Cứu chữa kịp thời cho người đàn ông bị máy cưa nghiền nát tay trái
Trong lúc vận hành máy cưa nước đá, người đàn ông sơ ý để máy cuốn cánh tay vào trong. Các bác sĩ đã khẩn cấp mổ trong đêm để cứu bàn tay cho người bệnh.
Ngày 1.7, BSCK2 Võ Hòa Khánh - Trưởng phòng Quản lý Chất lượng, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và kịp thời can thiệp cho một trường hợp bị tai nạn lao động rất nghiêm trọng.
Bệnh nhân là anh L.Đ.C (39 tuổi, ngụ tại Đồng Nai) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng vết thương dập nát phức tạp, chẻ dọc 2 tầng cổ tay và cẳng tay bên trái.
Theo thông tin từ người nhà bệnh nhân, tối 29.6, trước khi xảy ra tai nạn, anh C. đang vận hành máy cưa nước đá. Trong lúc sơ ý, cánh tay trái anh C. bị máy cuốn vào trong. Khi được mọi người tắt máy và kéo ra ngoài thì cánh tay của anh C. đã bị tổn thương rất nặng. Bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.
Sau khi sơ cứu và thăm khám, bác sĩ xác định tình trạng thương tích của bệnh nhân quá nặng nên quyết định chuyển lên Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM ngay trong đêm để được can thiệp chuyên môn sâu.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM đã khẩn trương thực hiện các bước chẩn đoán và hội chẩn nhanh tìm giải pháp cứu chữa. Kết quả kiểm tra cho thấy, vết thương dập nát phức tạp đã khiến bệnh nhân đứt 2 tầng động mạch trụ, đứt thần kinh trụ, đứt gân duỗi cổ tay trụ, đứt gân các ngón 3, 4, 5... Ngoài ra, các ngón 3 và 4 bị gãy hở, dập nát nhiều mảnh xương ở đốt xa.
“Thương tích quá nặng khiến bệnh nhân đối mặt với nguy cơ phải đoạn bỏ 1/3 chi thể của cánh tay bên trái. Các bác sĩ đã quyết định thực hiện cuộc phẫu thuật khẩn nguy ngay trong đêm, nỗ lực giúp bệnh nhân thoát khỏi nguy cơ tàn phế”, bác sĩ Khánh nói.
BSCK2 Nguyễn Quang Vinh - người trực tiếp thực hiện cuộc mổ cho biết, trong quá trình thực hiện cuộc vi phẫu này cho bệnh nhân, ê kíp phải tiến hành cắt lọc vết thương, vệ sinh nhiều lần bằng nước muối sinh lý để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng. Sau đó, các bác sĩ thực hiện vi phẫu nối lại động mạch trụ, thần kinh trụ bằng chỉ vi phẫu, nối gân duỗi cổ tay trụ và gân các ngón bị đứt bằng chỉ nilon…
“Sau 2 giờ khẩn trương trong phòng mổ, cuộc vi phẫu cho bệnh nhân đã thành công. Một ngày sau phẫu thuật, bàn tay của bệnh nhân đã hồng hào, cử động được các ngón”, bác sĩ Vinh cho biết thêm.
Theo bác sĩ Vinh, đây là trường hợp bị tai nạn, tổn thương rất phức tạp nhưng may mắn được các bác sĩ kịp thời cứu chữa. Hiện bệnh nhân đang được tiếp tục theo dõi, điều trị để ngăn chặn nguy cơ nhiễm trùng.
Vấn đề quan trọng lúc này là bệnh nhân cũng phải tuân thủ chỉ định điều trị và kiên trì tập vật lý trị liệu để bàn tay bị dập nát có thể duy trì được các chức năng và làm được các việc thông thường.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Vinh khuyến cáo, tai nạn lao động thường gây ra những hậu quả rất nặng nề ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng nạn nhân. Để tránh tai nạn đáng tiếc, mọi người cần phải mang đồ bảo hộ lao động, tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo vệ sinh, an toàn lao động trong suốt quá trình làm việc.