Cựu Chủ tịch Tập đoàn Vimedimex bị đề nghị mức án 36-42 tháng tù
Chiều 30/8, đại diện VKS trình bày bản luận tội và đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị Loan mức án 36-42 tháng tù về tội 'Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản'.
Cùng tội danh trên, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Quang Hưng (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Thanh Trì, Phó Tổng Giám đốc Vimedimex) 15-18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Tạ Thị Vân (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Bắc Từ Liêm) và Nguyễn Xuân Đức (cựu Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư bất động sản Mỹ Đình, Tổng Giám đốc Vimedimex 2) cùng mức đề nghị 12-15 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đối với tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiệm trọng”, VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Bùi Thanh Huyền 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Nguyễn Thị Cẩm Lê 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Các bị cáo còn lại gồm: Nguyễn Thị Diệu Linh (cựu Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội - VVAI), Nguyễn Ngọc Thắng (cựu Phó Tổng Giám đốc VVAI), Nguyễn Đức Phương (cựu Thẩm định viên VVAI), Vương Thị Thu Thủy (cựu chuyên viên Ban Quản lý dự án Đông Anh) bị đại diện VKS đề nghị Tòa tuyên phạt các mức án 12-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, Trần Công Tuyên (cựu Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng và giải phóng mặt bằng thuộc Ban Quản lý dự án huyện Đông Anh) 18-24 tháng tù về cùng tội “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản”.
Ngày 30/8, TAND thành phố Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Thị Loan (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn dược phẩm Vimedimex) cùng 10 bị cáo khác trong vụ án sai phạm về đấu giá quyền sử dụng đất ở Đông Anh (Hà Nội).
Chứng cứ chưa có trong hồ sơ
Trước phiên tòa này, luật sư của nhóm bị cáo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã cung cấp cho Tòa một số tài liệu, chứng cứ mới. Đó là bản Báo cáo Giám đốc Sở ngày 12/10/2020 nêu rõ phương án xác định định giá đất cụ thể đã được trình Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội khi đó là ông Nguyễn Trọng Đông phê duyệt, chuyển ông Lê Tuấn Định (Phó Giám đốc Sở) làm cơ sở ký Tờ trình trình Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thành phố Hà Nội.
Theo luật sư, chứng cứ mới cung cấp này đã thể hiện hành vi của nhóm bị cáo thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội chỉ tham gia ở 1 khâu thứ yếu để các cấp lãnh đạo kiểm tra, đánh giá hồ sơ và trình Hội đồng phê duyệt.
Trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử và các luật sư bào chữa, bị cáo Bùi Thanh Huyền (Phó Chi cục Trưởng Chi cục Quản lý đất đai) đã trình bày về nội dung bản Báo cáo Giám đốc Sở và khai tại phiên tòa diễn ra hồi tháng 4 đầu năm nay, bị cáo mới biết là trong hồ sơ thu giữ không có bản báo cáo này. Bị cáo Huyền cho rằng đây là văn bản quan trọng, nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét chứng cứ mới nói trên, trong đó thể hiện vai trò của bị cáo trong vụ án chỉ thực hiện một khâu rất nhỏ, làm việc theo cấp bậc, chỉ là người giúp việc, ký nháy cho chi cục trưởng, không có thẩm quyền quyết định.
Quá trình điều ra, truy tố, xét xử, chính sách pháp luật đã có sự điều chỉnh về việc quy định giá, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xác định, thẩm định giá đất cụ thể “không phải chịu trách nhiệm về các nội dung khác đã được cơ quan, tổ chức giải quyết trước đó”.
Theo đó, bị cáo Huyền chỉ kiểm tra tính đầy đủ của nội dung, không có trách nhiệm thẩm định giá này, nên đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào chứng cứ mới, quy định mới của pháp luật để cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật, như 16/18 cán bộ khác của Sở cũng tham gia thực hiện các bước trong quy trình thẩm định giá tại vụ án này.
Quy trình báo cáo nội bộ
Cũng liên quan đến chứng cứ mới này, luật sư Nguyễn Văn Tú (bào chữa cho bị cáo Bùi Thanh Huyền) đã đặt câu hỏi về trình tự báo cáo nội bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Bị cáo Bùi Thanh Huyền khai báo cáo nội bộ này là một bước không thể thiếu trong quy trình và là bước quan trọng để làm cơ sở đề ra phương án trình hội đồng thẩm định. Đây là quy trình nội bộ thực hiện trong một thời gian dài, chỉ là việc tham mưu cấp trên, không phải là quy định của pháp luật.
Do đó, bị cáo Huyền cho rằng hành vi của bị cáo và bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Lê (cán bộ Chi cục Quản lý đất đai, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) có chăng chỉ là vi phạm quy định nội bộ, không phải là vi phạm quy định pháp luật hình sự. Cụ thể, bị cáo Huyền thực hiện bước kiểm tra, đánh giá phương án xác định giá đất trên cơ sở kết quả của phòng tổng hợp báo cáo. Trước bước này, có 2 bước đánh giá (do bị cáo Lê tổng hợp báo cáo, đã được Trưởng Phòng hành chính tổng hợp phê duyệt), sau bước này còn có 3 cấp lãnh đạo thuộc Sở (cao hơn chức vụ của bị cáo Huyền) phê duyệt.
Tương tự, bị cáo Nguyễn Thị Cẩm Lê cho rằng trong bản báo cáo Giám đốc Sở thể hiện rõ quy chế làm việc nội bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, vai trò của bị cáo Lêchỉ là tổng hợp hồ sơ, giúp việc cho trưởng phòng. Vì vậy, bị cáo Lê mong Hội đồng xét xử xem xét các chứng cứ mới này để xác định lại vai trò của bị cáo trong vụ án, cho bị cáo được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.
Có hay không băng ghi âm, ghi hình đính kèm phiếu khảo sát?
Tham gia thẩm vấn tại phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Tú đã đặt câu hỏi với ông Mai Xuân Vinh (nguyên Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội, Thường trực Hội đồng thẩm định giá đất cụ thể thành phố) về việc thiếu các thông tin: Họ, tên đệm của người tiến hành khảo sát, thiếu địa chỉ cụ thể trong Phiếu khảo sát có làm ảnh hưởng đến kết quả thẩm định giá không? Ông Vinh trả lời việc thiếu những thông tin này không ảnh hưởng tới việc thẩm định giá.
Việc khảo sát này được kết luận là đã có file ghi âm, video clip ghi lại quá trình khảo sát. Tuy nhiên, khi luật sư bào chữa cho bị cáo Lê hỏi bà Ngô Bích Thủy (đại diện Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự) có mặt tại phiên tòa, bà Thủy khẳng định không có băng ghi âm, ghi hình quá trình điều tra khảo sát đính kèm phiếu khảo sát.