Cựu Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết và 2 em gái xin giảm án phạt
Bị cáo Trịnh Văn Quyết gửi đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt về hình sự và phần dân sự trong bản án sơ thẩm.
Hàng loạt bị cáo kháng cáo, xin giảm nhẹ hình phạt
Gần 2 tháng sau khi Tòa án nhân dân TP Hà Nội tuyên án phạt 50 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC), ngày 1/10, cơ quan tố tụng đã nhận được kháng cáo của 25 bị cáo trong số này.
Cụ thể, bị cáo Trịnh Văn Quyết (SN 1975, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC, Chủ tịch Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt) kháng cáo xin giảm nhẹ mức hình phạt và trách nhiệm dân sự.
Tương tự, hai em gái của Quyết gồm Trịnh Thị Minh Huế và Trịnh Thị Thúy Nga kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và giảm nhẹ trách nhiệm dân sự của họ trong vụ án, đồng thời mong cấp phúc thẩm không yêu cầu các bị cáo khắc phục hậu quả.
9 bị cáo khác cũng xin được giảm nhẹ hình phạt, gồm: Trần Thị Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Phương, Đỗ Quang Lâm, Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Thanh, Nguyền Ngọc Tỉnh, Hương Trần Kiều Dung, Nguyễn Thị Hồng Dung, Trầm Tuấn Vũ.
Nhóm xin giảm nhẹ hình phạt và mong được hưởng án treo, gồm: Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Thu Thơm, Nguyễn Quỳnh Anh, Bùi Ngọc Tú, Chu Tiến Vượng, Nguyễn Văn Mạnh, Đàm Mai Hương, Lê Công Điền, Quách Thị Xuân Thu.
Ngoài ra, một số bị hại gửi đơn kháng cáo yêu cầu tòa án xác định lại số tiền bồi thường và xem xét một số nội dung trong bản án sơ thẩm đã tuyên.
Đề nghị được bán tài sản bị phong tỏa, kê biên để khắc phục hậu quả
Theo bản án, giai đoạn 2017-2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bà Huế cùng nhiều nhân viên FLC mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty. Sau đó, họ mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu.
Hành vi thao túng các mã cổ phiếu tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Qua đó, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.
Với tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, giai đoạn 2014-2016, Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho Công ty Xây dựng FLC Faros, từ 1,5 tỷ lên tận 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần. Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.
Khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Trịnh Văn Quyết cho biết đã nộp khắc phục hơn 235 tỷ đồng. Ông Quyết còn cho rằng, tại thời điểm mình bị khởi tố và bắt tạm giam, toàn bộ số tài sản bị phong tỏa, kê biên ước tính khoảng 5.000 tỷ đồng. Bị cáo đề nghị các cơ quan tố tụng cho phép bán các tài sản này, bao gồm cả cổ phiếu FLC để khắc phục hậu quả.