Cựu công an bịt mặt nổ súng tại Vietcombank, sao khởi tố tội gây rối?
Luật sư cho rằng viên thượng úy vào Vietcombank bắn bị thương bảo vệ đã cấu thành tội Cố ý gây thương tích. Công an cần làm rõ động cơ xem người này có nhằm cướp tài sản hay không?
Phó giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa Đào Đức Minh vừa cho hay người nổ súng tại Vietcombank chi nhánh Nghi Sơn hôm 25/7 là thượng úy công an tên Đào Xuân Tư. Thông tin ban đầu về vụ việc là cướp ngân hàng nhưng qua tài liệu thu thập, cơ quan điều tra đã khởi tố Tư về tội Gây rối trật tự công cộng.
Việc áp dụng tội danh khi khởi tố cựu thượng úy công an đang khiến nhiều người thắc mắc. Nhiều độc giả và luật sư cho rằng với diễn biến sự việc, Đào Xuân Tư có thể bị khởi tố tội Cướp tài sản hoặc Cố ý gây thương tích.
Cầm súng, túi xách vào nhà băng để gây rối?
Sau khi đại tá Minh công bố thông tin về việc khởi tố bị can, nhiều độc giả cho rằng vụ việc có uẩn khúc khi thượng úy công an cầm súng, bịt mặt xông vào ngân hàng đe dọa 2 bảo vệ với mục đích gây rối trật tự công cộng.
Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng nhận định việc Đào Xuân Tư dùng súng uy hiếp có thể nhằm mục đích cướp tài sản. Ngoài ra, việc nổ súng bắn bảo vệ bị thương đã có dấu hiệu tội Cố ý gây thương tích.
Một độc giả khác thắc mắc rằng chiến sĩ công an đeo khẩu trang, đội mũ trùm kín, dùng biển số xe giả, cầm túi xách rồi nã nhiều phát súng trong ngân hàng đã có dấu hiệu của hành vi cướp tài sản. "Sao lại khởi tố tội danh Gây rối trật tự công cộng?", độc giả này đặt câu hỏi.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng ngân hàng không phải nơi công cộng. Do đó, việc khởi tố cựu thượng úy về tội Gây rối trật tự công cộng chưa thuyết phục.
"Rõ ràng là cướp có vũ trang, việc không cướp được do bảo vệ phản ứng kịch liệt, nằm ngoài dự tính của Đào Xuân Tư", một trong số các ý kiến nêu quan điểm.
Bạn đọc Baobao cũng cho rằng kết luận của cơ quan điều tra còn điểm mâu thuẫn và thắc mắc khi người gây rối trật tự công cộng lại bịt mặt, uy hiếp bảo vệ để vào phòng giao dịch.
Cần làm rõ động cơ
Theo dõi vụ việc đang gây nhiều ý kiến tranh luận, luật sư Nguyễn Anh Thơm (Đoàn luật sư Hà Nội) nói trước hết, cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích của Đào Xuân Tư xông vào phòng giao dịch ngân hàng để làm gì. Tại sao anh ta vào chi nhánh nhà băng mà cầm súng, bịt khẩu trang, đội mũ bảo hiểm che mặt?
Với cách ngụy trang, hành động như trên, ông Thơm nhận định đó là biểu hiện của người thường có mục đích chiếm đoạt tài sản trong ngân hàng. Theo luật sư, cơ quan điều tra chưa kết luận động cơ, mục đích của Đào Xuân Tư khi xông vào phòng giao dịch mà chỉ đánh giá hình thức hành vi bên ngoài của người này để làm căn cứ xử lý về tội Gây rối trật tự công cộng.
Bên cạnh đó, việc Đào Xuân Tư nổ súng bắn bị thương nhân viên bảo vệ đã có dấu hiệu tội Cố ý gây thương tích, theo Điều 134 Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, tội này khởi tố theo yêu cầu của người bị hại. Có thể nhân viên bảo vệ không yêu cầu giám định thương tích nên cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý.
Cũng theo luật sư, nếu cơ quan điều tra làm rõ mục đích Đào Xuân Tư cầm súng xông vào nhà băng nhằm chiếm đoạt tài nhưng bị bảo vệ ngăn chặn, thì đối tượng vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Cướp tài sản, theo Khoản 2 Điều 168 Bộ luật Hình sự. Việc anh ta nổ súng gây thương tích cho nhân viên bảo vệ là tình tiết định khung tăng nặng của tội Cướp tài sản tương ứng với tỷ lệ thương tật của nạn nhân.
Tội Cướp tài sản là tội phạm có cấu thành hình thức và được coi là hoàn thành từ thời điểm người phạm tội đã thực hiện một trong các hành vi dùng bạo lực, đe dọa dùng ngay tức khắc vũ lực hoặc hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Trường hợp này, Tư bị bảo vệ ngăn chặn, chưa chiếm đoạt được tài sản thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt, quy định tại Điều 15 Bộ luật Hình sự.