Cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 21 năm tù

Bị cáo Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt tổng cộng 21 năm tù với các tội danh thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng từ các nhà đầu tư...

Chiều 5/8, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã đưa ra phán quyết với cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và đồng phạm trong vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

BỊ CÁO TRỊNH VĂN QUYẾT GIỮ VAI TRÒ CHỦ MƯU, BỊ TUYÊN PHẠT CAO NHẤT 21 NĂM TÙ

Giữ vai trò cao nhất ở cả 2 hành vi, cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị tuyên phạt 18 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và 3 năm tù về tội “Thao túng thị trường chứng khoán”. Tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.

Cùng tội danh trên, 2 em gái của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế, cựu cán bộ Ban Kế toán Tập đoàn FLC và Trịnh Thị Thúy Nga, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán BOS, lần lượt bị tuyên 14 năm tù và 8 năm tù.

Theo cáo buộc, trong giai đoạn 2017 - 2022, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều nhân viên FLC mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty.

Sau đó những người này mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.

Hành vi thao túng các mã cổ phiếu tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC. Qua đó, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỷ đồng cho các nhà đầu tư.

Riêng ngày 10/1/2022, ông Quyết dù không công bố thông tin theo quy định nhưng đặt bán hơn 76,7 triệu cổ phiếu FLC và khớp lệnh 74,8 triệu, thu về gần 1.700 tỷ đồng.

Ở tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tố tụng xác định ông Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, nhằm thu tiền của các nhà đầu tư.

Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2014-2016, ông Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho doanh nghiệp này, từ con số ban đầu lên 4.300 tỷ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần.

Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Hội đồng xét xử nhận định, hành vi của các bị cáo nêu trên đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, gây ảnh hưởng xấu đến niềm tin của nhà đầu tư cũng như thị trường chứng khoán, cần phải xử lý nghiêm.

39 bị cáo còn lại đều là cựu thuộc cấp của ông Quyết hoặc cựu lãnh đạo công ty kiểm toán, người bị phạt thấp nhất 15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; người cao nhất lĩnh 11 năm tù về một trong hai tội “Thao túng thị trường chứng khoán” hoặc “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; có bị cáo phải nhận án phạt cả hai tội danh.

CỰU LÃNH ĐẠO HOSE PHẠM TỘI RẤT NGHIÊM TRỌNG

Đối với nhóm các bị cáo thuộc Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE), Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị HOSE 6 năm 6 tháng tù; bị cáo Lê Hải Trà, cựu Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc thường trực, Thành viên độc lập Hội đồng niêm yết HOSE 5 năm tù.

Bên cạnh đó, bị cáo Trầm Tuấn Vũ, cựu Phó Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch Hội đồng niêm yết HOSE bị tuyên phạt 5 năm tù; bị cáo Lê Thị Tuyết Hằng, Giám đốc phòng quản lý và thẩm định niêm yết, Thành viên Hội đồng niêm yết HOSE bị tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Riêng bị cáo Lê Công Điền, cựu Vụ trưởng Giám sát công ty đại chúng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước bị phạt 36 tháng tù tội “Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán”.

Các bị cáo Dương Văn Thanh, cựu Tổng Giám đốc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị phạt 24 tháng tù; Phạm Trung Minh, cựu trưởng phòng Đăng ký chứng khoán thuộc Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam bị phạt 18 tháng tù do cùng tội với ông Điền nhưng cả hai đều được hưởng án treo.

 Các bị cáo tại phiên tòa

Các bị cáo tại phiên tòa

Khi tuyên án, Hội đồng xét xử đánh giá bị cáo Trần Đắc Sinh phạm tội "rất nghiêm trọng", giữ vai trò cao nhất trong nhóm cựu cán bộ ngành chứng khoán. Bị cáo có quan hệ với Trịnh Văn Quyết đã gây sức ép cho cấp dưới nên phải chịu mức án cao nhất.

Ông Lê Hải Trà cùng nhóm còn lại không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, tạo điều kiện cho Trịnh Văn Quyết được niêm yết cổ phiếu bán cho nhà đầu tư.

LỜI SAU CÙNG CỦA CÁC BỊ CÁO

Về dân sự, Hội đồng xét xử nhận thấy Công ty Faros vẫn hoạt động, cổ phiếu ROS dù bị cấm giao dịch trên sàn nhưng vẫn có giá trị. Đến nay, bị cáo Quyết cùng đồng phạm đã nộp hơn 260 tỷ đồng khắc phục hậu quả và tòa tuyên tiếp tục giữ số này và phong tỏa các tài sản khác để đảm bảo thi hành án.

Trước khi tòa nghị án, Hội đồng xét xử cho các bị cáo nói lời sau cùng. Là người đầu tiên đứng lên bục khai báo, bị cáo Trịnh Văn Quyết nói "không dám xin giảm nhẹ cho bản thân", bởi ông cho rằng những bị cáo khác vì tin tưởng ông mà vướng vòng lao lý.

"Bị cáo cảm thấy nói lời xin cho riêng mình trong giờ phút này rất khó nói. Bị cáo kính mong Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho tất cả các bị cáo bị liên đới trong vụ án để họ sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình. Bị cáo xin gửi lời xin lỗi tới tất cả", ông Quyết giãi bày và cho rằng vụ án này là bài học lớn, sẽ khiến bị cáo ân hận suốt quãng đời còn lại.

Đồng thời, Ông Quyết cũng gửi lời xin lỗi, mong muốn được khoan hồng từ những người được coi là bị hại của vụ án.

Tại bục khai báo, Trịnh Thị Thúy Nga, em gái ông Quyết cũng gửi lời xin lỗi các bị cáo khác trong vụ án. Bị cáo Nga cho rằng vì tin tưởng anh trai mà phải đứng trước tòa với vai trò là một bị cáo, cùng với anh trai, em gái, chồng, anh chị chồng và những người thân khác.

Bị cáo Nga cũng mong muốn Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt vì hoàn cảnh đang phải chăm bố mẹ già, nuôi 3 con nhỏ. Nga còn giãi bày, bố chồng của bị cáo vì không thể chịu được cú sốc quá lớn đã mất cách đây 97 ngày. Bị cáo mong sớm trở về được làm tròn chữ hiếu với người đã mất.

Một em gái khác của ông Quyết là Trịnh Thị Minh Huế nói rằng anh trai là niềm tự hào của những người trong gia đình, nên xin Hội đồng xét xử khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt cho anh Quyết để anh có cơ hội làm lại cuộc đời.

“Bị cáo rất ân hận về việc làm của mình, việc làm của bị cáo đã ảnh hưởng đến nhiều người. Những người đã tin tưởng vì lời nhờ của bị cáo mà không xem xét, khi ký hồ sơ để dẫn đến hậu quả", Huế trình bày.

Cuối cùng, bị cáo này cũng gửi lời xin lỗi tới các anh, các em, các cháu, các anh chị em đồng nghiệp đã tin tưởng bị cáo.

Tùng Linh

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/cuu-chu-tich-tap-doan-flc-trinh-van-quyet-bi-tuyen-phat-21-nam-tu-post553817.html