Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam: Tôi nhớ mãi cuộc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và câu nói nổi tiếng của Bác Hồ

Nhớ về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Chinmaya Gharekhan đã chia sẻ với TG&VN một góc nhìn bình dị về nhà quân sự tài ba của đất nước Việt Nam.

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Chinmaya Gharekhan là một người rất yêu quý đất nước và người Việt Nam. Dù nhiệm kỳ của ông chỉ kéo dài trong 3 năm (1975-1977), nhưng ông vẫn giữ kỹ những kỷ niệm về đất nước hình chữ S trong tim mình.

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Chinmaya Gharekhan. (Nguồn: Bộ Du lịch Ấn Độ)

Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Chinmaya Gharekhan. (Nguồn: Bộ Du lịch Ấn Độ)

Mở đầu buổi phỏng vấn, Đại sứ Gharekhan đã gửi tôi một lời chào vô cùng ấm áp bằng tiếng Việt: “Xin chào đồng chí!”, dù đã rất lâu rồi ông không trở lại Việt Nam.

Dù chỉ mới một lần tiếp xúc trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhưng ông Gharekhan giữ mãi những ấn tượng về một nhà quân sự tài ba nhưng vô cùng giản dị, hiếu khách.

Xin chào Đại sứ, ông có thể chia sẻ với bạn đọc về ấn tượng của ông về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?

Năm 1975, tôi tới Việt Nam với tư cách Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam. Khi đó, đất nước của các bạn đã thống nhất với một tên gọi mới, Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Phải nói rằng tôi đã có một khoảng thời gian vô cùng thú vị khi ở Việt Nam. Mặc dù khi tôi tới thì Bác Hồ đã không còn nữa, nhưng không ai quên được câu nói nổi tiếng của Bác: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Câu nói này xuất hiện ở khắp mọi nơi.

Khi ấy, mọi thứ ở Việt Nam thực sự là rất bình dị. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng thường đạp xe đạp để đi làm. Những đại sứ như chúng tôi cũng dùng xe đạp để đi làm, đi ngao du.

Đại tướng Giáp là một nhân vật nổi tiếng, tôi đã nghe danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu. Với nhiều người, đó là một người anh hùng vĩ đại. Vì thế, tôi đã rất mong có cơ hội để gặp Đại tướng.

Khi đó, Đại tướng Giáp đảm nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nên ông cũng ít có cuộc gặp với các đại sứ, ngoại trừ các Đại sứ Liên Xô, Đại sứ Trung Quốc hay Đại sứ Cuba.

Tôi đã mạnh dạn gửi một yêu cầu đặc biệt với Bộ Ngoại giao Việt Nam. Sau vài ngày chờ đợi, tôi đã nhận được một cuộc gọi từ chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói rằng ông đồng ý gặp mặt tôi.

Sau đó, tôi đã có vinh dự đến gặp và trò chuyện với Đại tướng Giáp tại nhà ông. Đại tướng Giáp rất lịch thiệp và hiếu khách. Ông mời tôi uống cà phê và chúng tôi đã nói chuyện trong khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ.

Võ Nguyên Giáp, vị đại tướng tài ba của Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Võ Nguyên Giáp, vị đại tướng tài ba của Việt Nam. (Ảnh tư liệu)

Đại tướng đã nói chuyện với tôi về Ấn Độ bằng những câu từ rất ấm áp. Ông cũng nói rất nhiều về quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ vào thời điểm đó.

Không những vậy, ông còn rất am hiểu về đất nước của chúng tôi. Ông nhắc lại những câu chuyện trong lịch sử đấu tranh giành độc lập của Ấn Độ, nói về những tấm gương sáng của đất nước chúng tôi như Thủ tướng Jawaharlal Nehru hay Mahatma Gandhi, vị anh hùng dân tộc, lãnh tụ tinh thần của người dân Ấn Độ.

Tôi nói với ông rằng ở Ấn Độ, Việt Nam là biểu tượng của một dân tộc anh hùng đã đánh bại những quân đội lớn mạnh nhất thế giới.

Tôi cũng bày tỏ hy vọng được tới thăm Điện Biên Phủ nhưng Đại tướng Giáp đã lịch thiệp từ chối. Ông giải thích rằng đường lên Điện Biên Phủ rất trúc trắc, hiểm trở và không thể nào tiếp cận được bằng các phương tiện thông thường.

Và đó là cuộc gặp và nói chuyện trực tiếp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp duy nhất của tôi trong suốt nhiệm kỳ của mình tại Việt Nam.

Sau đó, thỉnh thoảng tôi có gặp và trao đổi ngắn với ông trong những lần tham gia buổi lễ đón tiếp các nhà chính khách, ngoại giao nước ngoài nhân dịp Quốc khánh Việt Nam.

Là Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam vào thời điểm đất nước chúng tôi mới thống nhất, đang trong quá trình tái thiết và phát triển, ông nghĩ gì về vai trò và đóng góp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Việt Nam?

Đất nước Việt Nam đã bị những làn bom đạn chiến tranh tàn phá rất nặng nề. Đảm nhận nhiệm kỳ tại Việt Nam trong 3 năm 1975-1977, tôi đã thấy rằng công cuộc tái thiết ở Việt Nam là một thách thức rất lớn.

Trong đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tư cách là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng giữ vai trò rất quan trọng. Ông đã có những đóng góp rất lớn trong việc tái cơ cấu hạ tầng, áp dụng các công nghệ tiên tiến của nước ngoài về Việt Nam.

Bên cạnh đó, người dân Việt Nam cũng rất kiên định, có sự hiểu biết và vô cùng thông minh. Từ một đất nước bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam hiện nay đang là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh hàng đầu thế giới.

Khi ấy, với tư cách là Đại sứ Ấn Độ, tôi đã có cơ hội đi thăm nhiều thành phố như Hải Phòng, Vinh, TP. Hồ Chí Minh… nhiều lần. Trong những chuyến đi đó, tôi đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi của Việt Nam.

Theo Đại sứ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có ảnh hưởng như thế nào đối với các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trên thế giới?

Tôi nghĩ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng vĩ đại nhất trong thế kỷ XX. Ông là người đứng đằng sau thành công của các trận chiến nổi tiếng Việt Nam, điển hình là trận Điện Biên Phủ chống lại quân đội Pháp. Có thể nói, trận chiến này đã thay đổi lịch sử Việt Nam và thế giới.

Không những đánh đuổi được thực dân Pháp, ông Giáp còn giúp nhân dân đánh đuổi cả đế quốc Mỹ, những quốc gia phát triển có tiềm lực quân sự hàng đầu thế giới. Đại tướng được đánh giá là một trong những nhà quân sự lỗi lạc, có thể sánh ngang với những lãnh đạo quân sự vĩ đại trong lịch sử loài người.

Tôi luôn nhớ đến ông Giáp như một vị tướng, một người hùng vĩ đại của Việt Nam. Cùng thời với Đại tướng Giáp còn có Che Guevara – một biểu tượng đấu tranh ở khu vực Mỹ Latinh nhưng tôi nghĩ sự ảnh hưởng của tướng Giáp còn lớn hơn cả ông Che.

Tôi tin rằng những bài học quân sự và ý chí quả cảm của Đại tướng Giáp còn ảnh hưởng tích cực đến phong trào đấu tranh giành lại độc lập, tự do ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Cũng như nhiều người Việt Nam biết đến Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru, nhiều người Ấn Độ biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp của chúng tôi. Vậy ông có thể chia sẻ người Ấn Độ nghĩ gì về hai nhà lãnh đạo nổi tiếng của Việt Nam?

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai nhân vật lịch sử rất nổi tiếng ở Ấn Độ. Người dân Ấn Độ rất tôn trọng và ngưỡng mộ hai nhân vật này vì những gì mà họ đã làm để giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ, thống nhất đất nước và để người dân Việt Nam được sống một cuộc sống độc lập, tự do.

Hai nhà lãnh đạo này là nguồn cảm hứng cho nhiều người ở Ấn Độ. Và tôi có thể nói rằng người dân Ấn Độ thực sự yêu mến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhân vật vĩ đại không chỉ đối với nhân dân Việt Nam mà còn đối với bạn bè yêu chuộng tự do và hòa bình trên thế giới. Người dân Ấn Độ cũng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh với cái tên trìu mến là Uncle Hồ (Bác Hồ).

Tôi vẫn còn nhớ câu chuyện về năm 1958, khi Chính phủ Ấn Độ mời Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chính thức Ấn Độ. Khi đó, hàng vạn người đã tập trung tại Thành Đỏ (Red Fort) ở thủ đô New Delhi để có thể được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ. Thủ tướng Ấn Độ đã dành những lời tốt đẹp nhất để ca ngợi Hồ Chí Minh. Ông gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Một vị lãnh tụ xuất sắc đồng thời là một chiến sỹ vĩ đại vì tự do”.

Với Tướng Giáp, có rất nhiều người Ấn Độ nói rằng ông là nguồn cảm hứng của họ.

Còn đối với cá nhân tôi, tôi sẽ không bao giờ quên những kỷ niệm trong thời gian công tác tại Việt Nam những năm 1975-1977, về cuộc gặp đáng nhớ với Đại tướng, và câu nói nổi tiếng của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

Chân thành cảm ơn Đại sứ!

Đại sứ Chinmaya Gharekhan tại một buổi họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: LHQ)

Đại sứ Chinmaya Gharekhan tại một buổi họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: LHQ)

Đại sứ Chinmaya Gharekhan sinh năm 1934 và từng là Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam từ tháng 8/1975-1/1977. Ông là một thành viên xuất sắc của Bộ Ngoại giao Ấn Độ, từng làm việc tại Ai Cập, Congo, Lào, Việt Nam và Nam Tư cũ. Ông đã có một phần tư thế kỷ làm việc tại Liên hợp quốc dưới nhiều vị trí khác nhau, trong đó có nhiệm kỳ Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Ấn Độ tại Liên hợp quốc.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuu-dai-su-an-do-tai-viet-nam-toi-nho-mai-cuoc-gap-dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-cau-noi-noi-tieng-cua-bac-ho-156276.html