Cựu chuyên gia WHO gây tranh cãi vì nói COVID-19 'tự biến mất'

Giáo sư Karol Sikora là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, không phải là một nhà nghiên cứu virus.

Một cựu chuyên gia hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã vấp phải nhiều bình luận nghi ngờ và chỉ trích khi cho rằng đại dịch COVID-19 có thể "tự nó dần biến mất" trước khi thế giới tìm ra vaccine ngừa căn bệnh nguy hiểm này, đài RT đưa tin.

Ngày 16-5, Giáo sư chuyên khoa ung thư Karol Sikora - cựu Giám đốc Chương trình ung thư của WHO và hiện tại là Chủ nhiệm Khoa y - Đại học Buckingham (Anh) - viết trên Twitter: "Thực sự có khả năng virus sẽ ngừng lây lan một cách tự nhiên trước khi chúng ta chế ra được bất kỳ loại vaccine nào".

"Chúng ta đang nhìn thấy một mô hình gần giống nhau ở mọi nơi - tôi nghi ngờ rằng chúng ta miễn dịch tốt hơn nhiều so với những gì đã được ước tính. Chúng ta cần tiếp tục làm chậm (sự lây lan của) virus nhưng nó có thể đang tự mình biến mất" - ông Sikora viết tiếp.

Giáo sư chuyên khoa ung thư Karol Sikora - Chủ nhiệm Khoa y - Đại học Buckingham (Anh), cựu Giám đốc Chương trình ung thư của WHO. Ảnh: HOPITAL TIMES

Giáo sư chuyên khoa ung thư Karol Sikora - Chủ nhiệm Khoa y - Đại học Buckingham (Anh), cựu Giám đốc Chương trình ung thư của WHO. Ảnh: HOPITAL TIMES

Đoạn tweet của ông Sikora đã nhận được khá nhiều phản hồi của cộng đồng mạng.

Nhà báo người Anh Victoria Derbyshire đặt câu hỏi: "Tôi thực sự mong muốn điều đó là thật nhưng liệu có bằng chứng nào chứng minh cho những gì ông nói hay không?".

Nhiều bình luận khác đồng quan điểm với bà Derbyshire cho rằng những gì ông Sikora viết là thiếu căn cứ. Có người còn nhấn mạnh ông Sikora "là một bác sĩ chuyên khoa ung thư, không phải là nhà nghiên cứu virus".

Nhiều người dẫn lại các bài báo cảnh báo về các làn sóng lây nhiễm thứ hai, thứ ba... để phản bác quan điểm của ông Sikora.

Sau đó, bản thân ông Sikora phải phân trần cho quan điểm của mình. Ông cho rằng đó chỉ là một quan điểm cá nhân và là "một kịch bản có thể xảy ra".

Ông cũng khẳng định không ai có thể biết chắc chắn điều gì sẽ xảy ra trong tương lai nên vẫn hy vọng vào kịch bản này.

Cuối cùng, ông viết: "Chúng ta cần tiếp tục thực hiện giãn cách và hy vọng các con số (liên quan tới COVID-19 - PV) tiếp tục được cải thiện".

Hiện nay, các nước đang chạy đua với thời gian để tìm ra vaccine ngừa COVID-19. Có tám loại vaccine đang được thử nghiệm lâm sàng ở người tại Trung Quốc, Mỹ, Đức và Anh và hàng chục loại vaccine khác đang được các chuyên gia trên khắp thế giới thử nghiệm tiền lâm sàng.

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng thế giới sẽ tìm ra vaccine ngừa COVID-19 trong vòng 12-18 tháng. Trong khi đó, ngày 14-5, bà Soumya Swaminathan - Trưởng nhóm các nhà khoa học của WHO - dự đoán phải 4-5 năm nữa mới có thể ngăn chặn được đại dịch này.

Số ca nhiễm COVID-19 vẫn đang tiếp tục tăng lên. Một số tâm dịch của thế giới đã dần kiểm soát được tình hình, trong khi một số khu vực khác lại chứng kiến số ca nhiễm tăng nhanh chóng.

Tính tới chiều 18-5, số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu là gần 4.815.500 và có hơn 316.850 người tử vong vì đại dịch này, theo chuyên trang thống kê Worldometer.

VĂN KIẾM

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/cuu-chuyen-gia-who-gay-tranh-cai-vi-noi-covid19-tu-bien-mat-913261.html