Cựu Chủ tịch Bình Thuận và đồng phạm lĩnh án vụ thất thoát hơn 45 tỷ đồng
Chiều 17/5, Tòa án nhân dân TP Hà Nội xử phạt cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Hai 5 năm tù về tội 'Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí', trong vụ giao 3 lô đất trái quy định cho doanh nghiệp, gây thiệt hại hơn 45 tỷ đồng.
Cùng tội danh trên, bị cáo Lương Văn Hải (cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) bị tuyên phạt 42 tháng tù; Hồ Lâm (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) bị áp dụng 5 năm và Lê Nguyễn Thanh Danh (cựu Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường) phải nhận 42 tháng tù.
Tiếp đến là Ngô Hiếu Toàn (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính) bị tuyên phạt 30 tháng tù; Cựu giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất - Đặng Hoài Nhân cùng cựu Phó Giám đốc - Nguyễn Thị Thu Phong cùng bị áp dụng 24 tháng tù; cựu Chi cục trưởng Quản lý đất đai - Nguyễn Thanh Cho lĩnh 24 tháng tù; cựu Phó Chi cục trưởng - Lê Nam Hưng bị tuyên phạt 24 tháng tù và 2 cựu cán bộ - Phạm Duy Cường lĩnh 24 tháng tù; Lê Anh Huy 18 tháng tù nhưng được hưởng án treo, được trả tự do ngay tại tòa.
Bị cáo còn lại là Nguyễn Văn Phong - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cựu Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bình Thuận bị tuyên phạt 24 tháng tù về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".
Về trách nhiệm dân sự, tòa buộc Công ty Tân Việt Phát phải nộp lại 45 tỷ đồng.
Quá trình xét xử vụ án, các bị cáo đều xin giảm nhẹ hình phạt vì lô đất bán đấu giá 6 lần nhưng không thành, các bị cáo không hưởng lợi gì. Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận xác nhận các bị cáo có nhiều thành tích trong công tác đồng thời xin giảm nhẹ cho các bị cáo.
Bản án sơ thẩm thể hiện, năm 2013, UBND tỉnh Bình Thuận chủ trương bán đấu giá 3 lô đất (18,19,20), tổng diện tích hơn 9 ha thuộc quỹ đất 2 bên đường ĐT.706B phường Phú Hài, TP Phan Thiết với giá khởi điểm hơn 111 tỷ đồng (1,2 triệu đồng/m2) để xây dựng nhà ở thương mại. Tuy nhiên sau thông báo 6 lần vẫn không có đơn vị, cá nhân nào tham gia mua đấu giá.
Ngày 26/7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai ban hành quyết định điều chỉnh giá đất của Bình Thuận, trong đó có khu vực 3 lô đất trên là 1,6 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, năm 2017, UBND tỉnh Bình Thuận giao 3 lô đất cho Công ty Tân Việt Phát, song vẫn áp dụng giá được phê duyệt từ năm 2013. Việc này vi phạm khoản 3, Điều 108 - Luật Đất đai, khiến nhà nước thiệt hại 45 tỷ đồng.
Đến tháng 5/2017, người dân có phản ánh về việc giao đất giá rẻ cho Công ty Tân Việt Phát 03 lô đất (18, 19, 20). Khi đó, bị cáo Nguyễn Ngọc Hai đã chỉ đạo Nguyễn Văn Phong kiểm tra lại việc giao đất không qua đấu giá cho Công ty Tân Việt Phát.
Tuy nhiên, bị cáo Phong không chỉ đạo các bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát đối chiếu với quy định của Luật Đất đai, Luật Giá về việc xác định giá đất cụ thể để giao đất cho Công ty Tân Việt Phát. Bị cáo chỉ đạo nhân viên soạn thảo công văn với nôi dung “việc UBND tỉnh thống nhất giao đất không qua hình thức đấu giá đối với 03 lô đất số 18, 19, 20 thuộc quỹ đất hai bên đường ĐT.706B, TP Phan Thiết cho Công ty CP Tân Việt Phát là phù hợp với quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND ngày 22/4/2016 của UBND tỉnh”.
Do vậy UBND tỉnh không có biện pháp thu hồi kịp thời, để cho các sở, ngành liên quan và Công ty Tân Việt Phát thực hiện thủ tục giao, cho thuê, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Tòa án nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm chế độ quản tài sản Nhà nước, làm suy giảm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước. Vụ án cũng là bài học cho viên chức, công chức thiếu mẫn cán.
Trong vụ án này, tòa án cho rằng mặc dù bị cáo Nguyễn Văn Hai ký công văn là do tin tưởng sự tham mưu của cấp dưới nhưng bị cáo là người đứng đầu tỉnh Bình Thuận nên xác định bị cáo Hai giữ vai trò, trách nhiệm cao nhất trong vụ án. Bị cáo Hồ Lâm định hướng cấp dưới tham mưu áp giá đất trái quy định nên có vai trò tương đương với bị cáo Hai.
Hội đồng xét xử cũng xác định, các bị cáo giao đất cho Tân Việt Phát nhằm mục đích để tăng nguồn thu ngân sách và không được hưởng lợi cá nhân gì.