Cựu cố vấn CIA thừa nhận Nga đã tắt GPS của HIMARS

Theo cựu cố vấn CIA James Rickards, vũ khí phương Tây bị thiêu rụi trên chiến trường Ukraine và không giúp Kiev đạt được mục tiêu cuộc phản công.

Lính Ukraine vận hành hệ thống HIMARS.

Lính Ukraine vận hành hệ thống HIMARS.

Tuyên bố được James Rickards đưa ra trong cuộc phỏng vấn của truyền thông Mỹ hôm 1/8 khi nói về hiệu quả của vũ khí Mỹ và các nước phương Tây trong cuộc chiến tại Ukraine.

"Vũ khí thần kỳ không có tác dụng. Mới đây tôi đã trông thấy một chiếc xe tăng Leopard 2 của Đức bốc cháy. Như thế đấy, người Nga đang tiêu diệt chúng. Đối với hệ thống tên lửa HIMARS của Mỹ, người Nga đã tìm ra cách tắt GPS của chúng.

Không có hệ thống này thì đạn bay sai hướng và không gây ra mối nguy hiểm cần có. Như vậy đấy, chúng cũng bị bắn hạ, với F-16 cũng sẽ xảy ra điều tương tự. Xung đột có thể kết thúc thậm chí còn sớm hơn. Vì vậy nên Tổng thống Ukraine Zelensky đang xin thêm đạn dược", vị cựu lãnh đạo CIA nói.

Trong khi đó, George Barros, nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington cho biết, việc gửi vũ khí của phương Tây cho Ukraine diễn ra theo từng giai đoạn, khi Mỹ và các đồng minh cân nhắc xem nên gửi loại vũ khí nào và gửi vào thời điểm nào.

Chính vì vậy, các lực lượng Nga tận dụng dụng khoảng thời gian này để trang bị lại hoặc phục hồi lực lượng, khai thác và giành lại thế chủ động ở một số khu vực.

Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã công bố viện trợ quân sự trị giá hàng tỷ USD cho Ukraine. Tuy nhiên, quá trình đưa ra quyết định và các mốc thời gian viện trợ diễn ra không liền mạch và suôn sẻ.

Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Lầu Năm Góc đã chần chừ trong việc cung cấp cho Ukraine một số vũ khí như máy bay chiến đấu F-16 do lo ngại leo thang căng thẳng với Nga.

Phương Tây cũng tranh luận về việc liệu Ukraine có cần một số vũ khí nhất định hay không, chẳng hạn như xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất.

"Vấn đề là chính sách hiện tại của chúng ta trong việc viện trợ cho Ukraine một số vũ khí có giá trị lớn.

Dù chúng ta đã quyết định cung cấp cho Ukraine những vũ khí đó, nhưng thời điểm vẫn chưa tối ưu, và các khoảng trống về thời gian đã cho phép Nga có cơ hội thực hiện các biện pháp giảm tối đa và tìm cách đối phó với các vũ khí này, làm giảm hiệu quả của chúng trên chiến trường", chuyên gia George Barros cho biết.

Cũng theo vị chuyên gia này, Nga đã có thời gian để tìm cách đối phó với một hệ thống vũ khí mới phương Tây cung cấp cho Ukraine. Điều này thể hiện trên khắp các tuyến phòng thủ của Nga.

Các biện pháp đối phó của Nga rất rõ ràng. Hàng loạt bãi mìn đã làm chậm và cản trở bước tiến của xe tăng phương Tây, chẳng hạn như Leopard 2 do Đức sản xuất, một loại xe tăng chiến đấu cơ động cao, có lớp chống đạn và mìn, hay xe tăng chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ.

Mặc dù những thiết bị này điều hướng cẩn thận trước các loại mìn chống tăng tối tân của Nga hay TM-62 từ thời Liên Xô, nhưng chúng vẫn dễ bị tổn thương hoặc bị phá hủy.

Pháo phản lực Nga phóng loạt đạn vào lực lượng Ukraine

Giới chuyên gia quân sự đặt ra câu hỏi rằng, trước hệ thống phòng thủ vững chãi và dày đặc của Nga, cuộc phản công của Ukraine liệu có thành công hay không? Chuyên gia Barros cho rằng, vẫn còn quá sớm để nhận định về kết quả cuộc phản công của Ukraine.

"Đây sẽ là một trận chiến kéo dài. Tôi nghĩ rằng có những bài học mà chúng ta nên rút ra và học hỏi sau các cuộc giao tranh bởi cuộc chiến này có thể sẽ diễn ra trong một thời gian dài", Barros kết luận.

Tiến Thành

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuu-co-van-cia-thua-nhan-nga-da-tat-gps-cua-himars-post649198.html