Cựu Đại sứ Vũ Hồng Nam: 'Tôi nhận lỗi, nhận sai'
Trong phần tranh luận tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án 'chuyến bay giải cứu' ngày 19/7, bị cáo Vũ Hồng Nam (cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản) được xác định nhận hối lộ hai lần với tổng số tiền 1,8 tỷ đồng của Công ty Nhật Minh, qua đó giúp công ty này tổ chức thành công 6 chuyến bay đưa công dân về nước cách ly.
Với hành vi nhận hối lộ số tiền 1,8 tỷ đồng, bị cáo Nam bị đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt từ 4 - 5 năm tù. Tự bào chữa tại phiên tòa, bị cáo Nam nêu thực trạng công dân Việt Nam ở Nhật Bản thời điểm đó: Công dân không có bảo hiểm, mất việc, không tiền, không nhà; chị em đến kỳ sinh không về được rất đông.
Khi đó, bị cáo Nam điện về nước nhiều lần nhưng không có chuyến bay. Vì thế hàng chục nghìn người mắc kẹt, sự kiên nhẫn ngày càng giảm, nhiều người chết trước khi về nước.
Bị cáo Nam cho biết, tính đến tháng 10/2020, đã hơn 26.000 người đăng ký xin về trên các chuyến bay tự trả phí. Họ liên tục hỏi, vì sao 7 tháng chưa được về? Thời điểm đó, bị cáo Nam chỉ biết hứa hẹn với công dân.
“Rất nhiều người trách tôi sao không ngồi yên, sao phải sáng kiến, sao lại xin thêm chuyến bay làm gì... thì không xảy ra chuyện. Trong những lúc chua cay, tôi cũng suy nghĩ thế. Nhưng nhìn lại, nếu tôi không làm thì hàng nghìn con người không biết sẽ thế nào”, bị cáo Nam phân trần.
Bị cáo Nam thẳng thắn thừa nhận, khi luận tội, đại diện Viện kiểm sát đã áp dụng hài hòa các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ đối với bị cáo, bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật đối với người ăn năn, hối cải. Bị cáo không bào chữa về hành vi nhận hối lộ.
“Ngay từ khi về nước, tôi đã nhận sai và đã trình bày với cơ quan điều tra. Đến giờ, tôi vẫn nhận thức rất rõ, làm việc công chức mà nhận tiền là sai về góc độ pháp luật, sai cả về đạo đức lẫn công vụ", bị cáo Nam trình bày.
Sau khi đưa thêm nhiều lý giải dẫn đến sai phạm của mình, bị cáo Nam khẳng định: “Tôi nhận lỗi, nhận sai. Tôi không ngụy biện cho tội lỗi của mình”.
Bào chữa cho bị cáo Nam, luật sư cho rằng, việc thân chủ của ông nhận hối lộ có lỗi lớn từ sự chủ động áp sát của doanh nghiệp, chứ thân chủ của ông chưa bao giờ chủ động đặt vấn đề hay mặc cả gợi ý đưa tiền. Một yếu tố nữa là bị cáo Nam cũng không cưỡng được cám dỗ của đồng tiền.
Luật sư dẫn chứng, cả hai buổi bị cáo Nam gặp và nhận tiền cùng giống nhau, đó là doanh nghiệp liên tục gọi điện, nhắn tin xin gặp với các lý do. Trong hai buổi gặp, doanh nghiệp đều để lại túi quà rồi đi.
Theo luật sư, người Việt Nam ở Nhật vào thời điểm dịch lên tới 68.000, đa số xuất thân gia đình nghèo, ở nông thôn, sang Nhật du học kết hợp lao động để chi trả học phí vì gia đình không có khả năng chu cấp, nhiều người sinh sống bất hợp pháp.
Sau khi bị cáo Nam gửi 11 công diện cho Bộ Ngoại giao và Chính phủ, liên hệ doanh nghiệp để đưa càng nhiều công dân về nước càng tốt. Kết quả, 5.000 người được về trên 16 chuyến bay combo với mức giá rẻ nhất, từ 28 - 30 triệu đồng mỗi người.
“Bị cáo Nam tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước xuất phát trước hết từ lương tâm của người đứng mũi chịu sào, với trách nhiệm bảo vệ hình ảnh, uy tín đất nước, chứ việc nhận tiền không phải mục đích khiến bị cáo Nam lao vào công việc”, luật sư nêu quan điểm bào chữa.
Từ bào chữa của mình, luật sư cho rằng, nhận thức của bị cáo Nam khi đó đơn giản là, doanh nghiệp tổ chức chuyến bay xong, có lãi thì cảm ơn. Cùng là nhận tiền, nhưng có sự khác biệt và bản chất khác nhau. Vì thế, luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo Nam.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/ban-tin-113/cuu-dai-su-vu-hong-nam-toi-nhan-loi-nhan-sai-i700878/