Cựu giám đốc bán hàng trăm ô tô thấp hơn giá quy định, gây thiệt hại hơn 18 tỉ đồng, lãnh 3 năm tù
Cựu giám đốc nhà máy ô tô có hành vi bán 481 xe thấp hơn giá quy định và mua vật tư qua trung gian dẫn đến thiệt hại hơn 18 tỉ đồng.
TAND TP Hà Nội vừa xét xử và tuyên phạt bị cáo Trần Đại Lợi, cựu giám đốc Nhà máy ô tô Veam, mức án 3 năm tù giam về tội vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Tổng số tiền bị cáo phải chịu trách nhiệm là hơn 18 tỉ đồng.
Cựu giám đốc bỏ trốn
Bị cáo Trần Đại Lợi bị khởi tố từ năm 2021 để điều tra hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (Veam).
Tuy nhiên, bị cáo bỏ trốn nên Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra quyết định truy nã toàn quốc.
Sau khi bị cáo Lợi bị bắt, tháng 9-2023, C03 đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự đối với bị can, phục hồi điều tra bị can đối với Trần Đại Lợi.
Kết quả điều tra xác định Veam là Công ty TNHH MTV, hoạt động theo hình thức Công ty mẹ-con; có 25 công ty con và đơn vị thành viên.
Từ ngày 24-1-2017, Veam chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với vốn điều lệ 13.288 tỉ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm 88,47% do Bộ Công thương là đại diện chủ sở hữu.
Nhà máy ô tô Veam có trụ sở tại phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là Chi nhánh thành viên hạch toán phụ thuộc, hoạt động theo ủy quyền của Veam.
Giám đốc Nhà máy Veam các giai đoạn gồm: Trần Ngọc Hà (từ tháng 6-2008 đến tháng 4-2011), Vũ Quang Tâm (từ tháng 5-2011 đến tháng 12-2013), Phạm Vũ Hải (từ tháng 1-2014 đến tháng 12-2017), Trần Đại Lợi (từ tháng 1-2018 đến tháng 8-2019).
Sau khi thanh tra, ngày 8-5-2019, Bộ Công thương đã ban hành Kết luận thanh tra số 3202/KL-BCT xác định có dấu hiệu vi phạm các quy định về quản lý vốn, cố ý làm trái gây hậu quả về quản lý kinh tế tại Veam và chuyển hồ sơ vụ án đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an để điều tra.
Kết quả điều tra xác định, Phạm Vũ Hải, Nguyễn Đức Toàn, Trần Đại Lợi, Trần Ngọc Hà đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy định của Veam trong việc bán xe ô tô do Nhà máy Veam sản xuất trái quy định và mua vật tư săm, lốp, yếm của Casumina, SRC, gây thất thoát, thiệt hại cho Tổng công ty Veam.
Sau khi kết thúc điều tra, truy tố, TAND TP Hà Nội và TAND Cấp cao tại Hà Nội đã xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, tuyên các bị cáo Phạm Vũ Hải, Nguyễn Đức Toàn, Trần Ngọc Hà phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Đối với bị cáo Trần Đại Lợi, sau khi phục hồi điều tra vụ án, kết quả điều tra xác định bị cáo có hành vi bán xe ô tô giảm giá trái quy định. Theo đó, Trần Đại Lợi ký, quyết định để Nhà máy Veam bán 481 xe ô tô cho Công ty Nhật Minh Tân và Công ty Phát Đại Lâm với giá bán thấp hơn giá quy định.
CQĐT xác định bị cáo Trần Đại Lợi đã tự ý bán một số lượng lớn xe ô tô thấp hơn giá quy định mà không báo cáo xin ý kiến, không được sự chấp thuận của Tổng công ty Veam, làm giảm doanh thu, gây thất thoát tổng số tiền hơn 16,8 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Trần Đại Lợi còn thực hiện mua săm, lốp, yếm thông qua các công ty trung gian là Công ty Liên Anh, Công ty Nông ngư nghiệp trái quy định.
Mua vật tư qua trung gian với giá cao
Kết quả điều tra xác định, từ năm 2013, Công ty SRC nhiều lần tiếp thị nhưng bị Nhà máy từ chối mua, do đó nhà cung cấp này phải tiếp thị bán hàng qua Công ty Liên Anh để Công ty này chào bán sản phẩm cho Nhà máy Veam.
Còn Công ty Casumina vốn đã cung cấp các mặt hàng săm, lốp, yếm cho Nhà máy từ năm 2009. Nhưng dần dần Nhà máy Veam giảm số lượng mua vào. Do đó, Công ty Casumia nhiều lần đến tìm hiểu xúc tiến việc bán hàng thì được các đời giám đốc khi đó là Trần Ngọc Hà, Phạm Vũ Hải cho biết muốn tiếp tục cung ứng các mặt hàng trên thì phải bán qua công ty trung gian. Sau đó, Casumina bán hàng cho Nhà máy Veam qua Công ty Nông ngư nghiệp.
Đến khi bị cáo Trần Đại Lợi làm Giám đốc Nhà máy Veam, Trần Ngọc Hà tác động để bị cáo Lợi giúp đỡ Công ty Liên Anh, Công ty Nông ngư nghiệp được làm trung gian, cung cấp vật tư.
Bị cáo Trần Đại Lợi biết rõ đây là hai công ty sân sau, là hai công ty của chị, em gái Trần Ngọc Hà và đã được ông Hà tác động nên bỏ qua các bước trong quy trình mua hàng trong nước của Nhà máy Veam. Bị cáo không chỉ đạo, khảo sát, đánh giá lại nhà cung cấp, không làm việc với Công ty SRC, Công ty Casumina mà vẫn ký hợp đồng nguyên tắc mua vật tư thông qua 2 công ty sân sau này.
Việc này dẫn đến Nhà máy Veam phải mua vật tư với giá cao hơn so với mua trực tiếp từ nhà sản xuất hơn 1,3 tỉ đồng.
Qua hai hành vi, tổng số tiền bị cáo Trần Đại Lợi gây thất thoát, lãng phí là hơn 18 tỉ đồng.