quê liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn ở huyện Quỳnh Phụ). Thế nhưng sau nhiều lần đi tìm, ông Điệp vẫn không tìm được thân nhân của đồng đội. Với ý nghĩ thấy mộ sẽ tìm được người thân, ông Điệp lại đến từng nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ để tìm, song cũng không có kết quả. Tìm nhiều lần vẫn không thấy, ông Điệp nghĩ: “Có lẽ phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn chưa được quy tập về quê”. Vậy là từ năm 2004 đến nay, năm nào ông Điệp cũng trở lại chiến trường xưa để tìm phần mộ đồng đội. Ông Điệp tâm sự: “Có lần về Nghĩa trang liệt sĩ huyện Cái Bè (ở xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè), tôi đi lần lượt từng ngôi mộ và đếm được ở đây có hơn 4.000 ngôi mộ liệt sĩ nhưng có tới hơn 3.000 ngôi mộ liệt sĩ chưa biết tên, một số ngôi mộ chỉ ghi tên đơn vị liệt sĩ trước khi hy sinh. Có lẽ bạn tôi đang nằm ở một trong số hơn 3.000 ngôi mộ chưa biết tên ấy”.
Tuy chưa tìm được phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn nhưng những lần trở về chiến trường xưa cũng giúp ông Điệp tìm được hai bộ hài cốt liệt sĩ cùng đơn vị. Ông cũng là người cung cấp nhiều thông tin quan trọng để tỉnh Long An xây dựng Đền Liệt sĩ Trung đoàn 88 (thuộc xã Vĩnh Đại, huyện Tân Hưng) dự kiến khánh thành vào dịp 30-4 năm nay và công nhận nơi đây là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh. Hiện nay, đã ngoài 70 tuổi, mong muốn duy nhất của ông Điệp là tìm được mộ của liệt sĩ Nguyễn Văn Uẩn và bàn giao bức ảnh về với gia đình.