Cựu chủ tịch tỉnh Khánh Hòa: Nếu sai hãy kết án một mình bị cáo
Bị cáo Thắng nói rất đau xót những việc đã làm để dẫn đến thiếu sót như ngày hôm nay, làm ảnh hưởng đến bản thân và cấp dưới.
Sáng 23-1, TAND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, liên quan dự án Oceanus của Tập đoàn Mường Thanh, khu Bãi Dương, phường Vĩnh Phước, TP Nha Trang.
Khu đất ở Bãi Dương từng ba lần đưa ra đấu giá
Sau khi đại diện VKS công bố cáo trạng, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng, cựu chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, được xét hỏi đầu tiên.
Bị cáo Thắng được xác định là người có nhiều văn bản, quyết định trong quá trình thực hiện chủ trương đầu tư và triển khai dự án, chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu, giao đất cho nhà đầu tư trái luật.
Sai phạm của ông Thắng thể hiện cụ thể ở các văn bản như cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty CP Đầu tư Thiên Triều, cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư chuyển chủ đầu tư từ Công ty CP đầu tư Thiên Triều sang Công ty CP đầu tư Viễn Triều và ban hành quyết định giao 22.340 m2 đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp tại Bãi Dương cho Công ty CP Đầu tư Thiên Triều thực hiện dự án.
Sau khi được giao đất, Công ty CP Đầu tư Thiên Triều không triển khai dự án mà có văn bản xin chuyển cho Công ty CP Đầu tư Viễn Triều Nha Trang. Ông Nguyễn Chiến Thắng tiếp tục ký quyết định chấp thuận đề xuất trên và ban hành quyết định thu hồi thửa đất trên, giao cho Công ty CP Đầu tư Viễn Triều Nha Trang thực hiện dự án khách sạn và căn hộ cao cấp Oceanus cao 47 tầng.
"Trước khi thực hiện dự án đường Lý Thái Tổ - N2, tỉnh Khánh Hòa có văn bản hỏi ý kiến và được Bộ KHĐT trả lời phải thực hiện việc đấu thầu dự án. Vì sao tỉnh không làm?" - chủ tọa phiên tòa hỏi.
Bị cáo Thắng cho rằng khi có chủ trương, tỉnh đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng cho phép thực hiện dự án đường Lý Thái Tổ - N2, huyện Cam Lâm theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và xin được phép chỉ định nhà đầu tư.
“Khi Thủ tướng có văn bản đồng ý, tỉnh đã họp và thực hiện các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư. Lúc đó, bị cáo nghĩ rằng ý kiến của Thủ tướng phải cao hơn ý kiến Bộ KH&ĐT nên không thực hiện việc đấu thầu. Ngoài ra, lúc đó chỉ có Công ty CP Đầu tư Thiên Triều tham gia xin đầu tư dự án nên tỉnh quyết định giao dự án cho doanh nghiệp này luôn” - bị cáo Thắng trình bày.
"Vì sao bị cáo ký quyết định giao khu đất 22.340 m2 cho Công ty CP Đầu tư Thiên Triều mà không đấu thầu, đấu giá quyền sử dụng đất? - HĐXX hỏi.
Bị cáo Thắng cho biết khu đất ở Bãi Dương từng được đưa ra đấu giá ba lần nhưng đều không thành. “Từ năm 2010, tỉnh đã đưa khu đất rộng 22.340 m2 ra đấu giá. Lần một và hai không có nhà đầu tư tham gia. Còn lần thứ ba có một doanh nghiệp nhưng hồ sơ không hợp lệ nên không thành” - bị cáo Thắng nói.
"Đây là đất công, về nguyên tắc phải đưa ra đấu giá quyền sử dụng. Đến nay, nhận thức của bị cáo về việc này như thế nào?". Câu hỏi này của HĐXX, bị cáo Thắng không trả lời thẳng và vòng vo khiến chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu dừng lại.
Nghỉ hưu nên không kịp khắc phục
Tòa: "Căn cứ vào đâu bị cáo ký cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư, chuyển chủ đầu tư từ Công ty CP đầu tư Thiên Triều sang Công ty CP đầu tư Viễn Triều?".
Bị cáo Thắng: “Đây là hai công ty, nhưng thực chất là một vì chủ đầu tư không thay đổi. Hai cá nhân ở Công ty CP đầu tư Thiên Triều chiếm 95% vốn điều lệ ở Công ty CP đầu tư Viễn Triều. Pháp nhân là mới nhưng được tách ra từ pháp nhân cũ để thực hiện dự án trên địa bàn. Do vậy, việc bị cáo ký cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư, chuyển chủ đầu giữa hai doanh nghiệp là đúng”.
Tòa: "Về luật, khi có yếu tố pháp nhân mới hoặc doanh nghiệp thừa kế pháp nhân cũ mà không phải 100% vốn điều lệ của công ty ban đầu thì vẫn là pháp nhân mới, không liên quan nhau. Bị cáo có biết về luật này?".
Bị cáo Thắng: “Khi đó bị cáo không nắm rõ. Lúc đó nhận thức chủ quan của bị cáo là pháp nhân cũ nên ký cho phép. Còn hiện tại thì biết đã là pháp nhân mới thì chắc chắn phải đấu thầu rồi”.
Tòa: "Quy hoạch chung TP Nha Trang được Thủ tướng ký (Quyết định 1396), trong đó chỉ cho phép xây tối đa 40 tầng. Vì sao bị cáo cho Công ty Viễn Triều xây 47 tầng?".
Bị cáo Thắng: “Lúc đó nhiều dự án được cho phép xây cao hơn 40 tầng và bị cáo đã nhiều lần xin Thủ tướng trong các cuộc họp, sau đó đã có tờ trình xin điều chỉnh xây các công trình cao hơn 40 tầng nhưng không được đồng ý. Ý thức chủ quan của bị cáo là cứ cho phép xây và xin phép Thủ tướng, nếu không cho sẽ yêu cầu điều chỉnh. Tiếc là bị cáo đã nghỉ hưu, nên không khắc phục được, tuy nhiên khi anh Lê Đức Vinh lên làm chủ tịch đã điều chỉnh rồi”.
"Cấp dưới của bị cáo đã làm việc như những chiến sĩ"
"Nhận thức của bị cáo như thế nào khi đứng ở đây?" - HĐXX đặt câu hỏi.
“Bị cáo rất đau xót những việc đã làm để dẫn đến thiếu sót như ngày hôm nay làm ảnh hưởng đến bản thân và cấp dưới, cả tỉnh Khánh Hòa nữa. Lúc đó, bị cáo và UBND tỉnh mong muốn chống suy thoái kinh tế, chống lạm phát, tạo ra công ăn việc làm.
Cả bộ máy quyết tâm làm cho bằng được, mỗi cán bộ coi như là một chiến sĩ luôn trong tư thế ra chiến trường. Nếu bị kết án thì hãy kết mỗi bị cáo thôi, đừng kết án anh em ở dưới. Tội anh em lắm. Vì họ đã làm việc như những chiến sĩ” - bị cáo Thắng nói.