Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khai không 'móc ngoặc, ăn chia'
Bị cáo Quốc Anh thừa nhận có hưởng 'lợi ích riêng' là trong dịp lễ tết được Phạm Đức Tuấn chúc tết 1-2 chục triệu nhưng sau đó tập hợp lại giao cho bộ phận thư ký và chia công khai cho các đơn vị.
Sáng 20/1, TAND TP đưa ra xét xử sơ thẩm bị cáo Nguyễn Quốc Anh (SN 1959, cựu Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) và các đồng phạm trong vụ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thổi giá thiết bị y tế.
Cáo buộc cho rằng, quá trình triển khai thực hiện đề án lắp đặt hệ thống robot hỗ trợ phẫu thuật (Robot Rosa), các bị cáo đã làm trái quy định để Công ty BMS tham gia liên danh, liên kết nhưng “thổi giá” từ 7,4 tỷ đồng lên 39 tỷ đồng (gấp gần 5 lần).
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Quốc Anh khai nhận, trước đó bị cáo không biết Phạm Đức Tuấn – cựu giám đốc Công ty BMS. Đến khoảng tháng 5/2016, bị cáo biết Tuấn do cấp dưới dẫn đến gặp. Tại buổi gặp gỡ, Tuấn giới thiệu Công ty BMS là đơn vị phân phối hệ thống Robot Rosa hỗ trợ phẫu thuật thần kinh sọ não và Robot Mako hỗ trợ phẫu thuật khớp gối, đề nghị bệnh viện mua 2 hệ thống trên với giá lần lượt 39 tỷ đồng và 44 tỷ đồng.
Bị cáo Tuấn khai nhận, bệnh viện không đồng ý mua vì kinh phí lớn. Nhưng “các anh em trong khoa” mong muốn có thiết bị mới vì bệnh nhân chỉ phải chi phí điều trị là 150 triệu đồng, giá rẻ hơn nước ngoài hàng chục lần (điều trị ở Singapore là 1,8 tỷ đồng). Sau nhiều lần thỏa thuận, Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS thống nhất thực hiện theo hình thức liên doanh, liên kết. Công ty BMS cũng đưa ra giá bán trên.
Theo lời bị cáo Tuấn, bệnh viện cử cán bộ sang Pháp để xác minh và thấy giá bán thiết bị trên ở các nước “xấp xỉ 2 triệu USD”.
“Năm 2015, Hội đồng chuyên khoa Bộ Y tế thông qua danh mục trang thiết bị sẽ mua cho Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức, trong đó có Robot Rosa và Robot Mako, cũng có giá đó”, bị cáo Quốc Anh khai.
Theo bị cáo, việc mua trang thiết bị theo hình thức liên danh, liên kết thì phải căn cứ vào thông tư 15, quy định nếu nơi khác đã đấu thầu thì căn cứ vào giá đấu thầu trong vòng 6 tháng nhưng đây là trang thiết bị đầu tiên về Việt Nam, không có giá đấu thầu của nơi khác nên cần có chứng thư thẩm định giá.
Quá trình triển khai, bệnh viện thông qua cuộc họp Hội đồng khoa học với đầy đủ các thành phần tham gia gồm ban giám đốc, công đoàn… và các giáo sư hàng đầu trong nước. Buổi họp nói rõ chọn đối tác BMS và giá cả như trên. Bị cáo Quốc Anh xác định việc liên danh, liên kết là đúng nhưng việc triển khai có xảy ra sai sót. Tuy nhiên, giá là do BMS đưa ra, việc triển khai sau đó bị cáo giao cho cấp dưới. Bị cáo khẳng định không biết Công ty Thẩm định giá Tài chính Hà Nội – VFS.
Bị cáo xác định bản thân có trách nhiệm với “vai trò người đứng đầu”.
“Họ thẩm định giá máy đúng 39 tỷ đồng. Thực sự là tôi yên tâm, tin tưởng vào chức năng của công ty thẩm định”, bị cáo khai. Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng khẳng định không có suy nghĩ “vụ lợi”mà chỉ mong mỏi có thiết bị để cứu chữa người bệnh.
“Thông thường việc liên danh, liên kết trong ngành y thì bên có máy hưởng tỷ lệ 70%, bệnh viện là 30% nhưng chúng tôi đàm phán được Bạch Mai sẽ hưởng lợi 50%. Lần đầu tiên, bệnh viện đàm phán được giá đó. Chúng tôi rất mừng”, bị cáo Quốc Anh khai.
Bị cáo thừa nhận có hưởng “lợi ích riêng” là trong dịp lễ tết được Phạm Đức Tuấn chúc tết 1-2 chục triệu nhưng sau đó tập hợp lại giao cho bộ phận thư ký và chia công khai cho các đơn vị.
“Bệnh viện cũng đi chúc tết các nơi. Tôi không nghĩ rằng đây là việc tiêu cực, vì từ 7 tỷ đồng mà lên 39 tỷ đồng, mỗi lần chúc 1-2 chục triệu đồng. Người ta nghĩ phải được nhiều tỷ lắm, nhưng thưa chủ tọa là không có. Tổng cộng 3 năm có 100 triệu và 10 ngàn USD. Tôi nghĩ đây là tiền không chính đáng nên khắc phục toàn bộ.
Gần 40 năm công tác, tôi phục vụ trong bệnh viện đều hết lòng, hết sức và đưa Bạch Mai thành bệnh viện hàng đầu cả nước, đời sống cán bộ được đảm bảo với tinh thần vì bệnh nhân là tôi mãn nguyện.
Trong quá trình công tác, tôi không nghĩ đứng ở đây, vì những cái mình làm đều là vì người bệnh, vì bệnh viện, không có móc ngoặc, ăn chia…”, bị cáo khai.
Cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai bày tỏ ân hận cho rằng, việc “anh em ngồi ở đây không phải vì nhận hối lộ mà do sơ sẩy nên phải chịu”.
Sai phạm do thiếu thận trọng
Trả lời thẩm vấn, bị cáo Nguyễn Ngọc Hiền (cựu Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) khai nhận, thực hiện theo phân công của lãnh đạo bệnh viện. Bị cáo thừa nhận có sơ suất do không đọc lại các quy định thẩm định giá và thiếu thận trọng, tin tưởng thẩm định giá.
“Khi biết Công ty BMS tăng giá thiết bị, bị cáo rất ân hận và xác định bản thân có phần lỗi”, bị cáo Hiền khai.
Trước tòa, bị cáo Trịnh Thị Thuận (cựu Kế toán trưởng Bệnh viện Bạch Mai) khóc nghẹn nói xảy ra sai phạm do khối lượng hồ sơ trình lên nhiều. Bị cáo thiếu thận trọng và sơ suất.
Bị cáo Phạm Đức Tuấn (cựu Giám đốc Công ty BMS) giải thích giá hải quan (hơn 7,4 tỷ đồng) là chưa tính các chi phí như bị cáo phải bỏ tiền mua máy, đào tạo chuyên môn cho cán bộ nhân viên bệnh viện. Tuy nhiên, bị cáo thừa nhận chỉ “báo giá” với bệnh viện 39 tỷ đồng, không giải thích thêm các chi phí khác.
Theo cáo buộc, Bệnh viện Bạch Mai xác định nguyên giá tài sản Robot Rosa là 39 tỷ đồng và ban hành giá dịch vụ là 36 triệu đồng/ca, có chi phí lãi vay cho Công ty BMS là không có cơ sở.
Theo quy định thì bệnh viện phải loại bỏ chi phí lãi vay trong cơ cấu dịch vụ để đảm bảo lợi ích cho người bệnh.
Hậu quả lại làm tăng chi phí điều trị, gây thiệt hại cho người bệnh là 10,5 tỷ đồng (tổng cộng có 637 ca điều trị sử dụng Robot Rosa).