Cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa với duyên âm nhạc

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đỗ Văn Phúc năm nay vừa bước vào tuổi 90, song còn rất minh mẫn. Nhắc đến ông, nhiều người nhớ đến biệt danh 'Tiếng kèn địch vận', vì trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, ông chơi đàn harmonica, thổi những bản nhạc để động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ta và góp phần làm suy giảm tinh thần của đối phương. Ông cũng là một nhạc sĩ có nhiều ca khúc ý nghĩa, được công chúng đón nhận và phổ biến rộng rãi. Trong đó, nổi tiếng nhất là tác phẩm 'Hoan hô chiến sĩ Điện Biên', sáng tác theo ý thơ của nhà thơ Tố Hữu. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trò chuyện cùng vị tướng - người chiến sĩ Điện Biên có duyên với âm nhạc Đỗ Văn Phúc.

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đỗ Văn Phúc kể chuyện chiến đấu ở chiến trường Điện Biên. Ảnh: Việt Văn

Thiếu tướng, nhạc sĩ Đỗ Văn Phúc kể chuyện chiến đấu ở chiến trường Điện Biên. Ảnh: Việt Văn

- Thưa thiếu tướng, nhạc sĩ Đỗ Văn Phúc, ông có thể cho biết, cơ duyên nào đưa ông trở thành người thổi kèn địch vận ở chiến trường Điện Biên Phủ năm 1954?

- Thời điểm đó, tình hình chiến sự vô cùng ác liệt, 75% quân số đại đội tôi đã hy sinh, 6 cán bộ chỉ huy thì chỉ còn lại 2. Trong quãng nghỉ giữa các trận đánh, tôi đã dùng cây kèn harmonica, món quà mà người chú ruột tặng từ thời đi học, để thổi những ca khúc như "Vì nhân dân quên mình", "Chiến sĩ ca", "Làng tôi", "Qua miền Tây Bắc" nhằm cổ vũ tinh thần chiến đấu của đồng đội. Bạn học của tôi là Chính trị viên Vũ Hoài Chương tình cờ gặp Đại đội trưởng Đội Tuyên truyền địch vận của mặt trận, đã đưa anh ấy đến gặp tôi.

Lúc ấy, các anh bên địch vận đang gặp khó khăn, loa địch vận mỗi lần phát là một lần bị lính Pháp trên điểm cao C1 bắn xối xả, mất tác dụng. Thế là tôi được giao thêm nhiệm vụ thổi các bản nhạc, bao gồm cả nhạc nước ngoài, qua loa điện - xen kẽ trong buổi phát thanh. Ngay tối đầu thử nghiệm, kết quả thật tốt đẹp. Khi loa của ta vừa phát, quân Pháp bắn ra xối xả, nhưng khi giai điệu tha thiết của bài "One day" và những khúc nhạc Tây thời đó vang lên thì tiếng súng thưa thớt dần. Đêm sau và các đêm sau nữa, hiệu quả cũng tốt. Chính điều đó đã góp phần động viên bộ đội ta nhanh chóng tiêu diệt cứ điểm C1 trong ngày tổng tiến công. Khi đó, tôi được các chiến sĩ ở mặt trận đặt cho biệt danh "Tiếng kèn địch vận". Điều đó đã thúc đẩy niềm đam mê sáng tác nhạc của tôi sau này.

- Đã trải qua 67 năm kể từ chiến thắng "chấn động năm châu, vang dội địa cầu" của quân dân ta trên lòng chảo Điện Biên. Hiện, ông còn giữ được chiếc kèn địch vận ấy không?

- Chiếc kèn ấy vừa là người bạn tâm giao, vừa là người bạn chiến đấu đã cùng tôi đi suốt một đời chinh chiến, nên tôi giữ gìn nó rất kỹ. Tới tháng 5 năm 2000, với suy nghĩ cần để cho các thế hệ tiếp nối hiểu thêm về lịch sử của dân tộc, của cách mạng Việt Nam, tôi đã tặng lại cho Bảo tàng Cách mạng thành phố Hồ Chí Minh. Nó đã có một vị trí bên cạnh những kỷ vật Điện Biên Phủ của nhiều đồng chí, đồng đội của tôi.

- Cùng với “Tiếng kèn địch vận” năm xưa, điều gì đã thôi thúc ông sáng tác ca khúc "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", dựa trên ý thơ của nhà thơ Tố Hữu?

- Sau khi nghỉ hưu, sở thích âm nhạc của tôi mới có cơ hội phát huy. Tôi không chỉ thổi kèn harmonica mà còn chơi guitar, piano và sáng tác nhiều bài hát về thiếu nhi, ngành y và lực lượng phòng không, không quân. Ca khúc "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên" là ca khúc tôi sáng tác năm 2014, nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, như một cách nhớ lại kỷ niệm của chính tôi và các đồng đội ở chiến trường Điện Biên Phủ, kỷ niệm không thể quên với Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Anh Văn của chúng tôi.

Tôi lấy ý thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", phản ánh khí thế quyết chiến quyết thắng của quân và dân ta khi bước vào chiến dịch trên nền nhạc quân hành rộn rã: "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên. Hoan hô anh Văn. 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/theo phương châm đánh chắc tiến chắc. Kéo pháo vào ta lại kéo pháo ra. Trận Him Lam mở đầu thắng lợi/ba hôm sau Bản Kéo đầu hàng/ta đập tan phân khu phía Bắc, chiếm khu đông/ chia cắt sân bay/ vây hãm Mường Thanh...".

Thiếu tướng Đỗ Văn Phúc sinh năm 1933 tại tỉnh Bắc Ninh, ông nguyên là Ủy viên Quân sự Việt Nam tại Liên Xô, Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Ủy viên Đảng ủy Bộ Tư lệnh Pháo binh. Ông đã tham gia nhiều trận đánh lịch sử trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ như trận Điện Biên Phủ (đánh đồi C1 và C2) và đặc biệt là trận “Điện Biên Phủ trên không” bảo vệ Hà Nội 12 ngày đêm, với phương pháp bắn độc đáo, góp phần hạ nhiều máy bay B52.

- Có thể thấy, trong chiến dịch Điện Biên Phủ và nhiều chiến dịch lớn sau này, hầu hết tướng lĩnh của ta không được đào tạo bài bản, nhưng lại có thể chiến thắng trong nhiều cuộc chiến với tướng lĩnh quân đội của nước ngoài. Theo ông là nhờ nguyên nhân nào?

- Việt Nam có truyền thống chống quân xâm lược trải qua nhiều thế hệ từ đời này sang đời khác. Tôi cho rằng, dẫu không được đào tạo bài bản, song, các vị tướng của ta đã học hỏi được lịch sử và nghệ thuật quân sự trong các cuộc chiến tranh của ông cha ta. Đồng thời, có thêm kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình chiến đấu với giặc ngoại xâm ở thời điểm hiện tại.

- Sau ca khúc "Hoan hô chiến sĩ Điện Biên", ông còn tiếp tục theo đuổi con đường sáng tác âm nhạc nữa không?

- Tôi sẽ còn sáng tác cho đến khi nào còn có thể, bởi cảm hứng âm nhạc luôn thúc giục tôi viết để cổ vũ tinh thần đồng chí, đồng đội, để ngợi ca những người chiến sĩ QĐND Việt Nam, ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước con người Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

Đặng Diệu Hà (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/cuu-chien-si-dien-bien-nam-xua-voi-duyen-am-nhac-post439581.html