Cựu Đại tá Biên phòng bảo kê đường dây buôn lậu xăng dầu lĩnh án chung thân
Bị cáo Nguyễn Thế Anh nhận án tù chung thân do giúp sức tích cực, nhận hối lộ 6,2 tỷ đồng và 560 nghìn USD từ Phan Thanh Hữu - 'ông trùm' đường dây xăng lậu.
Ngày 15/7, Tòa án quân sự Quân khu 7 tuyên án với 14 bị cáo trong vụ án buôn lậu gần 200 triệu lít xăng giả, liên quan 9 cán bộ biên phòng, cảnh sát biển.
HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thế Anh (cựu Đại tá, cựu Phó chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang) mức án chung thân về hai tội danh "Nhận hối lộ" và "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài". Đây là mức án cao nhất được đưa ra trong phiên tòa này.
Trong 4 ngày xét xử vụ án, người duy nhất từ đầu đến cuối kêu oan là bị cáo Thế Anh. Cựu Đại tá Biên phòng liên tục khẳng định không quen biết hay nhận tiền, cũng không "bảo kê" buôn lậu xăng dầu như cáo trạng quy kết. Nguyễn Thế Anh nói "bị cán bộ điều tra ép viết bản khai", "chứng cứ thu thập trái pháp luật", song không có bằng chứng về việc này.
Trong phiên tòa sáng nay, khi bào chữa cho thân chủ của mình, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội) cho hay, trong giai đoạn từ tháng 10/2019 - 1/2021, các vị trí, chức vụ của Nguyễn Thế Anh không có chức năng, nhiệm vụ chống tội phạm, không liên quan hoạt động buôn lậu xăng dầu của Phan Thanh Hữu (Giám đốc Công ty TNHH thương mại Phan Lê Hoàng Anh).
Luật sư Cường cho rằng, cáo trạng cáo buộc bị cáo Nguyễn Thế Anh có chức vụ trong phòng chống tội phạm, trong đó có tội phạm buôn lậu nhưng không thực hiện để cho Phan Thanh Hữu thực hiện hành vi buôn lậu, là không có căn cứ.
Vị luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thế Anh cho rằng, nếu chỉ thông qua lời khai của Hữu và Nguyễn Văn An (33 tuổi, trú TP.HCM, em họ Nguyễn Thế Anh) thì sẽ không khách quan.
"Tôi đề nghị tòa trả hồ sơ vụ án để điều tra làm rõ Phan Thanh Hữu có đưa tiền cho cho bị cáo Nguyễn Văn An hay không? Nếu có đưa thì đưa bao nhiêu và mục đích gì? Nguyễn Văn An có đưa tiền lại cho cựu Đại tá Nguyễn Thế Anh hay không? Ngoài ra, giữa Nguyễn Thế Anh và Phan Thanh Hữu có thỏa thuận gì không. Tất cả đều là mấy chốt để buộc tội bị cáo Nguyễn Thế Anh", luật sư Cường nói.
Theo ông Cường, khi làm việc với luật sư, ông Nguyễn Thế Anh đều khẳng định bản thân không nhận tiền từ Phan Thanh Hữu. Cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang nhiều lần khẳng định: "Nếu tôi làm thế cứ bắn tôi đi".
Đối đáp với lời bào chữa, đại diện Viện kiểm sát Quân sự Bộ đội Biên phòng giữ quyền thực hành công tố tại tòa khẳng định, trong vụ án này việc khởi tố, điều tra, thu thập chứng cứ là hoàn toàn khách quan. Bởi lẽ, không có cán bộ tiến hành tố tụng nào có thể mớm cung, ép buộc những người thân thiết, những người đồng chí khai báo về nhau, không có cán bộ tố tụng nào muốn làm xấu đi hình ảnh của đồng chí, đồng đội của mình, nhất là trong vụ án này có những sĩ quan cao cấp trong quân đội.
"Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, xảy ra ở nhiều tỉnh thành, trong và ngoài quân đội, người có liên quan là rất lớn. Trong bối cảnh tác động dịch COVID-19 hoành hành, lực lượng tham gia tố tụng lớn trong và ngoài quân đội, quá trình giải quyết có sự bàn bạc, bàn giao số lượng hồ sơ rất lớn. Hoạt động điều tra phải được tiến hành đầy đủ, toàn diện mới đi đến kết luận của vụ án. Vụ án có hơn 5.000 bút lục, do đó, các luật sư cần nghiên cứu kỹ", đại diện Viện kiểm sát khẳng định.
Đại diện Viện kiểm sát nhấn mạnh các bản hỏi cung của bị cáo Nguyễn Thế Anh do Cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai chủ trì, có sự tham gia của đại diện cơ quan điều tra Bộ Quốc phòng, khi thực hiện xong có cho bị cáo xem và ký xác nhận, điều này hoàn toàn khách quan.
"Bị cáo Nguyễn Thế Anh trải qua thời gian dài trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và đã có nhiều thành tích, thử hỏi ai có thể mớm cung, ép cung bị cáo?", kiểm sát viên nhấn mạnh.
Về vấn đề các luật sư cho rằng không có chứng cứ vật chất chứng minh cho hành vi nhận hối lộ của các bị cáo, đại diện Viện kiểm sát khẳng định, ngoài lời khai của các bị cáo, người làm chứng... còn có nhiều tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án.
Trong đó, cơ quan tố tụng đã tiến hành thu thập dữ liệu viễn thông thể hiện lịch sử cuộc gọi, địa điểm cuộc gọi, hoàn toàn trùng khớp với hành vi phạm tội của bị cáo.
Về chức năng, nhiệm vụ của bị cáo Nguyễn Thế Anh, vị đại diện Viện kiểm sát khẳng định, có chức năng trong việc phòng chống buôn lậu nói chung, buôn lậu xăng dầu nói riêng.
Theo bản luận tội của Viện kiểm sát, đầu năm 2020, ông trùm xăng lậu Phan Thanh Hữu đặt vấn đề và được bị cáo Nguyễn Thế Anh đồng ý. Sau đó, Thế Anh yêu cầu Hữu phải chi cho cấp trên và một số lực lượng khác với tổng số tiền mỗi tháng là 60.000 USD và 950 triệu đồng. Từ tháng 3 đến tháng 8/2020, Hữu chi cho ông Nguyễn Thế Anh 360.000 USD và 5,7 tỷ đồng.
Sau khi Nguyễn Thế Anh làm Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, ông Hữu tiếp tục chi cho Thế Anh 50.000 USD. Tổng số tiền mà bị cáo Nguyễn Thế Anh nhận hối lộ được xác định là 6,2 tỷ đồng và 560 nghìn USD.
Ngoài ra, sau khi Hữu bị bắt, để che giấu hành vi phạm tội, Nguyễn Thế Anh đã gợi ý, đưa tiền cho đồng phạm là Nguyễn Văn An (em họ Nguyễn Thế Anh) trốn sang Lào. Hành vi này đủ yếu tố cấu thành tội "Tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài trái phép".
Mức án đối với 13 bị cáo còn lại:
Về tội buôn lậu
Bị cáo Phùng Danh Thoại (cựu Đại tá, cựu Trưởng phòng xăng dầu, Cục Hậu cần, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển) 7 năm tù.
Về tội nhận hối lộ
Bị cáo Lê Văn Minh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4) 15 năm tù.
Bị cáo Lê Xuân Thanh (cựu Thiếu tướng, cựu Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) 12 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hùng (cựu Thượng tá, cựu Đồn trưởng Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh) 16 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn An (trú quận Tân Phú, TP.HCM) 15 năm tù.
Bị cáo Phan Thị Xuân (trú tại phường Rạch Dừa, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) 2 năm 6 tháng tù, cho hưởng án treo.
Bị cáo Nguyễn Thanh Lâm (cựu Trung tá, cựu Hải đội trưởng Hải độ 2 - Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Sóc Trăng) 11 năm tù.
Bị cáo Phạm Văn Trên (cựu Đại tá, cựu Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh) 10 năm tù.
Bị cáo Sơn Hoàng Ngự (cựu Thượng úy, cựu nhân viên Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, Bộ đội biên phòng tỉnh Trà Vinh) 4 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Lưu Thế Đức (cựu Thiếu tá, cựu Phó đoàn trưởng Đoàn trinh sát số 2, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển) 4 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Lê Văn Phương (cựu Thượng tá, cựu Phó trưởng Phòng cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Trà Vinh) 3 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Phạm Hồ Hải (cựu Trưởng đại diện Cảng vụ hàng hải Cần Thơ tại Duyên Hải, Trà Vinh) 3 năm 6 tháng tù.
Về tội không tố giác tội phạm
Bị cáo Cao Phước Hoài (SN 1996, trú tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) 6 tháng 21 ngày tù.