Cựu chiến binh với niềm đam mê sản xuất lúa gạo sạch
Sau khi trở về với cuộc sống thời bình, cựu chiến binh Lê Văn Mưa (ngụ xã Trí Lực, huyện Thới Bình, Cà Mau) được nhiều người biết đến là một 'nông dân rặt'. Ông Mưa có niềm say mê với ruộng đồng, đặc biệt là sản xuất lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn chất lượng cao.
Chúng tôi gặp ông Mưa vào một ngày trung tuần tháng 6,mở đầu câu chuyện ông nhắc tới cây lúa, con tôm ở quê hương Trí Lực. Đây là sản phẩm nông nghiệp sạch, đạt tiêu chuẩn quốc tế (ASC) đầu tiên của Việt Nam.
“Năm 2018, sản phẩm gạo Hoàng Yến từ giống lúa ST24 của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ lúa - tôm Trí Lực do tôi làm giám đốc chính thức được UBND tỉnh Cà Mau công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao. Đây là niềm khích lệ lớn cho bước đầu lập nghiệp của cá nhân tôi”, ông Mưa nói.
Ông Mưa cho biết, ông từng là lính tình nguyện nhập ngũ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, thuộc tiểu đoàn Tây Đô vào năm 1985. Sau 3 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Nam ác liệt, đến tháng 8.1988, ông Mưa phục viên trở về quê hương và bắt đầu con đường lập nghiệp trên mảnh đất mình sinh ra.
Thời gian đó, Trí Lực là vùng sản xuất mía đường, ông Mưa chứng kiến bao nỗi nhọc nhằn mà bà con phải hứng chịu khi giá mía bấp bênh. Có năm, người trồng mía khóc hết nước mắt vì giá giảm thê thảm. Nhận thấy nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” nhưng vẫn nghèo, ông Mưa quyết chí tìm đường “thay cây mía” nhằm giúp bà con thoát cảnh khốn khó.
Và rồi “thời thế” đã tạo ra một nông dân Lê Văn Mưa thành công với con tôm, cây lúa như hiện tại. Ông Mưa nhớ lại: “Sau năm 2000, vì quá khổ với điệp khúc buồn trên rẫy mía, những lão nông ở huyện Thới Bình, trong đó có xã Trí Lực, đã mạnh dạn đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm. Khi đó, nhiều hộ nông dân trong vùng bỗng chốc phất lên, đổi đời nhờ nuôi tôm sú trên những cánh đồng tưởng chừng đã “chết”. Cuộc chuyển dịch thành công đầy ngoạn mục đó đã giúp tôi bén duyên với việc canh tác lúa - tôm như hiện tại”.
Theo ông Mưa, lúc mới chuyển đổi mô hình, do đất đai màu mỡ và nguồn dinh dưỡng dồi dào nên thả vụ nào là thắng vụ đó. Tôm thu hoạch được bán với giá cao, 1kg tôm bằng cả chục ký gạo và hơn 60kg mía. Tuy nhiên, sau khoảng chục năm, nhận thấy môi trường nuôi tôm dần bạc màu, để cải hoán môi trường nuôi, nông dân địa phương bắt đầu trồng lúa trên vuông tôm vào mùa mưa, dùng thân lúa hút hết lượng phát thải độc hại do nước mặn và tôm thải ra. Sau khi thu hoạch lúa thì phần gốc rạ trở thành môi trường lý tưởng để các loài rêu, tảo sinh sản, tạo ra nguồn thức ăn dồi dào cho tôm.
Mô hình này dần dần được nhân rộng ra không chỉ ở huyện Thới Bình mà trên cả tỉnh Cà Mau và các địa phương lân cận. Mỗi năm, người nông dân có thể thu hoạch từ 2 - 3 vụ tôm và 1 vụ lúa, giúp tăng thêm thu nhập. Tuy nhiên, do đất đã nhiễm mặn lâu ngày nên sản lượng lúa bắt đầu giảm, chất lượng hạt gạo cũng không còn no căng như trước khiến các thương lái “lắc đầu”.
Ý thức được khó khăn này, ông Mưa bắt đầu thử nghiệm, tìm giống lúa mới để phù hợp với đồng đất nhiễm mặn. Thế là hàng loạt giống lúa như Một bụi đỏ, Trắng lùn, Tài nguyên, ST5, ST20… đã được trồng thử nghiệm và bén rễ ở đồng tôm Trí Lực. Sau này, ông Mưa thành lập tổ hợp tác sản xuất, rồi mạnh dạn tìm đối tác cung ứng lúa giống, bao tiêu sản phẩm. Và ông Mưa bắt đầu thành công, được nhiều người ủng hộ, học tập và làm theo cách làm của mình.
Đến tháng 4.2018, HTX dịch vụ lúa - tôm Trí Lực chính thức được thành lập, ông Mưa được bầu làm giám đốc quán xuyến việc làm ăn, mua bán của mô hình kinh tế tập thể này. Hiện cánh đồng lúa - tôm của HTX Trí Lực rộng đến 800ha. “Sản lượng mấy vụ đầu dao động khoảng 4.000 tấn với chủng loại giống duy nhất là lúa ST24”, ông Mưa cho biết.
Kể từ đó, hằng năm HTX Trí Lực xuất bán ra thị trường vài tấn gạo sạch từ giống lúa ST24. Phấn khởi nhất là việc HTX đã kết nối được chuỗi cung ứng lúa gạo bền vững. Niềm vui nhân lên khi 117/800ha lúa - tôm của HTX Trí Lực được chứng nhận sản phẩm lúa hữu cơ. Đầu vụ mùa năm 2020, HTX còn thêm tin vui khi hợp tác cùng Tập đoàn thủy sản Minh Phú triển khai mô hình nuôi tôm sinh thái trên ruộng lúa.
“Nếu tôm sinh thái trên ruộng lúa của HTX được chứng nhận nữa thì cùng một diện tích người dân sẽ thụ hưởng 2 sản phẩm chứng nhận sinh thái. Và chuyện đương nhiên là khỏi phải lo đầu ra và giá, bởi phía các đối tác đều cam kết thu mua giá nông sản cao hơn giá thị trường thấp nhất 5%”, ông Mưa cho hay.
Ông Hà Minh Sữa, Phó chủ tịch UBND xã Trí Lực cho biết: “Từ thành công mô hình HTX của ông Mưa, xã Trí Lực hiện có thêm nhiều mô hình kinh tế tập thể làm ăn hiệu quả. Từ đó đưa thương hiệu lúa gạo trên đầm tôm Trí Lực ngày càng vươn xa, người dân nơi đây thay đổi, nâng tầm đời sống mới”.
Cuối tháng 10.2022, mô hình lúa - tôm sú ở xã Trí Lực được tổ chức Aquaculture Stewardship Council (Hội đồng Quản lý nuôi trồng thủy sản) cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế (chứng nhận ASC) về tôm sạch. Chứng nhận ASC là sự xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tối đa tác động xấu lên môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và đảm bảo tốt các quy định về lao động. Đây là mô hình đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận ASC.
Ông Nguyễn Hoàng Bạo, Phó chủ tịch UBND huyện Thới Bình, chia sẻ: “Lợi ích lớn nhất khi được chứng nhận ASC chính là giải quyết vấn đề về nuôi tôm bền vững đối với việc nuôi nhỏ lẻ, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo lợi ích xã hội; góp phần làm thay đổi thói quen sản xuất, cách suy nghĩ của người nuôi và doanh nghiệp về nuôi tôm bền vững. Mô hình này hướng đến mục tiêu cao nhất là phát triển bền vững 4 trụ cột về môi trường - xã hội, an sinh, động vật và an toàn thực phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá hình ảnh con tôm Cà Mau nói chung và huyện Thới Bình nói riêng ra thị trường thế giới, nhất là các thị trường khó tính như châu Âu”.