Cựu đại tá Phùng Anh Lê bác cáo buộc nhận hối lộ 110 triệu đồng
Cựu Trưởng công an quận Tây Hồ khai ông ta không nhận tiền của người nhà nghi phạm vụ cướp thông qua chú họ là Phùng Văn Bảy.
Chiều 12/8, cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội, Phùng Anh Lê được dẫn giải từ buồng cách ly đến phòng xử án của TAND Hà Nội để trả lời thẩm vấn trước cáo buộc nhận tiền hối lộ, chỉ đạo thả nghi phạm cướp tài sản.
"Không có chuyện tôi nhận 110 triệu đồng", cựu đại tá Phùng Anh Lê khai trước tòa khi nói về cáo buộc của VKSND Tối cao rằng bị cáo đã nhận số tiền này của người nhà nghi phạm thông qua chú họ ông Lê là Phùng Văn Bảy.
Vì sao ông Lê bác cáo trạng?
Bị cáo nói ngày 22/9/2016, ông ta không còn nhớ ông Bảy có gọi điện cho mình hay không. Song, ông Lê quả quyết bản thân không nhận bất kỳ khoản tiền hay tài sản nào từ người chú họ. Ông Bảy cũng không nhờ bị cáo xem xét cho bất kỳ người bị tạm giữ nào tại Công an quận Tây Hồ.
Theo ông Lê, đêm 22/9/2016 (thời điểm bị cáo đang là Trưởng công an quận Tây Hồ và là thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra của đơn vị này), ông không còn nhớ ai là người trực chỉ huy tại công an quận, cũng không nhớ mình có mặt tại nơi làm việc hay không.
"Ngày 23/9, tôi cũng không được báo cáo về đối tượng tạm giữ nào, chỉ nhớ ngày 22/9, tôi có ký quyết định tạm giữ một đối tượng tên Lợi, bị bắt theo lệnh truy nã", ông Lê trình bày và cho rằng bản thân không chỉ đạo cấp dưới thả người bị tạm giữ như cáo buộc của VKS.
Trước lời phủ nhận cáo trạng của ông Lê, chủ tọa Trần Nam Hà cho biết tại phiên xét hỏi sáng nay, các bị cáo từng là thuộc cấp và cán bộ Công an Tây Hồ đều khai tối 22/9, họ tiếp nhận Nguyễn Hữu Tài rồi tạm giữ. Sau đó, ông Lê gọi điện cho cựu Đội trưởng Hình sự Nguyễn Đức Châu, yêu cầu mang hồ sơ vụ việc Nguyễn Hữu Tài đến để xem. Đến khuya 22/9, ông Lê đã chỉ đạo Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó Hình sự) và Nguyễn Đức Châu đến nhà tạm giữ, đưa Tài ra để thả về.
"Các bị cáo khác còn khai bị cáo đã chỉ đạo Lê Đình Trung qua điện thoại về việc giao Tài cho đội hình sự?”, chủ tọa chất vấn. Tuy nhiên, ông Phùng Anh Lê quả quyết "không có chuyện đó".
"Không có thì tại sao thuộc cấp lại khai như vậy?", chủ tọa tiếp tục đặt câu hỏi. Đáp lời, ông Phùng Anh Lê cho rằng trong những người có quyền và nghĩa vụ được tòa triệu tập, 2 người từng có mâu thuẫn với bị cáo. Theo ông Lê, một người là phó trưởng công an quận Tây Hồ, người còn lại là bị cáo Lê Đình Trung (cựu Đội phó thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp).
Cựu đại tá Phùng Anh Lê còn cho rằng trong vụ án này, Công an quận Tây Hồ đã giấu hồ sơ vụ việc liên quan Nguyễn Hữu Tài.
“Tôi không đồng tình với cáo trạng vì cáo trạng chỉ một chiều”, bị cáo nêu quan điểm và cho rằng không có vụ thả người trái pháp luật nào ở Công an Tây Hồ. Ngoài ra, ông Lê cho rằng không có quyết định tạm giữ 24/7 nào đối với Nguyễn Hữu Tài, mà chỉ có quyết định tạm giữ người tên Lợi do ông ta ký.
Trong những lời khai trước tòa, ông Lê nói VKS cáo buộc khuya 22/9/2016, khi Vũ Công Ngọc gọi điện thoại cho ông Lê rồi bật loa ngoài, bị cáo đã chỉ đạo Lê Đình Trung giao Tài cho đội hình sự. Tuy nhiên, quá trình điều tra, bị cáo nhiều lần đề nghị rút list điện thoại để xác minh cuộc gọi này, nhưng cơ quan điều tra không thực hiện.
Bên cạnh đó, khi đối chất, Lê Đình Trung nói ông Lê chỉ đạo qua điện thoại trong khoảng 10-15 giây. Nhưng khi đối chất với Vũ Công Ngọc, người này lại nói gọi điện thoại chừng 3-4 phút.
"Tôi cho rằng Ngọc khai không trung thực. Có lúc Ngọc khai tôi chỉ đạo lấy hồ sơ rồi hủy đi, có lúc lại khai khác. Những gì tôi khai trước tòa đều là sự thật", ông Lê trình bày.
Cho rằng cơ quan tố tụng có sai phạm về tố tụng, cựu đại tá Phùng Anh Lê đề nghị tòa sơ thẩm đình chỉ xét xử, đình chỉ vụ án và trả tự do cho Nguyễn Đức Châu. Bị cáo Lê cũng đề nghị HĐXX đình chỉ tư cách bị cáo đối với Trung, Ngọc. Theo ông Lê, Công an Tây Hồ không có lệnh tạm giữ Nguyễn Hữu Tài, nên các bị cáo không thể thả người trái pháp luật.
Bị cáo đối chất gì với nhân chứng?
Về cáo buộc đã cùng vợ đến nhà anh Phùng Văn Bảy để đề nghị người này viết thư xin lỗi ông Lê vì đã khai đưa cho ông Lê 110 triệu đồng, cựu Trưởng công an quận Tây Hồ cho rằng tối một ngày đầu tuần tháng 3/2021, có người đã mang thư đến nhà ông Lê. Bị cáo không biết ông Bảy viết lá thư này ở đâu.
Đối chất với ông Lê, ông Phùng Văn Bảy giữ nguyên lời khai. Người này còn cho biết thư được anh ta viết tại khu nhà vườn của ông Lê ở Hà Nội. Sau khi viết xong, anh Bảy đã đưa lá thư cho vợ của ông Lê.
Tuy nhiên, bị cáo tiếp tục cho rằng những lời khai của người làm chứng là không chính xác.
"Hôm nay với tư cách của người từng là Thủ trưởng CQĐT quận và Phó thủ trưởng CQĐT thành phố, tôi nói lên tâm tư của mình, chúng ta phải chứng minh bằng chứng cứ, không thể bằng lời khai mà kết tội. Tôi hoàn toàn phản bác cáo trạng", ông Phùng Anh Lê giãi bày.
Theo cáo trạng, tháng 9/2016, Nguyễn Hữu Tài và đồng phạm gây ra vụ cướp tài sản ở phường Yên Phụ. Khi ra đầu thú, Tài bị Công an Tây Hồ tạm giữ 4 ngày. Sau đó, người thân của Tài đã nhờ ông Phùng Văn Bảy (chú họ của ông Lê) giúp đỡ. Nghe ông Bảy đặt vấn đề, bị cáo Lê đồng ý cho Tài ra về với điều kiện gia đình tên cướp phải đưa 110 triệu đồng.
Tối 22/9/2016, sau khi nhận tiền từ ông Bảy, bị can Lê chỉ đạo Nguyễn Đức Châu, Lê Đình Trung giao Tài cho Vũ Công Ngọc. Một ngày sau đó, Tài được thả về.
VKSND Tối cao cho rằng trong vụ án này, ông Lê giữ vai trò chính, là chủ mưu, có động cơ vụ lợi và lợi dụng chức vụ quyền hạn khi phạm tội. Quá trình điều tra, bị can Lê được cho là không thành khẩn khai báo, ngoan cố chối tội, đổ lỗi cho cấp dưới.