Cựu Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bị đề nghị mức án 3-4 năm tù

Sáng 29/12, phiên tòa xét xử cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 6 bị cáo khác trong vụ án can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu đã khép lại phần xét hỏi, đại diện VKSND TP Hà Nội tiến hành nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.

Đại diện VKS nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo tại phiên tòa sáng nay

Theo đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung (SN 1967, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) mức án từ 3 - 4 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Các bị cáo: Nguyễn Văn Tứ (nguyên Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội) bị đề nghị xử phạt mức án từ 36 – 42 tháng tù; Phạm Thị Kim Tuyến (nguyên Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội) bị đề nghị mức án từ 5 – 6 năm tù; Phạm Thị Thu Hường (nguyên Chánh Văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội) bị đề nghị mức án từ 4 – 5 năm tù; Nguyễn Tiến Học (nguyên Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) bị đề nghị mức án từ 36 – 42 tháng tù; Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh) bị đề nghị mức án từ 4 – 5 năm tù và bị cáo Võ Việt Hùng (nguyên Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển Đông Kinh) bị đề nghị mức án từ 5 – 6 năm tù cùng về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay

Bên cạnh đó đại diện VKS cũng cho rằng đối với số thiệt hại còn lại, các bị cáo Tứ, Học, Tuyến, Hường, Tuấn, Hùng phải liên đới bồi thường khoản tiền thiệt hại cho Nhà nước. Các bị cáo có quyền yêu cầu Bùi Quang Huy phải bồi hoàn số tiền trên.

Theo đại diện của VKSND TP Hà Nội, trong thời gian từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội làm chủ đầu tư thực hiện 2 gói thầu “Số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh trên địa bàn thành phố Hà Nội” năm 2016, 2017, tương ứng với 2 hợp đồng kinh tế được ký kết với Liên danh Nhật Cường - Đông Kinh.

Trong quá trình tổ chức, thực hiện 2 gói thầu số hóa trên, Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến và Phạm Thị Thu Hường đã thực hiện hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu. Cụ thể, các bị cáo đã thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP. Hà Nội dừng thầu gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định Luật đấu thầu; đưa thêm yêu cầu cập nhật công nghệ số hóa đã được thực hiện trong quá trình thí điểm (mặc dù kết quả thí điểm không đạt yêu cầu), đồng thời đưa thêm yêu cầu phải cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dùng chung để sửa đổi hồ sơ mời thầu.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung

VKS xác định hành vi của các bị cáo Nguyễn Văn Tứ, Nguyễn Tiến Học, Phạm Thị Kim Tuyến, Phạm Thị Thu Hường đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu.

Hành vi của Võ Việt Hùng, Lê Duy Tuấn là gian lận, thông thầu và chuyển nhượng thầu trái phép. Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỉ đồng.

Theo VKS, đây là vụ án có tính chất đồng phạm, mỗi bị cáo thực hiện một hành vi khác nhau. Trong đó, với nhóm bị cáo ở Nhật Cường – Đông Kinh, VKS xác định Bùi Quang Huy là người khởi xướng, các bị cáo còn lại là người thực hành.

Xét hành vi của từng bị cáo, theo đại diện VKS, bị cáo Nguyễn Văn Tứ là người có thẩm quyền thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 nhưng đã cho dừng thầu theo chỉ đạo của Chủ tịch thành phố là trái quy định của pháp luật. Sau đó, cho công ty Nhật Cường vào thí điểm, tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường – Đông Kinh trúng gói thầu số hóa năm 2016. Tuy nhiên, VKS xét thấy bị cáo Tứ đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội, tỏ ra ăn năn, vận động gia đình nộp lại số tiền đã nhận từ Bùi Quang Huy là 300 triệu đồng; tích cực hợp tác với Cơ quan điều tra, bị cáo có nhiều thành tích trong công tác.

Với các bị cáo khác, VKS cũng cho rằng các bị cáo thành khẩn khai báo, tỏ ra ăn năn hối cải nên có cơ sở áp dụng các tình tiết giảm nhẹ để xem xét khi quyết định hình phạt.

Bị cáo Nguyễn Văn Tứ

Liên quan đến hành vi sai phạm của bị cáo Nguyễn Đức Chung, theo VKS, Nguyễn Đức Chung có mối quan hệ thân quen với Bùi Quang Huy. Sau khi gửi email cho Chung đề xuất lùi ngày đóng thầu mặc dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội làm chủ đầu tư và người có thẩm quyền đối với gói thầu là Giám đốc Sở, nhưng Nguyễn Đức Chung (với vai trò là Chủ tịch UBND TP.Hà Nội) đã chỉ đạo đình chỉ, dừng thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 trái quy định của pháp luật.

Sau khi dừng thầu, bị cáo Chung đã yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.Hà Nội lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống dùng chung của thành phố trong khi tới thời điểm hiện nay thành phố chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung và cho Công ty Nhật Cường thí điểm số hóa để cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.

VKS xác định hành vi của Nguyễn Đức Chung xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của cơ quan công quyền thuộc UBND TP.Hà Nội.

Mặc dù bị cáo cho rằng việc yêu cầu Sở KH-ĐT đình chỉ thực hiện gói thầu số hóa là đúng thẩm quyền của UBND TP.Hà Nội, Sở không thực hiện đúng yêu cầu của Ủy ban, chưa được Sở TT-TT thẩm định nhưng căn cứ vào tài liệu thu thập và thẩm vấn công khai tại phiên tòa cùng kết luận giám định của cơ quan chuyên ngành, VKS có đủ cơ sở kết luận bị cáo Chung vẫn dùng email “chunghinhsu@gmail.com” để liên lạc đối với Bùi Quang Huy. Do đó có đủ cơ sở xác định bị cáo Chung chỉ đạo việc dừng thầu là do Bùi Quang Huy tác động.

Bên cạnh đó, nhiều bị cáo có nhân thân tốt, khai nhận hành vi, có nhiều bằng khen trong quá trình công tác nên đề nghị HĐXX áp dụng các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Mạnh Hùng

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/cuu-chu-tich-nguyen-duc-chung-bi-de-nghi-muc-an-3-4-nam-tu-201513.html