Cựu Đại sứ Trần Việt Thái: Cò mồi bị 'đạp đổ nồi cơm' nên viết đơn tố cáo
Tại tòa, bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ ở Malaysia, thừa nhận đã thu tiền trái quy định để làm khoản dự phòng và việc đưa người từ ở Malaysia về nước là 'đạp đổ bát cơm' của 'cò mồi'.
Ngày 19/7, phiên tòa xét xử vụ án chuyến bay giải cứu tiếp tục được diễn ra với phần bào chữa của cựu cán bộ Đại sứ quán, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia.
Cụ thể, bị cáo Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, cùng các cấp dưới của mình bị Viện kiểm sát truy tố tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" trong vụ án chuyến bay giải cứu.
Bản cáo trạng thể hiện, từ tháng 5/2020 - 1/2022, Đại sứ quán tại Malaysia tổ chức 8 chuyến bay giải cứu, đưa 1.891 người chấp hành xong án phạt tù ở 19 "trại chờ" về nước.
Trong quá trình tổ chức 8 chuyến bay "giải cứu", các bị cáo đã thu tiền trái quy định của pháp luật, cao hơn chi phí thực tế từ những người mãn hạn tù để chi và hưởng lợi bất chính. Cụ thể, Đại sứ quán thu của mỗi người mãn hạn tù 20,3 triệu đồng; ai không có hộ chiếu phải nộp 25 triệu đồng. Với những người ở đảo xa, cần mua vé máy bay về thủ đô (Kuala Lampur) sẽ phải nộp từ 30 - 35 triệu đồng/người. Trong đó, riêng khoản cấp hộ chiếu, các bị cáo thu hơn 4,6 triệu đồng/cuốn nhưng chỉ nộp về ngân sách 1,6 triệu đồng/cuốn.
Với tổng cộng gần 1.900 người mãn hạn tù được giải cứu, bị cáo Trần Việt Thái và cấp dưới thu 44,6 tỷ đồng nhưng các chi phí là 33 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng 11 tỷ đồng. Ông Thái và các cấp dưới giữ lại 5 tỷ đồng tại Đại sứ quán, còn chia nhau gồm ông Thái 580 triệu đồng, cấp dưới thấp hơn.
Tháng 3/2022, ông Quách Văn Mừng (người Việt ở Malaysia) viết đơn tố cáo Đại sứ quán Việt Nam ở Malaysia thu tiền trái quy định.
Khai nhận tại tòa, ông Thái cho rằng, Quách Văn Mừng là "cò mồi", thu từ 40 - 80 triệu đồng/người muốn về nước. Đại sứ quán sau đó nghiên cứu, thấy ở các trại tù nữ có hiện tượng "ép buộc chị em dùng ma túy, bóc lột tình dục. Tôi lúc đó mới sang làm Đại sứ, yêu cầu nếu có chuyến bay, đưa chị em đó dồn vào, cho về sớm nhất có thể".
Cũng theo cựu Đại sứ ở Malaysia, tại các trại giam nam, mấy người môi giới cấu kết người bản địa thu phí cao, không chấp nhận được, "tôi nói với anh Linh (bị cáo Nguyễn Hoàng Linh) đưa họ về. Quách Văn Mừng bị chặn, bị đạp đổ nồi cơm nên viết đơn tố cáo tôi".
Bị cáo Thái cho biết, các trại tù ở xa, người mãn hạn tù phải được "nuôi một tháng" vì mỗi tháng chỉ một chuyến bay. Do vậy, Đại sứ quán tại Malaysia thu của họ từ 2 - 3 triệu đồng thôi, thấp hơn so với "cò mồi" khi đó thu từ 40 - 80 triệu đồng.
Ông Thái thừa nhận đã thu tiền trái quy định để làm khoản dự phòng nhưng sau không dùng đến vì "rủi ro không có hoặc chúng tôi đã chặn được rủi ro". Vị này xin tòa xem xét, làm việc ở Malaysia khó áp dụng quy định của Việt Nam.
Kết thúc phần bào chữa, cựu Đại sứ cảm ơn các đồng nghiệp là "những người dám làm, nhưng giờ lại không theo quy định mà theo quy định sẽ không làm được việc", đồng thời xin tòa xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo từng là đồng nghiệp của mình.
Về bị cáo Nguyễn Hoàng Linh, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, tại tòa hôm nay, bị cáo Linh đề nghị HĐXX xem xét khi quy kết tình tiết tăng nặng là lợi dụng dịch bệnh để trục lợi.
Theo bị cáo Linh, với người mãn hạn tù, không cần dịch bệnh họ muốn lợi dụng thì có thể lợi dụng ngay trong bối cảnh bình thường bởi người mãn hạn tù là người bị ở trong trại, rất quẫn bách, không thể liên hệ với người thân.
"Chỉ cần chúng tôi vào và có mục đích thu tiền thì chúng tôi sẽ làm qua môi giới. Chúng tôi không cần hàng ngày phải đi hàng trăm km xuống trại, gặp gỡ người ta, phỏng vấn người ta bởi vì ở các trại đã có sẵn môi giới rồi. Môi giới họ trực tiếp liên hệ để thỏa thuận, mặc cả với chúng tôi, sứ quán không phải đi đâu hết, không cần phải làm gì, chỉ cần tạo điều kiện cho chúng tôi có danh sách những người trong trại, người về và gia đình của họ, đại sứ quán chỉ cần ngồi một chỗ và nhận tiền chênh lệch, trong khi đó không ảnh hưởng gì đến pháp luật, không cần phải vất vả. Nếu muốn lợi dụng thì chúng tôi sẽ sử dụng môi giới để giải quyết vấn đề này", cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia tự bào chữa tại tòa.
Về mức thu tiền 20,3 triệu đồng/người mãn hạn tù, cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cho biết, mức thu này đã được tính toán rất nhiều yếu tố, trong đó để dự phòng. Nếu không có dự phòng, nếu thiếu thì không thể bố trí cho công việc suôn sẻ, thuận lợi.
Về lý do tại sao sử dụng tài khoản cá nhân mà không gửi qua tài khoản Đại sứ quán, bị cáo Nguyễn Hoàng Linh trình bày, tại thời điểm đó, Đại sứ quán phải chi phí, xử lý rất nhiều khoản tiền (nhận tiền Việt từ chủ ghe, chủ tàu; nhận tiền Mã từ các chủ lao động Malaysia để lao động của họ được về nước).
Lúc đó cách ly, cấm đi lại, nếu chuyển Ringgit vào tài khoản ngân hàng thì không thể rút ra được (phải đến tận nơi, làm các thủ tục, giải trình rất phức tạp), đấy là 1 trong các lý do sử dụng tài khoản cá nhân để kịp thời xử lý những việc chuyển tiền, chuyển khoản.
Cũng theo bị cáo Linh, tại thời điểm đó hầu hết liên quan đến vấn đề gì mà khó khăn, cần cấp cứu người, người chết, người không nơi nương tựa đến sứ quán là sứ quán cử bị cáo này ra để thực hiện các công vụ đó.
Về khoản tiền bồi dưỡng cho bản thân mình, Linh khai lúc đó công tác phí của mình Đại sứ quán vẫn đang nợ, kinh phí bản thân tự bỏ. Lúc nhận tiền cảm nhận có một phần kinh phí để bù lại, có thêm chi phí để thực hiện các công vụ tiếp theo.
Được biết, trong quá trình điều tra, bị cáo Linh đã nộp lại toàn bộ số tiền thu lợi bất chính (480 triệu đồng) để khắc phục hậu quả.