Cứu dân ngại chi gian khổ

'Tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn là nhiệm vụ thường xuyên của chúng tôi. Lúc dân cầu cứu, cần sự giúp đỡ của BĐBP, thường là những lúc sóng to, gió lớn, hiểm nguy cận kề, nhưng là người lính, dù nguy hiểm, gian khổ đến đâu, chúng tôi cũng chỉ có một ý chí là tiến lên. Tôi chưa khi nào cảm thấy phải 'cân nhắc' hay 'đắn đo' khi đi cứu dân'. Lời chia sẻ của Đại úy Hoàng Hải Quân, Phó Thuyền trưởng Hải đội 2, BĐBP Thừa Thiên Huế sau nhiều lần cứu dân thành công cho chúng tôi thấy phần nào tình cảm, trách nhiệm và tâm huyết của những người lính Biên phòng khi thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn trên biển.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô phối hợp với người dân cứu kéo tàu của ngư dân gặp nạn trên đầm Lăng Cô. Ảnh: Thế Anh

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô phối hợp với người dân cứu kéo tàu của ngư dân gặp nạn trên đầm Lăng Cô. Ảnh: Thế Anh

Cứu dân như cứu mình

Chúng tôi tìm tới nhà ông Lê Thành bên bờ đầm Lăng Cô, thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế trong cơn mưa đầu hè xối xả những ngày cuối tháng 5. Đứng trước cửa nhà, chúng tôi có thể nhìn thấy ông đang miệt mài thả lưới trên đầm nhưng không tài nào gọi được ông vào bờ, bởi ông không mang theo điện thoại hay bất cứ thiết bị liên lạc nào.

Thiếu tá Nguyễn Văn Tình, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Lăng Cô bảo rằng: “Vấn đề liên lạc chính là một trong những nguyên nhân khiến những tình huống cứu hộ, cứu nạn trở nên phức tạp hơn. Phần lớn ngư dân vùng này đánh bắt nhỏ lẻ, gần bờ, phương tiện thô sơ, không có trang bị bộ đàm hay thiết bị định vị. Trong nhiều tình huống, từ lúc nhận được thông tin, xác minh thông tin, đến khi triển khai lực lượng ra vị trí cứu hộ thì thuyền bị nạn đã bị đẩy ra rất xa so với vị trí ban đầu”.

Đầm Lăng Cô tuy không lớn, nhưng lại rất nguy hiểm vì là nơi cửa cạn, nhiều ghềnh đá, gồ cát, sóng to. Chiếc thuyền đánh cá trị giá cả trăm triệu đồng của gia đình ông Thành vừa gặp nạn ngay tại vùng đầm này trong một khoảnh khắc hết sức bất ngờ. Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Hưng, con trai ông Thành vẫn nhớ như in giây phút gặp nạn.

“Hai cha con tôi đang thả lưới thì trời nổi mưa dông. Chỉ trong vài phút, gió quất tới làm lật thuyền. Tôi và ba nhảy khỏi thuyền thoát thân. Tôi vừa bơi vào bờ, vừa gào khóc: “Cha ơi! Rứa là mất hết rồi”. Thông tin thuyền ông Thành bị lật lập tức đến với các chiến sĩ Đồn Biên phòng Lăng Cô. “Đơn vị bắt đầu ăn cơm trưa thì nhận được tin cầu cứu từ người dân. Chúng tôi vội buông bát đũa, đi tới địa điểm tàu bị nạn. Mọi việc đều phải rất khẩn trương, bởi nếu không kéo tàu ngay thì chỉ trong một thời gian ngắn, tàu sẽ bị sóng đập vỡ và kéo ra xa” – Thiếu tá Tình kể.

Nước chảy xiết, sóng lớn, 30 cán bộ, chiến sĩ Đồn Lăng Cô phải huy động thêm người dân tiếp cận phương tiện bị nạn, buộc dây, vật lộn với sóng biển gần 3 giờ đồng hồ mới kéo được thuyền của ông Thành vào bờ an toàn. Cha con ông Thành từ đó luôn coi những người lính Biên phòng là ân nhân của gia đình.

Không chùn bước trước khó khăn, hiểm nguy

Trong số các đơn vị BĐBP Thừa Thiên Huế, Hải đội 2 được coi là đơn vị giàu thành tích nhất trong công tác tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Tại Hải đội 2, Đại úy Hoàng Hải Quân có hơn 10 năm công tác và trực tiếp tham gia nhiều vụ cứu hộ, cứu nạn trong những điều kiện thời tiết khác nhau. Anh Quân bảo, khi ra biển, ngư dân phải đối mặt với nhiều nguy cơ như mưa bão, gió lốc hay phương tiện hỏng bất thường, nhưng nguy hiểm nhất vẫn là bị bệnh.

Những lúc đó, không thể chậm trễ dù là một phút như vụ cứu ngư dân Phan Cu Anh, xã Phú Thuận, thị trấn Thuận An, tháng 5-2018. Khi đó, ngư dân này đang câu mực, cách cửa Thuận An gần 60 hải lý thì bị đau bụng, nôn ra máu nhiều lần. Nhận được lệnh của cấp trên, anh Quân điều kiển xuồng tuần tra cao tốc đưa bác sĩ của Trung tâm Y tế huyện Phú Vang khẩn trương ra cấp cứu nạn nhân ngay trên biển. Các bác sĩ cho biết, chỉ chậm 5 phút thôi là tính mạng anh Phan Cu Anh khó giữ được.

Trong ngôi nhà nhỏ ven biển Thuận An, ngư dân Anh đón chúng tôi với nụ cười rạng rỡ. Nắm chặt tay những người lính Biên phòng là ân nhân cứu mạng của mình, anh nói: “Không có các anh, tôi bỏ mạng trên biển rồi”. Nhớ lại giây phút tưởng như không thể sống sót, anh vẫn còn xúc động: “Hôm đó, tôi đang xúc cá bỗng thấy rất mệt, ói ra máu 4-5 lần. Tôi cứ thế lịm đi, đến lúc mở được mắt ra thì thấy mấy bóng áo xanh. Đi ngoài biển chẳng may đau ốm mà gặp mấy anh Biên phòng là chúng tôi mừng lắm, nghĩa là được cứu rồi”.

Sau lần được cứu sống, ngư dân Phan Cu Anh luôn coi Đại úy Hoàng Hải Quân (bên trái) và những người lính Biên phòng như người thân. Ảnh: Bích Nguyên

Sau lần được cứu sống, ngư dân Phan Cu Anh luôn coi Đại úy Hoàng Hải Quân (bên trái) và những người lính Biên phòng như người thân. Ảnh: Bích Nguyên

Quả đúng như lời anh Anh nói, trên biển, không may mắc bệnh nặng mà không được BĐBP cứu giúp thì cầm chắc chín phần chết. Bởi thế mà ông Trần Cơ, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc không khi nào quên ơn cứu mạng của BĐBP. Trong lúc làm việc trên biển hồi giữa tháng 7-2018, cách đất liền khoảng 75 hải lý, ông Cơ bị đau đầu dữ dội, chân tay tê bì, lưỡi cứng – biểu hiện của bệnh nhồi máu não. Nhận được tin báo, 9 cán bộ Hải đội 2 đã lập tức lên đường phối hợp với Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn Hàng hải khu vực II tổ chức cứu nạn. Sau 3 giờ vật lộn với sóng dữ, kíp tàu đã đưa được ông Cơ vào Bệnh viện Đà Nẵng cấp cứu an toàn.

Những ca cứu nạn như trên đã trở thành việc làm thường xuyên của BĐBP Thừa Thiên Huế, không kể thời gian cũng như thời tiết. Lúc dân cần cứu, thường là những lúc sóng to, gió lớn hoặc khi đêm khuya, khi tiếp cận tàu bị nạn, triển khai các biện pháp cứu hộ, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Người bình thường có thể chùn bước trước khó khăn, hiểm nguy, nhưng những người lính Biên phòng thì không. Người dân đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, không còn thời gian cho những người lính đắn đo, suy tính, chần chừ.

“Chúng tôi cũng chỉ có một mục tiêu duy nhất là vượt qua khó khăn, tới chỗ người dân bị nạn nhanh nhất có thể để ứng cứu” - Anh Quân chia sẻ.

Một mùa mưa bão lại sắp đến gần, chúng tôi tin tưởng, với quyết tâm cao nhất, vì sự an toàn tính mạng, tài sản của người dân, cán bộ, chiến sĩ BĐBP Thừa Thiên Huế sẽ luôn là "điểm tựa" vững chắc, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

“Chúng tôi đã xây dựng đầy đủ các kế hoạch ứng phó với mùa mưa bão năm 2019. Ngoài việc tuyên truyền cho nhân dân nắm chắc các hình thái thiên tai và biện pháp phòng chống, chúng tôi còn tăng cường luyện tập các phương án cứu hộ, cứu nạn. Chúng tôi cũng chỉ đạo các đơn vị thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” nhằm đảm bảo ứng phó kịp thời với các tình huống, thực hiện cứu nạn đạt kết quả tốt nhất” - Đại tá Nguyễn Xuân Hòa, Phó Chỉ huy, Tham mưu trưởng BĐBP Thừa Thiên Huế cho biết.

Nguyễn Bích

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuu-dan-ngai-chi-gian-kho/