Cựu chủ tịch Bình Thuận Lê Tiến Phương bị đề nghị 6-7 năm tù
TAND TP Hà Nội vừa mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với bị cáo Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận và 16 bị cáo khác về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí'.
Sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực quản lý đất đai
Theo đó, trong vụ án này, bị cáo Lê Tiến Phương, SN 1957, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận từ năm 2010 – 2015; nguyên Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận, bị xét xử tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”. Cùng tội danh, các cựu lãnh đạo của Bình Thuận bị đưa ra xét xử gồm: Bị cáo Nguyễn Ngọc, cựu Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh; Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng; Hồ Lâm, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Lê Nguyễn Thanh Danh, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Nguyễn Thanh Cho, cựu Chi cục trưởng quản lý đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường…
HĐXX trong vụ án gồm 3 người do Thẩm phán Nguyễn Quang Huy làm chủ tọa phiên tòa. Tòa đã triệu tập gần 20 người cùng đại diện 3 tổ chức với vai trò có quyền và nghĩa vụ liên quan, trong đó có UBND tỉnh Bình Thuận và Công ty (Cty) CP Rạng Đông.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) TC, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Cụ thể, trên cương vị là Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất, bị cáo Lê Tiến Phương chỉ đạo xuyên suốt việc triển khai Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.
Cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận biết rõ đồ án quy hoạch chi tiết và cơ cấu sử dụng đất tại đây; được Hội đồng thẩm định giá đất báo cáo đầy đủ về quá trình triển khai, kết quả thẩm định kết quả tư vấn xác định giá đất của Cty SIVC và Dự thảo Phương án giá đất của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Tuy nhiên, bị cáo Lê Tiến Phương vẫn thống nhất với kết quả tư vấn xác định giá đất và phương án giá đất do Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng, trong đó sử dụng tài sản so sánh không đủ điều kiện, không căn cứ quy hoạch chi tiết được phê duyệt làm cơ sở tính toán, tính giá đất nhà cao tầng bằng cách thức, phương pháp xác định như đối với biệt thự, nhà liền kế.
Bị cáo Phương cũng ký ban hành quy định phê duyệt giá đất tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết với giá 2.577.000 đồng/m2 trái quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, gây thiệt hại ngân sách hơn 308 tỷ đồng. Cùng thực hiện hành vi phạm tội với bị can Phương, các bị can khác có vai trò khác nhau cố ý làm trái nhiệm vụ trong quá trình thẩm định giá đất.
VKSND kết luận, hành vi phạm tội của 17 bị can là nguyên nhân trực tiếp gây thất thoát cho Nhà nước số tiền hơn 308 tỷ đồng. Cty Rạng Đông đang được hưởng số tiền này. Quá trình điều tra, Công ty Rạng Đông đã nộp 90 tỷ đồng để khắc phục một phần hậu quả. Tổng số tiền các bị can đã nộp để khắc phục hậu quả là 150 triệu đồng.
Mức án đề nghị với các bị cáo
Tại tòa, đại diện VKSND đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Tiến Phương từ 6 - 7 năm tù. Bị cáo Hồ Lâm từ 5 - 6 năm tù, tổng hợp với bản án trước đó tuyên phạt bị cáo Lâm 5 năm tù, buộc bị cáo Lâm phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án.
Hai bị cáo: Nguyễn Văn Phong, SN 1967, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận - Thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh Bình Thuận, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Xà Dương Thắng, SN 1966, cựu Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Thuận, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận, cùng bị đề nghị từ 4-5 năm tù. Nguyễn Xuân Phong, SN 1957, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận, 3-4 năm tù.
Nguyễn Ngọc, SN 1958, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) bị đề nghị từ 36-42 tháng tù. Đỗ Ngọc Điệp, SN 1962, cựu Chủ tịch UBND thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận, bị đề nghị từ 30-36 tháng tù.
Năm bị cáo: Lê Nguyễn Thanh Danh, SN 1980, cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Thanh Cho, SN 1973, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Lê Nam Hưng, SN 1980, cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Thuận; Phạm Duy Cường, SN 1974, cựu Phó Trưởng phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận; Nguyễn Văn Thọ, SN 1961, Chủ tịch HĐQT Cty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam, cùng bị đề nghị mức từ 24-30 tháng tù. Riêng Lê Nguyễn Thanh Danh bị đề nghị tổng hợp hình phạt với bản án 42 tháng tù bị tuyên trước đó.
Lê Quang Vinh, SN 1973, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận, nguyên Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, tỉnh Bình Thuận, bị đề nghị từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Lê Anh Huy, SN 1977, cựu Chuyên viên Phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận, nguyên Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận; Huỳnh Lương Thiện, SN 1980, chuyên viên Phòng Đầu tư và Quy hoạch xây dựng, Văn Phòng UBND tỉnh Bình Thuận; Trương Văn Ri, SN 1959, cựu Phó Tổng Giám đốc Cty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam (SIVC) kiêm Giám đốc Chi nhánh Công ty SIVC tại Bình Thuận; Hồ Như Hải, SN 1973, cựu Phó Giám đốc Cty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá, cùng bị đề nghị mức án từ 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Phiên tòa dự kiến kéo dài nhiều ngày, xét xử kể cả thứ 7, Chủ nhật.
Tại tòa, bị cáo Phương khai rằng, Dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết được triển khai trong bối cảnh đặc biệt khi Luật Đất đai 2013 vừa có hiệu lực thi hành. Địa phương vừa nghiên cứu vừa thực hiện nên còn nhiều lúng túng, hạn chế ở nhiều khâu của các cơ quan chuyên môn.
Trong khi đó, theo bị cáo Phương, phương pháp xác định giá phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, kinh nghiệm của thẩm định viên về giá. “Tôi cho rằng ngoài mục đích cần triển khai nhanh dự án, xây dựng khu đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống thì người dân Phan Thiết hoàn toàn được quyền thừa hưởng điều đó nên chúng tôi nỗ lực ngày đêm thực hiện dự án này”, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận trình bày.