Cựu Chủ tịch Đà Nẵng khai về 'sai sót mang tính sáng tạo'
Chiều nay, phiên tòa xét xử bị cáo Phan Anh Vũ và hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng tiếp tục với phần thẩm vấn.
Tại dự án 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước, bị cáo Văn Hữu Chiến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn 2011 đến 2014) bị cáo buộc có hành vi ký quyết định về việc thu hồi, giao cho công ty CP Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ diện tích 29 ha này không đấu giá quyền sử dụng đất.
Điều 2 của quyết định ghi rõ: Công ty CP Xây dựng 79 có trách nhiệm nộp tiền sử dụng đất được quy định tại thỏa thuận nguyên tắc ngày 16/11/2006 với số tiền là 87 tỷ đồng, trong khi đó giá trị quyền sử dụng đất và giá trị tài sản trên đất theo giá thị trường của dự án 29 ha thuộc Đô thị quốc tế Đa Phước tại thời điểm này là hơn 4.788 tỷ đồng (theo Kết luận định giá tài sản của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở TƯ).
Bị cáo còn ký công văn cho phép công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 của Phan Văn Anh Vũ được nhận quyền sử dụng đất và giảm 10% tiền sử dụng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.
Tại tòa, bị cáo Chiến trình bày: Dù bị cáo được phân công mảng TNMT, nhưng việc bán nhà, chuyển quyền sử dụng đất công sản do Chủ tịch làm, bị cáo chỉ ký một số theo phân công.
Đại diện VKS thẩm vấn ông Chiến:
Bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước thì bị cáo có trách nhiệm gì không?
- Trong quá trình triển khai thực hiện, bị cáo không phải là người quyết định.
Giả sử Chủ tịch sai thì bị cáo có sai không?
- Còn hai cơ quan tham mưu cho bị cáo sẽ rà soát rồi mới trình thì bị cáo ký. Thời điểm đó, cả TP Đà Nẵng như một đại công trường, không thể kiểm tra từng nhà, từng dự án được...
Theo quy định của luật Đất đai, bảng giá đất của các tỉnh, TP hàng năm phải sát với giá thị trường, nhưng kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở TƯ cho thấy, Dự án 29 ha tại thời điểm đó có giá trị hơn 4.788 tỷ đồng. Tại sao bị cáo không áp giá như giá trị của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự ở TƯ xác định, để rồi ngân sách Đà Nẵng chỉ thu được 87 tỷ đồng?
- Các cơ quan tham mưu trình giá đó....
Sai sót mang tính sáng tạo?
Bị cáo Trần Văn Minh (cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006 - 2011) bị cáo buộc đã ký ban hành các văn bản pháp lý chỉ đạo chủ trương quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước đối với việc sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà, đất công sản và quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn thành phố.
Các công văn, quyết định này trái với các quy định của Nghị định số 61/CP về mua bán và kinh doanh nhà ở, quyết định 09/2007 của Thủ tướng về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước và các quy định của pháp luật về đất đai.
Trình bày tại tòa, giám định viên tư pháp Bộ Xây dựng cho rằng: Các quyết định do bị cáo Minh ký là trái với Nghị định 61/CP.
Việc giảm giá sử dụng đất được áp dụng Nghị định 38/CP năm 2000. Tuy nhiên đến tháng 10/2004, Nghị định 38 này đã hết hiệu lực...
Giám định viên cũng chỉ ra các điều kiện để được bán chỉ định, nếu bán chỉ định mà không đáp ứng đủ các điều kiện mà giám định viên nêu là trái quy định.
Trả lời thẩm vấn của luật sư, bị cáo Minh trình bày: Khi thanh tra Chính phủ vào thanh tra cũng đặt vấn đề giảm giá 10% này là vi phạm. UBND TP Đà Nẵng có giải trình.
Bộ Chính trị sau đó có thành lập đoàn kiểm tra để xem xét cho khách quan. Ủy ban kiểm tra có báo cáo, trong đó phân tích, nói có sai sót, nhưng cũng có tính sáng tạo, mang lại hiệu quả.
Lúc đó Bộ Chính trị nói làm hiệu quả nhưng không xin ý kiến TƯ. Nghị quyết trung ương cho TP Đà Nẵng được hưởng quy chế đặc thù, nhưng không xin ý kiến trung ương là sai sót.
Theo lời khai của bị cáo, giảm giá 10% ở đây mục đích là để thu tiền sử dụng đất, kích thích các đơn vị nộp tiền luôn.