Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận sai phạm trong việc chuyển nhượng khu 'đất vàng'
Sáng nay (16/8), phiên tòa xét xử vụ bán rẻ 'đất vàng' cho tư nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỉ đồng ngân sách nhà nước, xảy ra tại Tổng công ty Sản xuất xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 32) bước sang ngày làm việc thứ hai.
Trả lời các câu hỏi liên quan đến việc chuyển nhượng khu đất 43ha cho Công ty Tân Phú và việc huyển nhượng 30% vốn góp của Công ty Tân Phú, bị cáo Trần Thanh Liêm (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương) cho biết, bị cáo có tham gia cuộc họp ngày 17/4/2017 về chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp của Công ty Tân Phú.
Tuy nhiên, theo bị cáo, đây là cuộc họp giao ban hàng tuần và có nêu lên việc giải quyết nhiều đề xuất, không riêng gì đề xuất của Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương.
Đáng chú ý, lời khai của bị cáo Liêm thể hiện không có tài liệu liên quan đến việc chuyển nhượng, chỉ có phần trình bày của Phó Chánh văn phòng Tỉnh ủy tóm tắt báo cáo xin chủ trương chuyển nhượng 30% vốn góp nêu trên.
Chủ tọa hỏi: “Căn cứ chuyển nhượng là gì?”, bị cáo Liêm chỉ nói: “Trong hội nghị không có trình bày vấn đề này”. Ngoài ra, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết bản thân chỉ biết đến việc Tổng công ty Sản xuất - Xuất nhập khẩu Bình Dương chuyển nhượng khu đất 43ha cho công ty Tân Phú vào năm 2019 khi báo chí phản ánh.
Trước tòa, bị cáo Liêm cho biết bị cáo không được nghiên cứu trước Báo cáo kiểm toán năm 2017. Trong cuộc họp ngày 21/11/2017, bị cáo nghe báo cáo kiểm toán nhưng không yêu cầu cung cấp văn bản để nghiên cứu.
Ngoài ra, theo lời khai của cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, căn cứ vào báo cáo kết quả xác định giá trị doanh nghiệp, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo, bị cáo có chỉ đạo Tổng Công ty phối hợp với Công ty thẩm định giá thực hiện các kiến nghị; giao cho đơn vị kiểm toán kiểm tra lại những tài sản đã có ý kiến đề xuất…
Cuối phần khai báo, bị cáo Trần Thanh Liêm nói rõ: “Thời điểm đó, bị cáo không nghĩ là sai mà chỉ nghĩ là căn cứ vào những ý kiến của đơn vị chuyên môn, Nghị quyết của Tỉnh ủy... Tuy nhiên, khi làm việc với CQĐT bị cáo mới nhận thức được sai phạm”.
Liên quan đến việc thẩm định giá và lý do đưa khu đất 145ha vào danh mục “tài sản chờ xử lý”, theo bị cáo Phạm Hữu Hiền (cựu Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tư vấn và thẩm định giá Đông Nam), tháng 2/2017, Tổng công ty 3/2 đưa danh mục theo báo cáo kiểm toán, chưa phân loại tài sản nên bên thẩm định giá yêu cầu cung cấp thêm tài liệu chứng minh
“Theo đúng báo cáo kiểm toán hàng năm của Tổng công ty 3/2, không thể hiện tài sản đó là 145ha mà chỉ thể hiện đó là tài sản đầu tư dở dang”, bị cáo Hiền khai.
Bị cáo Hiền cũng cho biết sau khi có dự thảo cơ bản vào tháng 2/2017, Tổng công ty 3/2 mới phân loại theo đúng yêu cầu. Khi nhận được email bóc tách tài sản của Tổng công ty 3/2, quay lại mục “tài sản dở dang” cũng không thể hiện đó là khu đất 145ha. Khi đó, bị cáo yêu cầu cung cấp hồ sơ tài liệu của tài sản này; trong quá trình đó, Tổng công ty 3/2 phối hợp cung cấp hồ sơ tài liệu từ từ.
Theo lời khai của bị cáo Hiền, Kiểm toán Nhà nước xác nhận do các lô đất của Tổng công ty 3/2 chưa có quyết định của UBND tỉnh phê duyệt phương án cổ phần hóa về quyền sử dụng đất nên vẫn đồng ý treo ở tài sản chờ xử lý.
Lời khai của bị cáo Hiền cũng thể hiện từ báo cáo của đơn vị tư vấn không thể hiện 145ha mà chỉ là mục Khu liên hiệp, nội dung này đã được Kiểm toán Nhà nước xác nhận là đúng bởi chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh. Việc đưa vào danh mục “tài sản chờ xử lý” với mục đích để khi UBND tỉnh phê duyệt nếu không có quyết định giao đất thì tài sản đó phải trả về Tỉnh ủy.