Cựu điều tra viên: Chưa thể khẳng định bé trai đã bị thiêu
Luật sư cho rằng có 2 vấn đề mấu chốt cần làm rõ. Đó là cháu bé đã tử vong hay chưa, và hũ tro cốt có phải của bé trai hay không.
Đầu tháng 3, vợ chồng ông N.H.N. (ở Thừa Thiên - Huế) giao con trai là bé M.Q. (SN 2019, có biểu hiện tự kỷ, chậm phát triển) cho ông Q. ở TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, để điều trị với chi phí là 200 triệu đồng/tháng. Đến ngày 27/3, ông Q. thông báo rằng cháu M.Q. đã tử vong do mắc Covid-19, đồng thời giao hũ tro cốt bé trai cho gia đình.
Một ngày sau, ông N. gửi đơn tố giác tội phạm lên cơ quan công an nhưng đến ngày 9/4, người này lại rút lại yêu cầu. Tới ngày 3/8, ông N. gửi lại đơn tố giác tới Công an tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu tiếp tục xác minh làm rõ sự việc.
Từng là điều tra viên, luật sư Hoàng Văn Doãn (Đoàn Luật sư Hà Nội) đưa ra những góc nhìn pháp lý liên quan vụ việc này.
Hai vấn đề cần làm rõ
Từ thông tin hiện có, ông Doãn đánh giá đây là vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp tới tính mạng con người cũng như làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh trật tự xã hội. Cơ quan công an cần xác minh, thu thập chứng cứ, đưa ra các quyết định tố tụng một cách cẩn trọng nhằm làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý trong vụ việc, xử lý đúng người, đúng tội trong trường hợp phát hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Nhìn nhận sự việc, luật sư cho rằng có 2 vấn đề pháp lý cần làm sáng tỏ như sau:
Thứ nhất, cần xác định chính xác bé trai đã tử vong hay chưa. Theo lời khai của ông Q., sau khi cháu M.Q. tử vong vì Covid-19, người này đã tự ý hỏa táng rồi giao tro cốt cho gia đình. Luật sư đánh giá đây mới chỉ là lời khai từ một phía, chưa thể là căn cứ khẳng định việc này.
"Theo quy định, dưới góc độ pháp lý, một người chỉ có thể được coi là đã chết nếu có giấy chứng tử của chính quyền địa phương. Trong khi, ngoài lời khai của ông Q. về việc bé trai đã chết, chưa có bất cứ cá nhân, tổ chức nào khác xác nhận thông tin này. Bản thân lời khai của ông Q. về địa điểm hỏa táng bé trai cũng đang bất nhất nên chưa thể coi đây là căn cứ xác định cháu M.Q. đã tử vong", ông Doãn bình luận.
Do đó, luật sư cho rằng cơ quan điều tra cần cẩn trọng xác minh, tiếp tục lấy lời khai người đàn ông nhận điều trị cho cháu bé cũng như các cá nhân liên quan, đồng thời vạch ra nhiều phương hướng khác nhau để xác minh vụ việc.
Đặt ra các giả thuyết, bên cạnh việc cháu bé đã chết, ông Doãn không loại trừ khả năng M.Q. là nạn nhân của hoạt động mua bán người hoặc bé trai này mất tích không rõ nguyên nhân. Sẽ vội vàng nếu tin ngay lời khai của ông Q. Việc này sẽ dẫn tới thiếu sót trong quá trình xác minh vụ việc.
Thứ hai, cần làm rõ hũ tro cốt có phải của cháu M.Q. hay không. Luật sư Doãn cho rằng chưa có căn cứ xác định bé trai tử vong hay chưa nên hũ tro cốt được ông Q. giao cho gia đình chưa phải căn cứ chứng minh cho lời khai của người đàn ông này.
Luật sư cho rằng việc giám định ADN của bộ tro cốt và người thân cháu bé để đối chiếu là hoạt động cần phải làm nhằm xác định chính xác thông tin hiện có, làm tròn hồ sơ vụ việc và tránh những thiếu sót không đáng có.
Bình luận về yếu tố hình sự trong vụ việc, ông Doãn cho rằng còn quá sớm để xác định các tội danh có thể áp dụng. Trước mắt cần làm sáng tỏ những vấn đề đã nêu trước khi đề cập tới việc áp dụng các biện pháp tố tụng.
Có thể xác minh mà không cần yêu cầu từ phía bị hại
Bình luận về các động thái của cơ quan điều tra trong vụ việc này, luật sư Doãn cho rằng công an đã làm đúng trách nhiệm, đúng quy định về xác minh tin báo về tội phạm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Theo đó, do cơ quan công an chưa ra quyết định khởi tố vụ án hình sự nên vụ việc chưa bước vào giai đoạn điều tra, mới trong giai đoạn xác minh tố giác, tin báo về tội phạm. Từng tham gia hoạt động điều tra, ông Doãn đánh giá đây là vụ việc có tính chất phức tạp, quá trình xác minh tố giác có thể mất nhiều thời gian.
Trích dẫn Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, luật sư cho biết thời hạn tối đa xác minh tố giác về tội phạm là 2 tháng. Trường hợp đã trưng cầu giám định, yêu cầu cung cấp tài liệu quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả, cơ quan điều tra có thể tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, căn cứ quy định tại Điều 148 Bộ luật này.
"Đây là vụ việc có tính chất nghiêm trọng, cơ quan điều tra có quyền tiến hành xác minh tin báo tố giác về tội phạm mà không cần tới yêu cầu từ phía gia đình bé Q. Chi tiết bố bé rút lại yêu cầu tố giác sau 1 tháng không ảnh hưởng tới quá trình xác minh của công an. Việc cơ quan điều tra tạm đình chỉ xác minh tin báo là để chờ kết quả giám định hoặc các tài liệu quan trọng liên quan tới vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015", ông Doãn phân tích.
Khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm không còn, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định phục hồi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Thời hạn tối đa giải quyết các nội dung này 1 tháng kể từ ngày ra quyết định phục hồi.