Cựu Chủ tịch HĐTV Vinashin nhận 13 năm tù

Sau 3 ngày xét xử, chiều 12-6, TAND Hà Nội đã ra phán quyết với các bị cáo trọng vụ án xảy ra tại Vinashin...

Theo đó, tòa tuyên phạt ông Nguyễn Ngọc Sự (cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin) 13 năm tù, Trương Văn Tuyến (cựu Tổng giám đốc Vinashin) 7 năm tù, Phạm Thanh Sơn (cựu Phó tổng giám đốc Vinashin) 6 năm tù và Trần Đức Chính (cựu Kế toán trưởng Vinashin) 17 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

Theo Bản án sơ thẩm, các bị cáo đều có nhân thân tốt, nhiều thành tích trong công tác. Trong đó, Chính, Sự thành khẩn khai báo, Tuyến và Sơn thừa nhận một phần. Vì vậy tòa áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để tuyên dưới khung hình phạt với các bị cáo.

Trong hơn hai ngày thẩm vấn, tòa xác định, lời khai của các bị cáo thể hiện, giai đoạn năm 2008-2010, Vinashin có nguy cơ phá sản nên được Nhà nước tái cơ cấu, sáp nhập về Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Các bị cáo tại tòa.

Các bị cáo tại tòa.

Vinashin đã tiếp nhận 2.200 tỷ đồng từ PVN và 4.190 tỷ đồng từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp trung ương để thực hiện đề án tái cơ cấu. Do đang bị kiểm soát đặc biệt nên Vinashin chỉ được sử dụng số tiền này sau khi có ý kiến của Thủ tướng.

Sau đó, Hà Văn Thắm đã đến gặp ông Sự để đề nghị Vinashin gửi tiền vào Oceanbank và nhận được sự đồng ý. Ngày 29-10-2010, ông Sự đã ký văn bản gửi Thủ tướng và ông Tuyến ký văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị được sử dụng công cụ tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương - Oceanbank để nâng hiệu quả sử dụng vốn.

Các bị cáo đều biết, Vinashin đang trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt; chủ trương trên không được Chính phủ đồng ý. Tuy nhiên, qua hai cuộc hội ý không chính thức sau một số buổi họp, ông Sự, Tuyến, Sơn và Chính đã thống nhất gửi tiền vào Oceanbank để hưởng lãi suất, cùng khoản chăm sóc khách hàng mà nhà băng này chi trả.

Lời khai của ông Hà Văn Thắm cho thấy, trước khi Vinashin gửi tiền vào Oceanbank có đến gặp bị cáo Sự và thăm dò việc muốn chi riêng chăm sóc khách hàng. Ông Sự không đòi hỏi mà nói rằng đã giao bộ phận chuyên môn do Sơn, Chính phụ trách làm đầu mối giao dịch.

Nghe vậy, ông Thắm đã giao cho Nguyễn Thị Minh Phương (Giám đốc Chi nhánh Thăng Long trong các năm 2010-2012) trực tiếp làm việc với ông Chính.

CQĐT làm rõ, từ năm 2010 đến tháng 6-2014, Vinashin đã thực hiện hơn 2.300 hợp đồng giao dịch tiền gửi có kỳ hạn vào Oceanbank với số tiền gần 104.000 tỷ đồng và gần 182 triệu USD. Tiền lãi theo hợp đồng là gần 1.100 tỷ đồng và gần 30.000 USD.

Chính được các cá nhân là lãnh đạo và nhân viên Oceanbank Thăng Long trực tiếp đưa tiền lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho ông Chính, tổng cộng hơn 105 tỷ đồng. Bị cáo Chính được giao tiếp nhận, quản lý số tiền lãi ngoài nêu trên (không hạch toán) để chi tiêu, sử dụng cho các công việc chung của Vinashin.

Trong tổng số tiền nhận từ Oceanbank, ông Sự chiếm hưởng 8 tỷ đồng và chi tiêu, sử dụng cá nhân 385 triệu đồng; Tuyến 3,5 tỷ đồng; Sơn 1,2 tỷ đồng; còn Chính chiếm hưởng 10 tỷ đồng và chi tiêu. Do khoản tiền còn lại là hơn 60 tỷ đồng, Chính không chứng minh được nên tòa buộc bị cáo phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả.

Số tiền các bị cáo đã khắc phục (Sự 8,3 tỷ đồng, Tuyến 3,5 tỷ đồng, Sơn 1,2 tỷ đồng...) tòa quyết định chuyển trả cho Oceanbank để khấu trừ phần bồi thường dân sự của Hà Văn Thắm.

Tòa xác định, các bị cáo là người có chức vụ, quyền hạn, hiểu biết các quy định về tài chính kế toán nên gửi tiền của Vinashin vào Oceanbank. Trong vụ án, Sự là chủ tịch, đứng đầu Vinashin, ra chủ trương gửi tiền vào Oceanbank và trực tiếp ký một số hợp đồng. Chính là người thực hiện tích cực, tham mưu cho bị cáo Sự, Tuyến và quản lý số tiền nhận lãi ngoài.

Hoa Đỗ

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cuu-chu-tich-hdtv-vinashin-nhan-13-nam-tu-151620.html