Cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết lãnh án 21 năm tù

Tòa xác định cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết có vai trò chủ mưu, chỉ đạo thực hiện hành vi sai phạm trong vụ án nên tuyên phạt bị cáo tổng hợp hình phạt là 21 năm tù.

Chiều ngày 5/8, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã công bố bản án dành cho cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC, Trịnh Văn Quyết, cùng 49 đồng phạm liên quan đến các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán. Vụ án này đã trải qua hai tuần xét xử và nghị án.

Trong số 50 bị cáo ra hầu tòa, Trịnh Văn Quyết bị đánh giá là chủ mưu và cầm đầu, đối mặt với mức án cao nhất. Hình phạt đề nghị dành cho ông Quyết là từ 5 đến 6 năm tù về tội Thao túng thị trường chứng khoán và từ 19 đến 20 năm tù về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tổng cộng từ 24 đến 26 năm tù.

Ông Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa xét xử chiều ngày 5/8.

Ông Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa xét xử chiều ngày 5/8.

Ngoài ra, các bị cáo khác cũng phải đối mặt với các mức án nghiêm khắc. Trịnh Thị Minh Huế bị đề nghị mức án từ 17 đến 19 năm tù; Trịnh Thị Thúy Nga từ 10 đến 12 năm tù; Hương Trần Kiều Dung từ 11 đến 13 năm tù.

Bảy cựu cán bộ ngành chứng khoán bị đề nghị các mức án từ 18 tháng tù đến 9 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hoặc "Công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán". Nhóm thuộc cấp của Trịnh Văn Quyết bị đề nghị mức án từ 18 tháng tù đến 16 năm tù.

Trong quá trình xét xử, tất cả các bị cáo đều thừa nhận cáo trạng truy tố là đúng đắn và mong muốn được hưởng khoan hồng để có cơ hội làm lại cuộc đời. Trước phiên xử, Trịnh Văn Quyết cho biết đã bán hãng hàng không Bamboo Airways với giá 700 tỷ đồng. Số tiền này, đối tác mới trả 200 tỷ đồng, ông Quyết đã chuyển vào tài khoản của Văn phòng Cơ quan cảnh sát điều tra. Số tiền còn lại khoảng 500 tỷ đồng, ông Quyết cam kết sẽ nộp để hoàn thành nghĩa vụ dân sự khi đối tác thanh toán.

Trong lời nói cuối cùng trước tòa, Trịnh Văn Quyết đã rơi nước mắt: "Tôi rất hối hận vì trong suốt quãng đời doanh nhân hơn hai mươi năm của mình, dù tôi luôn nỗ lực, cố gắng, tôi cũng không thể thay đổi được sự thật là nhiều người thân, bạn bè và đồng nghiệp đã vì tin tưởng tôi mà rơi vào vòng lao lý."

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa.

Theo cáo trạng, từ năm 2014 đến năm 2016, các cổ đông chỉ góp gần 1.200 tỷ đồng vào Công ty cổ phần Xây dựng Faros. Tuy nhiên, Trịnh Văn Quyết đã ký khống hồ sơ và lập chứng từ góp vốn khống để nâng vốn doanh nghiệp lên hơn 4.300 tỷ đồng, rồi đăng ký niêm yết 430 triệu cổ phiếu ROS của Công ty Faros trên HOSE, chiếm đoạt hơn 3.600 tỷ đồng từ các nhà đầu tư.

Ngoài ra, từ năm 2017 đến 2022, Trịnh Văn Quyết đã chỉ đạo em gái Trịnh Thị Minh Huế và các đồng phạm thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART, thu lợi bất chính hơn 700 tỷ đồng.

Những hành vi này đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán và niềm tin của nhà đầu tư.

Tổng hợp

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/cuu-chu-tich-tap-doan-flc-trinh-van-quyet-lanh-an-21-nam-tu-202408051750331822.html