Cựu đại tá Phùng Anh Lê đưa ra đề nghị bất ngờ tại tòa
Tại tòa, bị cáo Phùng Anh Lê có ý kiến đề nghị thay đổi kiểm sát viên Nguyễn Ánh Dương. Theo bị cáo, quá trình điều tra, khi lấy lời khai, bị cáo từng nói với kiểm sát viên Dương rằng việc khởi tố bị cáo là không đúng.
Sáng nay (12/8), TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Phùng Anh Lê (cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ, Hà Nội) ra xét xử tội Nhận hối lộ.
Liên quan đến vụ án, bị cáo Nguyễn Đức Châu (cựu Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự), Vũ Công Ngọc (cựu Đội phó Đội Cảnh sát hình sự) và Lê Đình Trung (cựu Đội phó Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) cũng bị đưa ra xét xử về tội Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.
Tại tòa, bị cáo Phùng Anh Lê có ý kiến đề nghị thay đổi kiểm sát viên Nguyễn Ánh Dương. Theo bị cáo, quá trình điều tra, khi lấy lời khai, bị cáo từng nói với kiểm sát viên Dương rằng việc khởi tố bị cáo là không đúng.
Ông Lê trình bày: “Tôi nói với anh Dương, các anh khởi tố tôi bằng niềm tin à? Chứng cứ không có. Anh Dương đáp: Chỉ cần niềm tin là đủ...”.
Theo bị cáo Phùng Anh Lê, kiểm sát viên Dương còn mớm cung ông Phùng Văn Bảy (người bị xác định đã đưa tiền hối lộ cho cựu Trưởng Công an quận Tây Hồ- PV) và dọa bị cáo. Vì vậy, sự có mặt của kiểm sát viên Dương trong quá trình xét xử sẽ làm mất tính khách quan.
Trước đề nghị trên của bị cáo Phùng Anh Lê, kiểm sát viên Nguyễn Ánh Dương khẳng định việc kiểm sát viên thực hành quyền công tố tại tòa là theo phân công của VKSND Tối cao. Kiểm sát viên đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình một cách công minh, khách quan.
Lý do bị cáo yêu cầu thay đổi kiểm sát viên chỉ là đánh giá chủ quan của bị cáo. Kiểm sát viên Dương đề nghị HĐXX xem xét nguyện vọng, đề nghị của bị cáo.
Sau khi hội ý, đối với đề nghị của bị cáo Lê, HĐXX cho rằng, bị cáo Phùng Anh Lê đã có nhiều đơn xin thay đổi kiểm sát viên, Vụ 6, VKSND Tối cao đã có công văn trả lời.
Cho rằng những lý do bị cáo Lê đưa ra để yêu cầu thay đổi kiểm sát viên là không xác đáng nên HĐXX không chấp nhận yêu cầu này.
Thẩm phán Trần Nam Hà, Chủ tọa phiên tòa cho biết, ông Phùng Văn Bảy và chị Nguyễn Thu Hiền được triệu tập đến tòa với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, đồng thời là người làm chứng.
Theo luật sư của bị cáo Phùng Anh Lê, nếu xác định ông Bảy và chị Hiền tham gia phiên tòa với cùng lúc hai tư cách, ở đây sẽ có sự mâu thuẫn về quyền lợi, không đảm bảo tính khách quan của lời khai. Luật sư đề nghị xem xét lại tư cách tham gia phiên tòa của hai người này.
Vẫn theo luật sư, phiên tòa vắng mặt một số người liên quan và người làm chứng sẽ không đảm bảo việc thẩm vấn đề tìm ra bản chất khách quan của vụ án.
Luật sư đề nghị hoãn tòa để triệu tập đầy đủ nhân chứng và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.
Trước yêu cầu này của luật sư, thẩm phán Trần Nam Hà cho hay, một số người liên quan và người làm chứng có đơn xin vắng mặt, một số người vắng mặt không có lý do. Phiên tòa kéo dài nhiều ngày, nếu cần thiết, HĐXX sẽ cho áp giải những người này đến tòa.
Theo cáo trạng, ông Bảy, chị Hiền có có dấu hiệu của tội Đưa hối lộ và Môi giới hối lộ. Tuy nhiên, kết quả điều tra xác định, hai người này không biết và không đề nghị người có thẩm quyền phải thực hiện việc làm trái pháp luật.
Mặt khác, khi Công an Hà Nội phát hiện vụ việc tha người trái pháp luật, triệu tập lấy lời khai, họ đã thành khẩn, chủ động tự khai ra nội dung đưa tiền cho ông Phùng Anh Lê để tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam.
Quá trình điều tra, những người này đã tích cực phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng làm rõ bản chất vụ án... nên việc không xem xét xử lý hình sự họ là có căn cứ.