Cựu chiến binh xã Cam Chính chung tay xây dựng cuộc sống ấm no
Trong những năm qua, bên cạnh công tác xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, Hội Cựu chiến binh (CCB) xã Cam Chính, huyện Cam Lộ còn đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong cán bộ, hội viên. Trong đó, nổi bật là phong trào 'CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi' đã góp phần giúp cho nhiều cán bộ, hội viên CCB phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no.
Sau nhiều năm chăn nuôi gà quy mô hộ gia đình, cùng với số vốn tích góp được và vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội thông qua kênh Hội CCB, năm 2021 CCB Trần Dinh ở thôn Mai Đàn, xã Cam Chính đã đầu tư 700 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại khép kín hiện đại ở trong khu vườn cao su của gia đình để chăn nuôi gà theo hướng trang trại.
Chuồng trại gia đình ông Dinh có hệ thống máng thức ăn, uống nước tự động cho gà; hệ thống quạt làm mát, quạt hút mùi, đệm lót sinh học; các khu nuôi ấp gà theo độ tuổi…
Những lứa đầu, ông nuôi gia công cho công ty thức ăn chăn nuôi với quy mô 6.000-7.000 con gà/lứa. Tuy nhiên do lợi nhuận không đạt như kỳ vọng nên từ đầu năm 2023 ông chuyển hướng sang chăn nuôi gà thả vườn, tự lo nguồn thức ăn và đầu ra.
Hiện ông Dinh nuôi gà theo kiểu cuốn chiếu, xuất bán hết lứa này sẽ đôn lứa khác lên, quy mô hơn 1.000 con gà/ lứa (mỗi năm từ 2-3 lứa). “Gia đình tôi nuôi gà thả vườn, cho gà ăn thức ăn từ lúa, gạo, cỏ cây nên chất lượng đảm bảo.
Hiện đầu ra của gà tôi nuôi khá ổn định, vào thời điểm xuất bán đều có thương lái đến thu mua và chủ yếu tiêu thụ ở trong tỉnh”, ông Dinh cho biết. Ngoài ra, gia đình ông còn có hơn 1 ha cây cao su đang khai thác. Từ nuôi gà, vườn cao su, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập hơn 100 triệu đồng.
Ở thôn Đoàn Kết, gia đình CCB Hoàng Đức Phước nhiều năm qua cũng đã vươn lên khá giả từ mô hình trồng trọt kết hợp hồ tiêu - chè vằng - riềng.
Trong khu vườn khoảng 5 sào của gia đình, những năm qua ông Phước kết hợp trồng cây riềng, chè vằng và khoảng 150 gốc hồ tiêu. “Cây riềng trồng ở vùng này cho chất lượng tốt, năng suất cao, giá và đầu ra ổn định. Cây chè vằng đến mùa thu hoạch thì có các lò chế biến cao trong vùng đặt sẵn nên không lo đầu ra. Cây hồ tiêu thời gian gần đây bị bệnh chết chậm, thu nhập không nhiều.
Tuy vậy, nhờ các loại cây trồng như riềng, chè vằng có hiệu quả khá cao nên thu nhập của gia đình tôi vẫn đảm bảo, đạt khoảng 100 triệu đồng/năm. Nhờ vậy, cuộc sống gia đình ổn định, con cái được ăn học đàng hoàng”, ông Phước cho biết.
Theo ông Phước, mô hình của gia đình ông sắp được Hội CCB xã Cam Chính hỗ trợ kinh phí để xây dựng hệ thống tưới trong vườn, phục vụ sản xuất.
Ngoài ông Dinh, ông Phước, hiện nay tại xã Cam Chính, phong trào CCB vươn lên phát triển kinh tế để giảm nghèo, làm giàu ngày càng trở nên sôi nổi, lan tỏa khá mạnh trong cấp hội cũng như ở địa phương.
Chủ tịch Hội CCB xã Cam Chính Lê Thế Quyền cho biết, những năm qua hội thường xuyên bám sát các nghị quyết, đề án về phát triển KT-XH của địa phương, động viên cán bộ, hội viên tập trung sản xuất, kinh doanh, gắn với thực hiện các kế hoạch Huyện ủy, Ban Chấp hành Hội CCB huyện.
Đồng thời chỉ đạo các chi hội thực hiện các nội dung cam kết “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Kết quả, hội viên đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi trong sản xuất với các mô hình chăn nuôi lợn, gà, dê nhốt…, trồng các loại cây ăn quả.
Hiện toàn hội xã có 6 trang trại chăn nuôi lợn, gà, cải tạo được 17 vườn tạp trồng cây ăn quả, xây dựng 1 vườn mẫu.
Bên cạnh đó, hội viên đã tập trung phát triển cây công nghiệp, trang trại, gia trại, điển hình như các hội viên: Trần Dinh, Nguyễn Xuân Mão (Chi hội Mai Đàn), Lê Văn Xuân (Chi hội Mai Trung), Lê Xuân Ninh (Chi hội An Trung), Nguyễn Văn Hào (Chi hội Mai Lộc 2), Hồ Đắc Đệ (Chi hội Sơn Thanh).
Bám sát nhiệm vụ, hội tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tiếp tục củng cố chăm sóc vườn mẫu, cải tạo vườn tạp, trồng và chăm sóc các tuyến đường mẫu “Sáng - xanh - sạch - đẹp” mà các chi hội đảm nhận; vận động Nhân dân di dời chuồng trại chăn nuôi ra khỏi khu dân cư để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, Hội CCB xã phối hợp thực hiện ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên CCB cận nghèo và mới thoát nghèo vay vốn để phát triển kinh tế. Tổng dư nợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 4,4 tỉ đồng. Hiện xã có 3 tổ tiết kiệm và vay vốn với 111 hộ vay vốn sản xuất, kinh doanh.
Đến nay đời sống của hội viên CCB xã Cam Chính được nâng cao với hộ giàu 120/280 hộ, chiếm 42,85%; hộ khá 90/280 hộ, chiếm 32,18%; hộ trung bình 64/280 hộ, chiếm 22,8%; hộ cận nghèo còn 6/280 hộ, chiếm 2,1%.
Hội CCB xã cũng đã xây dựng được nguồn Quỹ đồng đội với 111 triệu đồng, dùng để thăm hỏi, động viên hội viên khi ốm đau, qua đời; quỹ hội viên giúp nhau phát triển kinh tế là 377 triệu đồng…
“Thời gian tới, hội tiếp tục phối hợp với các ngành tạo điều kiện cho hội viên vay vốn để phát triển kinh tế. Duy trì tốt việc giao ban giữa Hội CCB và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, phát huy hiệu quả trong sử dụng vốn vay. Hội cũng sẽ hỗ trợ các mô hình phát triển kinh tế, kết nối tìm đầu ra ổn định cho nông sản, xây dựng sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của địa phương cho các mô hình của hội viên”, ông Quyền cho biết thêm.