Cựu du học sinh Mỹ: 'Du học xong về nước ngay là quá uổng phí'

Cựu du học sinh Mỹ cho rằng phụ huynh Việt Nam hiện nay đầu tư cho con em mình tiền tỷ để đi du học, nếu về nước ngay sau khi tốt nghiệp sẽ rất uổng phí.

Tại hội thảo “Hành trình apply và thành công trên đất Mỹ” diễn ra mới đây ở Hà Nội, anh Dương Văn Linh, người từng đỗ các công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, chuyên gia tư vấn nghề nghiệp tại Mỹ cho hay hiện nay, phụ huynh Việt đầu tư cho con cái chi phí khá lớn để đi du học, khoảng 200.000-400.000 USD (5-10 tỷ đồng). Do đó, việc du học sinh quay trở về nước ngay sau khi tốt nghiệp sẽ rất uổng phí vì chưa tối ưu hóa những điều hay ở nước sở tại.

Theo anh Linh, khi đi du học, sinh viên mới chỉ dừng lại ở việc trải nghiệm môi trường học thuật và môi trường văn hóa tại quốc gia ấy. Về điều này, các em học trong những ngôi trường quốc tế tại Việt Nam cũng có thể đáp ứng được. Trong khi đó, một phần lợi thế của việc đi du học chính là phát triển nghề nghiệp.

“Khi ra trường, vào làm trong các tập đoàn đa quốc gia của Mỹ, những năm đầu, người trẻ sẽ được đào tạo các kỹ năng chuyên ngành và kỹ năng làm việc. Đó mới là giai đoạn các bạn thực sự học được những điều 'tinh túy' của nền kinh tế Mỹ”, cựu du học sinh Mỹ cho hay.

Anh Dương Văn Linh hiện là chuyên gia tư vấn nghề nghiệp tại Mỹ. (Ảnh: NVCC)

Anh Dương Văn Linh hiện là chuyên gia tư vấn nghề nghiệp tại Mỹ. (Ảnh: NVCC)

Đó cũng là lý do anh Linh cho rằng du học sinh Việt sau khi tốt nghiệp nên ở lại Mỹ làm việc một vài năm để tích lũy kinh nghiệm và trải nghiệm, từ đó mở ra những cơ hội tốt hơn sau khi quay trở lại Việt Nam. Ngoài ra, những kiến thức thu được từ khoa học, công nghệ, quản trị vận hành... khi mang về cũng sẽ đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

“Do đó nếu có kế hoạch về Việt Nam làm việc lâu dài, tôi cho rằng người trẻ nên ở lại 2-3 năm sau khi tốt nghiệp để tích lũy kinh nghiệm. Tuy nhiên, nếu muốn lên ngưỡng chuyên gia trong một lĩnh vực nào đó, nên ở lại ít nhất 7-10 năm”, anh Linh cho hay.

Làm thế nào để kiếm được việc tốt ở Mỹ sau khi tốt nghiệp?

Về câu hỏi này, theo anh Dương Văn Linh, các trường đại học hiện nay mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp kiến thức chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực theo học. Điều sinh viên cần trang bị thêm là kỹ năng chuyên ngành được nhà tuyển dụng đánh giá qua các vòng phỏng vấn.

Chẳng hạn, nếu ứng tuyển vào mảng công nghệ, ứng viên sẽ phải giải thuật toán và cấu trúc dữ liệu ngay trong buổi phỏng vấn. Hay khi ứng tuyển vào lĩnh vực tư vấn chiến lược, ứng viên có thể sẽ phải đưa ra hướng xử lý của một bài toán kinh doanh trong vòng 45 phút.

Ngoài ra, ứng viên cũng phải có những kỹ năng phục vụ cho công việc và kỹ năng mềm như giao tiếp, lãnh đạo, giải quyết vấn đề...

“Đó là lý do rất nhiều sinh viên giỏi ra trường nhưng không thể tìm được việc ngay vì chỉ học giỏi thôi chưa đủ”, anh nói.

Anh Dương ví von, khi đi phỏng vấn xin việc, ứng viên phải “tìm đúng chỗ ngứa” của nhà tuyển dụng. Ai cũng muốn nói những gì mình mong muốn và tự hào nhất, nhưng không phải lúc nào đó cũng là thứ được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

Ngoài ra, cần tạo được sự khác biệt trong hồ sơ. Thứ hạng trường theo học, điểm số trong quá trình học dù quan trọng nhưng không phải tất cả.

“Có rất nhiều bạn đến từ những trường không quá danh tiếng nhưng với sự ham học hỏi, tinh thần cầu tiến, các bạn có thể học được những kiến thức mới, từ đó phát triển tư duy. Ngoài ra, ứng viên phải lì đòn trước các thử thách, sẵn sàng đối mặt với thất bại”, anh Linh nói.

Những điều này, theo anh, được thể hiện trong việc sớm “tạo đà” cho tương lai, chẳng hạn từ năm 1, năm 2 việc xin thực tập ở Mỹ sẽ rất khó. Sinh viên có thể tham gia vào các dự án trong trường, tìm các công ty nhỏ hoặc có thể về Việt Nam, làm việc ở các công ty, tập đoàn uy tín để lấy kinh nghiệm và xin kết nối từ những người trong ngành. Đến năm 3, năm 4, khi đã có kinh nghiệm, sinh viên có thể “apply” vào các công ty lớn của Mỹ. Nếu làm tốt, có thể sinh viên sẽ nhận được “offer” nhân viên chính thức.

“Kết nối, tạo mối quan hệ với người đi trước để biết công ty cần gì và chuẩn bị sớm; giai đoạn thực tập cố gắng làm tốt để có cơ hội được xem xét hồ sơ, tạo điều kiện phỏng vấn... Đó đều là 'bí mật quan trọng' giúp du học sinh tìm được việc tốt ở Mỹ ngay sau khi tốt nghiệp”, anh Dương Văn Linh chia sẻ.

Thúy Nga

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-hoc-xong-ve-nuoc-ngay-la-qua-uong-phi-2360331.html