Cựu Đại sứ Australia cảm nhận về Tết Nguyên đán, 'chặng đường dài đáng tự hào của Việt Nam' và quan hệ song phương
Là Đại sứ Australia tại Việt Nam giai đoạn 1981-1983, ông John McCarthy với lần trở lại 'chốn cũ' này, đã chia sẻ cảm nhậnvề chặng đường dài nhiều thay đổi đáng tự hào của Việt Nam cũng như những bước tiến tích cực trong quan hệ song phương 40 năm qua.
Vẫn là Việt Nam nhưng ấn tượng rất khác…
Nhớ lại thời điểm đặt chân đến Hà Nội năm 1981 nhận nhiệm vụ, ông John McCarthy cho biết, nền kinh tế Việt Nam khi đó đang gặp nhiều khó khăn, đời sống nhân dân ở mức thấp do vừa trải qua chiến tranh.
Trong 40 năm qua, cựu Đại sứ John McCarthy đã quay lại "chốn cũ" khoảng 6 lần và mỗi lần đều ấn tượng với những bước tiến dài Việt Nam đã đạt được.
Ký ức của nhà ngoại giao kỳ cựu về Việt Nam cách đây 40 năm là hạn chế lương thực, thực phẩm, là hình ảnh của những con người gần như suy dinh dưỡng, hay đường cao tốc chỉ có một chiều đi được do người dân phơi lúa trên đường. Còn ngày nay, ông vô cùng ấn tượng trước những đổi thay từ dân số đến cơ sở hạ tầng, đơn cử như đường cao tốc ra sân bay chỉ mất 30 phút đi ô tô.
Theo ông John McCarthy, sự phát triển kinh tế - xã hội thành công của Việt Nam có được là nhờ công cuộc Đổi mới ở Việt Nam bắt đầu từ năm 1986, đồng thời còn nhờ việc Việt Nam mở cửa, thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước, tham gia các hiệp định quốc tế, góp phần phát triển kinh tế đến một mức độ đáng kể.
Dẫn chứng số liệu từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2020 đạt 3.561 USD, cao hơn GDP bình quân đầu người của Philippines (3.229 USD), gần đuổi kịp thành tựu của Indonesia (3.870 USD), ông John McCarthy khẳng định: “Trong 40 năm qua, Việt Nam đã đi được một chặng đường rất dài. Các bạn có thể tự hào về điều đó”.
Từ nghi ngại rồi trở thành đối tác trọng yếu
Với quan hệ Việt Nam-Australia, vị cựu Đại sứ 80 tuổi cũng tin rằng, hai nước đã rút ngắn khoảng cách khá xa, bỏ qua những nghi ngại trong sự khác biệt về thể chế chính trị để xích lại gần nhau, trở thành những đối tác trọng yếu của nhau trong nửa thế kỷ qua.
Thời điểm nhận nhiệm vụ làm Đại sứ Australia tại Việt Nam, ông John McCarthy khi đó 39 tuổi, đang là Chánh văn phòng của Bộ Ngoại giao Australia, cảm thấy hãnh diện, vui mừng và cho rằng hành trình tại Việt Nam có thể rất thú vị.
Khó khăn trước hết đối với ông John McCarthy là vì các nước phương Tây, bao gồm cả Australia, khi đó đã cắt viện trợ cho Việt Nam, quan hệ giữa hai nước không được nồng ấm, nhưng thuận lợi là người Việt Nam lại đối xử với ông rất lịch sự và nhã nhặn.
Qua nhiều cuộc đối thoại, hai nước đã có những tiến triển trong việc thắt chặt mối quan hệ và dần có thiện cảm với đối phương.
Tháng 6/1983, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Bill Hayden thăm Việt Nam và tháng 4/1984, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch cũng đến Canberra để tiếp tục thảo luận về việc viện trợ cho Việt Nam. Kể từ đó, quan hệ giữa hai nước dần trở nên tốt đẹp hơn và có những tiến bộ ổn định.
Nêu rõ các dự báo tăng trưởng và tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam hiện nay, ông John McCarthy khẳng định rằng: “Ngoài Indonesia, nước láng giềng lớn nhất và có quan hệ trọng yếu với chúng tôi, thì không nước nào quan trọng hơn Việt Nam trong khu vực. Từ một mối quan hệ có tầm quan trọng trung bình cách đây 25 năm, chúng ta đã trở thành mối quan hệ có tầm quan trọng hàng đầu như hiện nay”.
Hoan nghênh việc Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thủ tướng Australia Anthony Albanese nhất trí ủng hộ việc hai nước xem xét nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện, ông John McCarthy cho rằng, điều đó thể hiện quyết tâm và vạch ra những điều cần làm cho cả hai nước trong thời gian tới để thật sự tương xứng với mức quan hệ đó.
Ông cũng bày tỏ hy vọng rằng, Thủ tướng Albanese sẽ có chuyến thăm Việt Nam trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay (26/2/1973-26/2/2023).
Khẳng định Australia có nguồn tài nguyên và những thế mạnh, ông John McCarthy cho rằng, hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế, quản lý nước, khoa học và công nghệ cao…
“Cá nhân tôi rất muốn thấy một thỏa thuận về khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Australia. Chúng tôi đang xem xét hợp tác với Ấn Độ và Indonesia trong lĩnh vực này. Tôi muốn thấy sự hợp tác tương tự với Việt Nam”, ông chia sẻ.
Nhớ Tết và những mong muốn với Việt Nam
Thăm Việt Nam vào thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, vị cựu Đại sứ Australia không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại “hương vị” Tết Việt cách đây hơn 40 năm. Điều mà ông nhớ nhất về Tết cổ truyền của Việt Nam là tiếng pháo hoa giòn tan, nổ vang trời “như bom” lúc giao thừa hay trong những ngày Tết.
Hoàn toàn đồng tình với chính sách cấm đốt các loại pháo nổ vì lý do an toàn của Việt Nam, ông John McCarthy vẫn có chút tiếc nuối vì không thể thưởng thức lại “món ăn tinh thần” của ngày Tết năm xưa.
Nhân dịp này, ông cũng sẽ hội ngộ những người bạn cũ cùng ngành ngoại giao và gặp gỡ những nông dân Việt Nam để tìm cách thúc đẩy quan hệ song phương, tình hữu nghị giữa hai nước bằng cách này hay cách khác.
Mỗi lần trở lại Hà Nội, ông John McCarthy luôn mong muốn có nhiều thời gian hơn để tận hưởng Thủ đô, chủ yếu là nhìn ngắm cảnh vật và nhớ lại tất cả những kỷ niệm đẹp của ông ở nơi đây.
“Mặc dù đã quay lại nhiều lần, nhưng nơi này luôn hoàn toàn mới lạ với tôi. Tôi dường như không còn nhận ra Hà Nội cách đây bốn thập niên”, ông John McCarthy nhấn mạnh.
Chỉ ra những đổi thay từ sân bay hay phố đi bộ nhộn nhịp quanh Hồ Hoàn Kiếm, ông lại trầm ngâm nhớ về một Hà Nội yên tĩnh, vắng lặng và “không nhiều niềm vui như bây giờ”.
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ hai nước, cựu Đại sứ Australia bày tỏ hy vọng “chúng ta sẽ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ với rất nhiều điều thú vị nhằm tận dụng tốt tiềm năng với sự giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau. Tôi tin rằng năm nay sẽ là khoảng thời gian vui vẻ, tưng bừng của chúng ta”.