Cựu chiến binh Yên Châu thi đua phát triển kinh tế
Trở về cuộc sống đời thường sau những năm tháng cống hiến bảo vệ độc lập dân tộc, các thế hệ CCB trên địa bàn huyện Yên Châu hôm nay vẫn luôn giữ vững bản lĩnh của người lính Cụ Hồ trên mặt trận chống đói nghèo, tiếp tục đóng góp công sức để xây dựng và phát triển quê hương.
Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của CCB Lò Văn Ó, bản Bó Phương, xã Yên Sơn. Năm 1983, sau khi xuất ngũ, ông Ó trở về quê hương lập nghiệp, làm kinh tế nhưng loay hoay mãi vẫn không thành công. Đến năm 2008, được Hội CCB xã định hướng, ông chuyển sang trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Với 3 ha đất đồi, ông trồng 600 gốc mận hậu và nhãn; tiến hành ghép mắt, đốn tỉa cành, lắp hệ thống tưới ẩm. Nhờ đó, mỗi năm thu 25 tấn quả các loại, trị giá trên 150 triệu đồng. Nhận thấy lợi thế nguồn thức ăn chăn nuôi sẵn có, dồi dào ở địa phương, như cỏ voi, rơm, lá mía... có vốn trong tay và nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội, ông Ó đã đầu tư vào nuôi trâu, bò vỗ béo, dê sinh sản. Ông Ó cho biết: Hiện trang trại của gia đình luôn duy trì nuôi nhốt từ 15-20 con trâu, bò; 25-30 con dê sinh sản; nuôi 200 đàn ong dưới tán cây ăn quả. Từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt tổng hợp đã mang lại thu nhập gần 400 triệu đồng/năm.
Sẵn có 5 ha đất đồi trước đây trồng ngô, năm 2015, ông Nguyễn Thế Viên, bản Huổi Thón, xã Chiềng Hặc đã cải tạo chuyển sang trồng xoài và nhãn, mít. Với mô hình kinh tế tổng hợp, mỗi năm gia đình ông thu gần 30 tấn quả các loại; cung ứng 15 tấn phân bón, sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận gần 500 triệu đồng và tạo việc làm thời vụ cho 5-7 lao động với thu nhập 5 triệu đồng/tháng.
Điển hình trong phong trào “CCB thi đua phát triển kinh tế” trên địa bàn huyện Yên Châu còn rất nhiều CCB khác. Trở về quê hương dựng nghiệp, chưa có kinh nghiệm sản xuất, mỗi người chọn một cách khởi nghiệp. Ông Hoàng Văn Xuân, Chủ tịch Hội CCB huyện Yên Châu, chia sẻ: Toàn huyện có 3.773 hội viên CCB, sinh hoạt tại 157 chi hội. Với tinh thần vượt khó, các hội viên đã phát huy thế mạnh của từng cơ sở để phát triển kinh tế. Cùng với đó, các hội viên còn gương mẫu trong các phong trào hội, nhiệt tình hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế cho những CCB và người dân muốn học hỏi, đầu tư xây dựng mô hình.
Giúp hội viên giảm nghèo bền vững, Hội CCB huyện đã phối hợp với các ngành mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăm sóc vật nuôi, phát triển mô hình VAC. Bên cạnh đó, tổ chức nhiều đợt cho hội viên đi tham quan các mô hình tiêu biểu; vận động hội viên đưa các loại giống mới, giá trị cao vào sản xuất. Nhờ những hoạt động này, nhiều CCB làm chủ kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng ngành nghề kinh doanh. Đến nay, Hội CCB huyện đã xây dựng được 133 mô hình kinh tế trang trại, gia trại và chăn nuôi, cho thu nhập từ 100 triệu đồng/hộ/năm trở lên.
Toàn huyện có trên 2.000 hộ gia đình hội viên có thu nhập khá, trên 3.200 hộ gia đình hội viên có nhà xây kiên cố, chỉ còn 36 hộ trong diện nhà tạm. 100% chi hội có quỹ tiết kiệm với số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Hội đã nhận ủy thác hơn 83 tỷ đồng với Ngân hàng Chính sách xã hội cho 1.904 hội viên vay thông qua 63 tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngoài ra, Hội CCB các cấp còn chú trọng tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên chung tay xây dựng nông thôn mới. 5 năm qua, các gia đình hội viên CCB đã hiến 1.415 m² đất, huy động trên 8.700 ngày công làm gần 6 km đường nội bản, tổng giá trị gần 3,2 tỷ đồng.
Giai đoạn 2022-2027, Hội CCB huyện Yên Châu phấn đấu số hộ giàu, khá tăng 10%, mỗi năm giảm hộ nghèo từ 3%; mỗi xã, thị trấn hàng năm xây dựng được từ 2 mô hình làm kinh tế giỏi trở lên... Thời gian tới, các cấp hội CCB trong huyện tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; vận động cán bộ, hội viên đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.