Cựu Chủ tịch Đà Nẵng nói gì về dự án gây thiệt hại hơn 11.200 tỷ đồng?
Ngày 5-1, TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử hai cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Phan Văn Anh Vũ và 18 bị cáo liên quan. Và sau gần 4 ngày thẩm vấn, phiên tòa tạm nghỉ vào ngày mai.
Trong vụ án này, Trần Văn Minh (SN1955, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2006-2011), Văn Hữu Chiến (SN 1954, cựu Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, giai đoạn từ năm 2011-2014) và Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, Chủ tịch HĐQT Công ty Xây dựng 79 và đứng đằng sau hàng loạt doanh nghiệp khác) cùng các bị cáo liên quan lần lượt bị xét xử về các tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" và tội "Vi phạm các quy định đề quản lý đất đai".
Lô này, lô kia chỉ là trên giấy tờ...
Theo cáo trạng, các bị cáo Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến làm Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (giai đoạn 2006 - 2014) đã cố ý làm trái các quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước để tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ trục lợi cá nhân trong việc mua bán, chuyển nhượng nhà đất công sản. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại hơn 22.047 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa vào ngày xét xử thứ tư, bị cáo Trần Văn Minh – cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng tiếp tục khẳng định đã làm đúng các quy định khi chuyển nhượng nhà đất công sản cho các trường hợp, không riêng gì Phan Văn Anh Vũ. Bị cáo Minh nói: “Cáo trạng đề cập một số văn bản trái pháp luật nhưng năm 2011, Thanh tra Chính phủ sau khi soát xét đã nói Đà Nẵng áp dụng một số văn bản có sáng tạo nhưng không xin phép”.
Về khu đất 29ha tại Dự án Đa Phước được giao cho Phan Văn Anh Vũ, cựu Chủ tịch TP Đà Nẵng cho rằng khu đất này được giao năm 2011 theo thỏa thuận đã ký giữa Đà Nẵng và Công ty Daewon (Hàn Quốc), việc này đúng luật đầu tư. Cũng theo bị cáo Minh, lúc đó 29ha này vẫn là mặt nước, không phải đã cải tạo như cáo trạng quy kết.
Tại tòa, bị cáo Minh phân trần: “Đất ở đây là đất mặt nước, trong quyết định nói lô đất này lô đất kia là trên giấy tờ, quy hoạch thôi còn không có đất. Đất đó là ông Vũ đổ làm kè, cơ sở hạ tầng còn nhà nước chỉ có mặt nước thôi. Đó là đất ô nhiễm, mặt nước chúng tôi vẫn thu tiền mà quy chúng tôi gây thất thoát”.
Trước đó, cáo trạng truy tố thể hiện, năm 2006, Đà Nẵng ký thỏa thuận cho phép Daewon đầu tư dự án Đa Phước nhưng riêng khu 29ha làm biệt thự phải liên doanh với một doanh nghiệp Việt Nam và UBND TP Đà Nẵng sẽ ra quyết định giao đất cho doanh nghiệp này với giá 300 nghìn đồng/m2.
Tháng 12-2010, Daewon Cantavil có văn bản chuyển quyền sử dụng khu đất 29ha nói trên cho Công ty Xây dựng 79 để cùng Deawon thành lập liên doanh. Tháng 7-2011, Văn Hữu Chiến (lúc đó là Phó Chủ tịch Đà Nẵng) đã thu hồi đất để giao cho Phan Văn Anh Vũ với giá 87 tỷ đồng (mức giá năm 2006). Trên thực tế, năm 2011, khu 29 ha này có giá hơn 4.788 tỷ đồng.
Do được chỉ định từ trước, Phan Văn Anh Vũ đã chỉ đạo Phan Minh Cương – Giám đốc Công ty Xây dựng 79 ký hợp đồng liên doanh với Daewon. Năm 2008, Deawon gửi văn bản cho ông Trần Văn Minh nói đã cải tạo xong khu đất, xin thành phố giao 29ha này cho một doanh nghiệp Việt Nam.
Năm 2011, Đà Nẵng đã giao đất cho doanh nghiệp của Phan Văn Anh Vũ nhưng với khung giá năm 2006. Trong khi đó, luật quy định giá đất được ban hành vào ngày 1-1 hằng năm.
Sau đó, Daewon đã bán 51% cổ phần của mình trong liên doanh cho Công ty Xây dựng 79 nên Phan Văn Anh Vũ hoàn toàn có được 29ha đất nói trên. Việc xây dựng tại đây được thực hiện bởi Công ty TNHH MTV Phát triển nhà Đa Phước do Vũ làm Chủ tịch.
Tháng 11-2015, Phan Văn Anh Vũ chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty Phát triển nhà Đa Phước cho ông Võ Ngọc Châu (SN 1964, ở TP.HCM) với giá hơn 428 tỷ đồng. Hiện tại, Công ty của ông Châu đã xây dựng tại khu 29 ha này và bán được 189 lô đất biệt thự cho 189 khách hàng với tổng giá trị giao dịch hơn 1.280 tỷ đồng.
Kết quả định giá thể hiện, giá thị trường của Dự án 29 ha thuộc Khu đô thị quốc tế Đa Phước tại thời điểm khởi tố vụ án (tháng 4-2018) là hơn 11.322 tỷ đồng. Như vậy, hành vi của các bị cáo đã khiến ngân sách nhà nước bị thiệt hại hơn 11.235 tỷ đồng (11.322 tỷ trừ đi 87 tỷ đồng Phan Văn Anh Vũ bỏ tiền mua).
Lãnh đạo trước khen nay thì bị xét xử
Trả lời các câu hỏi luật sư về Dự án 29ha, Phan Văn Anh Vũ cho biết, Công ty Xây dựng 79 nhận được dự án này dựa trên văn bản đề nghị của Công ty Daewon gửi UBND TP Đà Nẵng để liên doanh. Bị cáo Vũ khẳng định, thời điểm TP Đà Nẵng giao, 29 ha này không phải là đất sạch.
“Sau khi nhận đất đã triển khai dự án chưa?” - luật sư hỏi tiếp. Trả lời tòa, bị cáo Vũ nói, làm sao mà triển khai được vì khi vừa nhận xong thì CQĐT và Thanh tra Chính phủ có văn bản tiến hành thanh tra dự án. “Tôi hoàn toàn bế tắc, đã 3 lần làm văn bản gửi UBND TP xin được lấy lại số tiền ban đầu…” – bị cáo Vũ trình bày.
Theo Phan Văn Anh Vũ, vụ án có nhiều uẩn khúc mà cáo trạng không nêu hết, rất khó cho HĐXX khi xét xử. Về nguồn tiền mua các dự án, nhà, đất công sản, bị cáo Vũ cho hay, nếu tài sản do cá nhân mua thì tiền do cá nhân bỏ ra hoặc vay, mượn; còn nếu do pháp nhân mua thì tiền của các công ty đó.
“Vì sao ông thành lập 5 công ty như hồ sơ vụ án thể hiện?” - luật sư hỏi. “Kính thưa HĐXX, thưa VKS, khi nhận bản cáo trạng tôi thật sự rất hoang mang vì quy kết tôi kinh hoàng, với ý đồ thâu tóm, đầu cơ đất trên địa bàn Đà Nẵng…” – bị cáo Vũ nói.
“Tôi là người đi mua, tại sao dùng từ kinh khủng như vậy. Tôi không hiểu thâu tóm nghĩa là sao, đầu cơ nghĩa là sao. Tôi thành lập và tham gia vào các công ty mục đích duy nhất là để kinh doanh bất động sản” – Phan Văn Anh Vũ trình này.
Bị cáo này cho rằng có thể đại diện Viện kiểm sát chưa rõ về việc kinh doanh bất động sản vì nó rất rắc rối. Việc bị cáo có tới 5 công ty để có thể phân loại các dự án và một Công ty 79 thì không thể làm tới 5-7 dự án, cũng không phù hợp với quy hoạch từng vùng, từng thành phố.
Ngoài ra, theo Vũ khai, ngân hàng cho vay chỉ có hạn mức, một công ty chỉ có thể được vay 30-50 tỷ, nếu một công y mà làm tới 5-7 dự án sẽ vượt quá hạn mức, do đó phải thành lập nhiều công ty để có thể vay nhiều vốn. “5 công ty không phải luồn lách trốn thuế mà chỉ để phục vụ mục đích kinh doanh” – Phan Văn Anh Vũ giải thích.
Trả lời các câu hỏi nêu ra tại tòa, bị cáo Vũ còn nói: “Hai nhiệm kỳ lãnh đạo thành phố trước đó đã có rất nhiều bằng khen, giấy khen cho tôi. Pháp luật thì chỉ có một, tại sao các lãnh đạo thời kỳ trước khen tôi, ủng hộ tôi mà đến nay lại mang tôi ra xét xử trước tòa. Tôi rất đau đớn về việc này…”.
Ở ngày xét xử thứ tư này, Phan Văn Anh Vũ cũng phân trần rằng bản thân bị cáo thì không sao vì dù sao cũng 30 năm tù rồi (tổng hợp hình phạt các bản án trước đó, bị cáo Vũ phải chấp hành mức án 30 năm tù - PV) nhưng cái oan, cái nhục nhã là cho các lãnh đạo Đà Nẵng.
“Hôm nay, tôi xin hứa HĐXX những lời trình bày tại tòa là đúng sự thật. Bởi nếu phiên tòa này HĐXX có cho vô tội hay bản án 5 năm, 10 năm cũng không làm thay đổi bản chất để hình phạt của tôi nặng thêm để mà tôi quanh co chối tội. Nhưng tôi cũng không thể nhận tội thay người khác…” – Phan Văn Anh Vũ nói.