Cựu cục phó cùng thuộc cấp chỉnh sửa, thay đổi cơ chế xuất đề thi

Ông Sái Công Hồng, cựu phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng, cùng cấp dưới đã chỉnh sửa, thay đổi cơ chế xuất đề của phần mềm dẫn đến phần mềm sử dụng tại Hội đồng ra đề thi THPT không đảm bảo nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên

Theo dự kiến, ngày 29-6 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ xét xử các bị can Phạm Thị My (SN 1963) và Bùi Văn Sâm (SN 1949), cùng là cựu giáo viên Khoa Sinh học, Đại học Sư phạm Hà Nội, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Bộ Công an xác định có nhiều sai phạm ở môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: NLĐO

Bộ Công an xác định có nhiều sai phạm ở môn Sinh học trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: NLĐO

Theo cáo trạng, sau khi kết thúc đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021, dư luận, báo chí phản ánh về nghi vấn lộ đề thi môn sinh.

Vào cuộc điều tra, Cơ quan tố tụng xác định trước khi diễn ra kỳ thi THPT 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phân công bà Phạm Thị My là tổ trưởng tổ ra đề thi môn Sinh học, ông Bùi Văn Sâm tham gia với tư cách thẩm định đã lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn được giao để đưa tài liệu về nhà biên soạn thành câu hỏi, chỉnh sửa thành các đáp án. Cùng với đó, sắp xếp các câu hỏi do mình soạn ra vào các vị trí có khả năng cao được phần mềm lựa chọn rút ra làm nguồn đề thi chính thức. Các bị can dùng chính những câu hỏi trên để dạy, ôn thi cho 8 học sinh là "họ hàng, quen biết"; mỗi người 4 học sinh.

Cũng theo cáo trạng, về Phần mềm quản lý Ngân hàng câu hỏi thi của Bộ GD-ĐT, ban đầu hoạt động theo cơ chế chọn ngẫu nhiên và áp dụng Hội đồng ra đề thi năm 2018.

Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Ngân hàng câu hỏi thi năm 2019, ông Sái Công Hồng - cựu phó cục trưởng Cục quản lý chất lượng (hiện là Phó Vụ trưởng Vụ Trung học phổ thông), Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng ngân hàng câu hỏi và chủ tịch Hội đồng ra đề thi năm 2018, 2019, 2020 - đã yêu cầu, chỉ đạo cần đảm bảo yêu cầu cân bằng độ khó giữa các câu hỏi trong tổ hợp câu hỏi thi mang đi thử nghiệm và giữa các tổ hợp câu hỏi được chọn cần phải có sự liên kết.

Ông Hồng đã yêu cầu ông Đỗ Thế Chuẩn, cán bộ Trung tâm khảo thí quốc gia được giao phụ trách quản lý phần mềm, chỉnh sửa Phần mềm bằng cách viết mã nguồn (code) mới để thêm tính năng xếp hạng thứ tự câu hỏi thi trong từng ô câu hỏi và thay đổi tính năng sinh đề của phần mềm. Do đó, phần mềm không còn dược rút ngẫu nhiên nữa mà sẽ rút được các tổ hợp câu hỏi mà trong đó các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng sẽ vào cùng một tổ hợp đề.

Kết quả điều tra, thu thập tài liệu tại Bộ GD-ĐT xác định việc sử dụng phần mềm rút các tổ hợp câu hỏi từ Ngân hàng câu hỏi thi tại Hội đồng ra đề thi các năm 2019, 2020 và 2021 không theo nguyên tắc ngẫu nhiên mà đã được thực hiện theo quy luật các câu hỏi có cùng số thứ tự xếp hạng đều được rút vào cùng một tổ hợp.

Trong vụ án này, cơ quan tố tụng xác định ông Sái Công Hồng, Đỗ Thế Chuẩn đã chỉnh sửa, thay đổi cơ chế xuất đề của phần mềm dẫn đến phần mềm sử dụng tại Hội đồng ra đề thi không đảm bảo nguyên tắc rút đề ngẫu nhiên, vi phạm quy định của quy chế thi THPT và một số cá nhân có trách nhiệm liên quan thuộc Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an kết luận chưa có cơ sở xác định những người trên có động cơ vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác và không biết các bị can thực hiện hành vi phạm tội, nên không có căn cứ xử lý hình sự.

Cơ quan điều tra đã có văn bản kiến nghị Bộ GD-ĐT kiểm tra, xem xét xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân có liên quan để xảy ra sai phạm nêu trên và kiểm tra, rà soát quy trình, quy chế để khắc phục sơ hở, thiếu sót, không để xảy ra sai phạm tương tự.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/vi-pham-quy-che-thi-tot-nghiep-van-lam-vu-pho-trung-hoc-pho-thong-2023062614244815.htm