Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 21 năm tù
Chiều 5/8, TAND TP Hà Nội đã tiến hành tuyên án với 50 bị cáo trong vụ án 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' và 'Thao túng thị trường chứng khoán' xảy ra ở Tập đoàn FLC.
Theo nhận định của HĐXX, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, số tiền lừa đảo đặc biệt lớn, gây mất niềm tin cho nhà đầu tư. Trong đó bị cáo Trịnh Văn Quyết là chủ mưu cầm đầu. Hành vi thao túng thị trường chứng khoán cũng làm ảnh hưởng xấu đến nhà đầu tư, gây bức xúc cho xã hội nên phải có bản án tương xứng.
Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng 2 em gái và các bị cáo Trịnh Văn Đại, Nguyễn Văn Mạnh, Trịnh Tuân, Nguyễn Thị Hồng Dung cũng như nhiều người có mối quan hệ thân quen, họ hàng của bị cáo Quyết đã vi phạm ở mức đặc biệt nghiêm trọng.
Các bị cáo biết rõ Công ty Faros không có vốn thực góp nhưng đã cùng nhau thực hiện các hành vi gian dối để nâng khống vốn điều lệ của Faros từ 1,5 tỷ lên tận 4.300 tỷ đồng. Sau đó phát hành trên 430 triệu cổ phiếu, niêm yết lên sàn HOSE nhằm lừa dối các nhà đầu tư. Từ đây, bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm bán số cổ phiếu hình thành từ vốn góp khống, chiếm đoạt của các nhà đầu tư tổng cộng hơn 3.600 tỷ đồng.
Để cho nhóm bị cáo Trịnh Văn Quyết gây ra những hành vi trên, nhóm bị cáo thuộc đơn vị kiểm toán và các đơn vị thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã làm trái quy định, chịu sự tác động của Trịnh Văn Quyết để cho niêm yết số cổ phiếu ROS trái pháp luật. Hành vi của các bị cáo này được đánh giá gây nguy hiểm cho xã hội.
Về tính chất mức độ của nhóm bị cáo lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bản án sơ thẩm nêu các bị cáo đã chiếm đoạt của các nhà đầu tư số tiền đặc biệt lớn, ảnh hưởng xấu đến thị trường chứng khoán. Trong đó, bị cáo Trịnh Văn Quyết là người chủ mưu cầm đầu chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi phạm tội, cần phải xử lý nghiêm.
Các bị cáo khác giữ vai trò đồng phạm giúp sức, trong đó Trịnh Thị Minh Huế, Trịnh Thị Thúy Nga, Hương Trần Kiều Dung, Trịnh Văn Đại, Trịnh Tuân… là những bị cáo giúp sức tích cực. Còn các bị cáo thuộc Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh bị tòa sơ thẩm đánh giá có hành vi phạm tội rất nghiêm trọng. Trong đó, Trần Đắc Sinh là người giữ vai trò cao nhất. Theo đó, bị cáo Sinh đã gây sự ảnh hưởng đến Lê Hải Trà và cấp dưới để tạo điều kiện cho cổ phiếu ROS được niêm yết nhanh trên sàn chứng khoán dù chưa đủ cơ sở pháp lý.
HĐXX cấp sơ thẩm cho rằng, hơn 25.000 nhà đầu tư là những người đã bỏ tiền thật ra mua cổ phiếu ROS (cổ phiếu của Công ty Faros) mà không biết bị cáo Trịnh Văn Quyết và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối nâng khống giá trị cổ phiếu để chiếm đoạt tiền của mình. Thực tế, Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư. Do đó, hơn 25.800 nhà đầu tư đã mua cổ phiếu ROS bán ra lần đầu như đã nêu trên được xác định là bị hại.
Số cổ phiếu ROS được niêm yết trên sàn chứng khoán từ ngày 1/9/2016 đến ngày 5/9/2022 đã bị hủy niêm yết. Đến nay có hơn 63.000 nhà đầu tư còn đang sở hữu cổ phiếu ROS, không tính số cổ phiếu do các bị cáo đứng tên.
HĐXX đánh giá, những nhà đầu tư này không trực tiếp mua cổ phiếu của Trịnh Văn Quyết và các đồng phạm bán ra đợt đầu, không bị các bị cáo lừa đảo trực tiếp nên không được xác định là bị hại. Song những người đang sở hữu cổ phiếu ROS bị nâng khống giá trị, phần nào chịu hậu quả của những hành vi đó nên cần đưa các nhà đầu tư này vào vụ án với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan để xem xét bảo đảm quyền lợi cho họ.
Từ những nhận định trên, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt 21 năm tù.
Bị cáo Trịnh Thị Minh Huế - cựu cán bộ Ban kế toán Tập đoàn FLC (em gái ruột Trịnh Văn Quyết) bị tuyên 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và 11 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp 14 năm tù.
Bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga - cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (em gái ruột bị cáo Quyết) lĩnh án 2 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và 6 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt 8 năm tù.
Bị cáo Hương Trần Kiều Dung - cựu Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Tập đoàn FLC bị tuyên 2 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán” và 6 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, tổng hợp hình phạt là 8 năm 6 tháng tù.