Cứu dân là mệnh lệnh trái tim
Rạng sáng 17-10, sau trận mưa lớn kéo dài suốt nhiều giờ, hàng trăm ngôi nhà dọc bờ kênh Đa Cô (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) lại tiếp tục chìm trong biển nước. Bất chấp hiểm nguy, lực lượng cứu hộ của Lữ đoàn 74 (Tổng cục II), Tiểu đoàn Đặc công 409 (Bộ Tham mưu Quân khu 5) và bộ đội, dân quân địa phương đã dũng cảm cứu dân và sơ tán đến nơi tránh trú an toàn.
Cứu dân trên dòng kênh Đa Cô
Sáng 17-10 trời mưa xối xả, nhiều khu vực trên tuyến đường Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt, Phạm Như Xương (phường Hòa Khánh Nam) ngập sâu trong nước, khiến các phương tiện không thể lưu thông. Cùng các lực lượng cứu hộ đi sâu vào những con hẻm dẫn đến các điểm dân cư nằm dọc bờ kênh Đa Cô, chúng tôi thấy rõ hơn về sự hung dữ, cuồng nộ của thiên nhiên. Tại hẻm 161 đường Mẹ Suốt, do địa hình trũng thấp, có đoạn nước lũ lên cao gần 2m, chảy ào ào như thác đổ. Bất chấp hiểm nguy, lực lượng cứu hộ dũng cảm lội giữa dòng nước xiết đưa được hàng trăm người dân (chủ yếu là phụ nữ, trẻ em, người già) đến nơi tránh trú an toàn.
Ngồi trên xuồng cứu hộ cùng cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Đặc công 409, bà Lê Thị Thơm (66 tuổi, trú tại hẻm 161 đường Mẹ Suốt) kể: “Gia đình tôi mới đi tránh lũ về tối qua. Sáng nay, do các con bận đi làm, nên một mình tôi ở nhà trông các cháu. Khoảng 7 giờ sáng, đang lúi húi sửa soạn trong nhà, tôi giật mình bởi tiếng gọi của đứa cháu: “Bà ơi, nước tràn vào nhà rồi.”. Ít phút sau, nước đã dâng cao lút cả đầu người, tôi chỉ kịp ôm tụi nhỏ leo lên gác lửng chờ ứng cứu. May có các chú bộ đội, dân quân bơi thuyền vào chở đi tránh trú, nếu không thì nguy”.
Hết chuyến nọ đến chuyến kia, suốt từ sáng đến trưa, những chiếc xuồng phao, xuồng nhựa, xuồng nhôm của lực lượng cứu hộ cứ liên tục ra vào những con hẻm nhỏ để cứu dân. Tại tổ 35, 37 Đà Sơn (Hòa Khánh Nam), do số lượng người dân mắc kẹt quá lớn, Trung tá Lê Quang Hiệp, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 409 lệnh cho các chiến sĩ chia thành nhiều tốp nhỏ, mỗi tốp từ 1 đến 2 xuồng, tích cực sơ tán bà con từ những nhà bị ngập nhiều sang nhà ngập ít, rồi lần lượt đưa họ ra vòng ngoài, để đẩy nhanh tiến độ cứu dân. Từ kinh nghiệm thực tế đúc rút được sau trận lũ lịch sử xảy ra trên địa bàn cuối năm 2022, bên dòng Đa Cô đục ngầu, chảy xiết, tổ cứu hộ do Trung sĩ Nguyễn Tấn Tính, Tiểu đội trưởng (Đại đội Đặc công nước) phụ trách đã cứu được gần 100 người dân.
Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Nguyễn Xuân Bé, Phó chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS quận Liên Chiểu cho biết: “Với khẩu hiệu “cứu dân là mệnh lệnh trái tim”, thế nên từ sáng đến trưa 17-10, lực lượng cứu hộ đã đưa được hàng nghìn người dân trong vùng ngập đến khu vực an toàn. Hiện nay, trên địa bàn phường Hòa Khánh Nam, ngoài các khu sơ tán, tránh lũ ở Tiểu đoàn Đặc công 409, Trung đoàn 971 (Bộ CHQS thành phố Đà Nẵng) đã chuẩn bị chu đáo nơi ăn, chốn ở phục vụ nhân dân...”.
Dũng cảm chữa cháy, cứu dân
Sau một đêm thức trắng bơm nước dọn nhà, kê đặt lại bàn ghế, đồ dùng sinh hoạt, khoảng 5 giờ sáng 17-10, vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Phượng (trú tại tổ 68 Đà Sơn, phường Hòa Khánh Nam) tranh thủ khóa cửa ngoài, khoác áo mưa chở nhau ra quán cà phê của gia đình cách đó hơn 2km kiểm tra tình hình thiệt hại do mưa lũ gây ra. Đang đun dở ấm nước, nghe hàng xóm điện thoại thông báo nhà mình bị chập điện đang bốc cháy ngùn ngụt, anh Phượng cố hét to át tiếng mưa rơi: “Con trai tôi vẫn đang ngủ trong nhà. Bà con ơi, cứu con tôi với!”, rồi chạy thẳng về nhà.
Tuy nhiên, lúc này các tuyến đường đều bị ngập sâu nên việc di chuyển rất khó khăn. Cuối cùng, vợ chồng anh đành bỏ chiếc xe máy ở ven đường, gắng sức bám hàng rào, cành cây vượt qua dòng nước xiết. Về đến đầu xóm, thấy cậu con trai vẫn bình an vô sự, còn đám cháy đã được bà con lối xóm và cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS, công an phường Hòa Khánh Nam dập tắt, vợ chồng anh Phượng thở phào nhẹ nhõm.
Trong căn nhà cháy loang lổ khói đen, bùn đất, anh Phượng nắm tay đồng chí Nguyễn Viết Ni, Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân thường trực, xúc động nói: “Nhà tôi nằm cạnh bờ kênh, nên mấy hôm vừa rồi bị ngập sâu gần 2m. Có lẽ do ngâm nước quá lâu nên hệ thống điện ở nhà bếp đã bị chập, gây cháy lan ra các phòng khác. Nếu không có các anh đến kịp thời, chắc nhà tôi cháy hết rồi”.
Qua lời kể của đồng chí Nguyễn Viết Ni, chúng tôi được biết: “Mặc lửa khói bốc cao nhưng khi có mặt tại hiện trường, lực lượng cứu hộ vừa tích cực múc nước dập lửa, sơ tán tài sản, đồ dùng sinh hoạt tránh cháy lan, vừa cố gắng leo lên gác lửng, kiểm tra kỹ khu vực phòng ngủ, nhà bếp, nhà vệ sinh phòng trường hợp có người mắc kẹt, ngạt khói ở bên trong. Do ngôi nhà nằm ở cuối hẻm nhỏ nên các phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp, cỡ lớn không thể tiếp cận được, nên lực lượng cứu hộ dùng xô, thùng, gầu chậu làm phương tiện chữa cháy”.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, trong những ngày tới, tình hình mưa lũ tại Đà Nẵng vẫn diễn biến phức tạp. Xác định tham gia phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai là “nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”, cán bộ, chiến sĩ bộ đội, dân quân thuộc LLVT Quân khu 5 và các cơ quan, đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn vẫn đang sẵn sàng cơ động lực lượng, phương tiện ứng cứu, hỗ trợ, bảo vệ nhân dân.
Bài và ảnh: VIỆT HÙNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/nuoi-duong-van-hoa-bo-doi-cu-ho/cuu-dan-la-menh-lenh-trai-tim-747507