Cựu Chủ tịch UBND TP Trà Vinh gây thất thoát 70 tỷ đồng
Trong thời gian làm Phó chủ tịch và Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, Diệp Văn Thạnh, bị cáo buộc cùng cấp dưới cố ý làm trái quyết định của Thủ tướng, gây thất thoát 70 tỷ đồng.
VKSND tỉnh Trà Vinh đang thụ lý hồ sơ từ cơ quan điều tra chuyển sang, đề nghị truy tố nhóm 15 bị can về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước, gây thất thoát.
Nhóm người bị truy cứu trách nhiệm hình sự, gồm: nguyên Chủ tịch UBND TP Trà Vinh Diệp Văn Thạnh cùng cấp phó Trần Trường Sơn; Nguyễn Văn Chiến, Lê Hữu Lễ, Lý Kiến Trung, Trần Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Nghĩa, cùng là cán bộ, lãnh đạo Phòng Tài nguyên Môi trường; Lâm Pho La, cán bộ địa chính phường cùng nhóm cò đất và chủ đất gồm Trần Mười, Trần Thanh Vũ, Huỳnh Công Chúc, Lê Hoàng Anh, Trầm Ngọc Long, Phú Thanh Tâm và Trang Thị Xây.
Mua bán chính sách
Đây là vụ án gây thất thoát, lãng phí tài sản Nhà nước, đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại UBND TP Trà Vinh, do Thạnh cùng cấp dưới thực hiện.
Cựu Chủ tịch UBND TP Trà Vinh bị cáo buộc cố ý chỉ đạo cấp dưới làm trái quyết định 118 của Thủ tướng, Thông tư 30 của Bộ Tài Nguyên - Môi trường, Công văn 10466 của Bộ Tài chính và Công văn số 315 của UBND tỉnh Trà Vinh, dẫn đến ký sai 315 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 70 tỷ đồng.
Từ năm 2009 đến tháng 7/2018, Phó chủ tịch và Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, ký quyết định cho phép chuyển nhượng mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất 315 hồ sơ. Thạnh ký 39 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 10 tỷ đồng, Sơn ký 276 hồ sơ, gây thiệt hại hơn 60 tỷ đồng.
Nhóm bị can là cán bộ lãnh đạo, chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường, thực hiện hành vi sai phạm thông qua việc tiếp nhận, thẩm định và tham mưu sai cho Chủ tịch và Phó chủ tịch, ký quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và miễn giảm tiền sử dụng đất sai đối tượng với 315 hồ sơ.
Cơ quan điều tra chứng minh các bị can này có hành vi cấu kết với cò đất, làm khống thủ tục, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng, vụ lợi cá nhân.
Các chủ đất không phải là người có công, lợi dụng chính sách thực hiện các giao dịch dân sự, trốn tiền sử dụng đất khi chuyển đổi mục đích. Cò đất, lợi dụng chính sách ưu đãi, trục lợi từ việc mua bán chế độ chính sách người có công với cách mạng.
Cán bộ giúp chủ đất trục lợi tiền tỷ
Bị can Trần Mười, làm nghề môi giới nhà đất nên biết chủ trương hỗ trợ cho người có công. Mười quen với Trung, Phó phòng Tài nguyên - Môi trường, nơi tiếp nhận hồ sơ, thẩm định điều kiện miễn giảm tiền sử dụng đất.
Mười cấu kết với Trung, bị can Huỳnh Công Chúc làm thủ tục hợp thức hóa việc chuyển nhượng mục đích, hợp thực hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng để được miễn giảm trái quy định.
Long biết Trung làm việc tại Phòng Tài nguyên - Môi trường, đã tìm cách kết nối. Từ năm 2016 đến năm 2017, Long hợp thức hóa chuyển mục đích 5 thửa đất trồng cây lâu năm sang đất ở đô thị, gây thiệt hại ngân sách 3,1 tỷ đồng.
Long có hai thửa đất ở phường 8, nên bàn bạc với Trung và được giới thiệu gặp bị can Trần Thanh Vũ trao đổi, làm thủ tục ghép nối hợp thức hóa hồ sơ miễn tiền sử dụng đất.
Vũ tìm hai gia đình chính sách Trương Thị Xê và Nguyễn Thị Chua, sau đó làm thủ tục chuyển nhượng khống để miễn tiền sử dụng đất. Sau khi hoàn tất các thủ tục, Long hưởng lợi gần 850 triệu đồng, đưa cho Vũ 100 triệu đồng. Vũ lấy 60 triệu đồng trả chi phí mua chế độ chính sách, đưa cho Trung 10 triệu đồng. Số tiền còn lại, Vũ sử dụng cá nhân.
Trung tiếp tục giới thiệu Mười gặp Long, tìm gia đình chính sách ghép hồ sơ miễn giảm tiền sử dụng đất, hai thửa đất ở phường 6. Mười tìm đến nhà bà Trần Thị Vĩ và nhờ là bị can Huỳnh Công Chúc, tìm gia đình chính sách là bà Nguyễn Thị Tím.
Sau khi có đầy đủ hồ sơ, Mười làm thủ tục chuyển nhượng khống, hợp thức hóa hồ sơ cho Long, được miễn tiền sử dụng hơn 1,8 tỷ đồng. Thực hiện xong hai hồ sơ này, Long đưa cho Mười 120 triệu đồng…
Biết sai nhưng cố ý làm trái
Theo hồ sơ tố tụng, năm 2014, tại một cuộc họp giao ban, bị can Nguyễn Văn Chiến, cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường, có ý kiến phản ánh hiện tình trạng cò đất lợi dụng chính sách dành cho người có công, hợp thức hóa hồ sơ để hưởng lợi.
Diệp Văn Thạnh, khi đó là Chủ tịch UBND TP Trà Vinh, đã không chỉ đạo chấn chỉnh mà tiếp tục cho thực hiện việc miễn giảm như trước đây.
Hai năm sau, bị can Lê Hữu Lễ, Trưởng phòng và Lý Kiến Trung, Phó trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường, tiếp tục phản ánh tình trạng mua bán chế độ chính sách, hợp thức hóa hồ sơ chuyển mục đích sử dụng.
Thạnh không chỉ đạo chấn chỉnh mà tiếp tục cho thực hiện, trực tiếp và cùng với cấp phó ký các thủ tục quyết định cho chuyển nhượng mục đích sử dụng đất và miễn, giảm tiền sử dụng đất.
Việc này tạo điều kiện cho chủ đất và cò đất lợi dụng chính sách, sự khó khăn của gia đình người có công, lập thủ tục, hợp đồng chuyển nhượng khống, tặng cho quyền sử dụng đất để gia đình chính sách đứng tên. Sau đó hợp thức hồ sơ chuyển mục đích từ không phải đất ở sang đất ở để miễn, giảm tiền sử dụng đất.
Quá trình điều tra, có 86 hồ sơ của chủ đất đã nộp số tiền gần 20,5 tỷ đồng.