Cựu Giám đốc CDC Đắk Lắk bật khóc khi được nói lời sau cùng

Trong lúc nói lời sau cùng, cựu Giám đốc CDC Đắk Lắk đã nghẹn lại và cho biết, khi phiên tòa diễn ra, Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Sở Tài chính, lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư không ai đến.

Gay cấn phần tranh luận

Sáng 1/8, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phiên tòa xét xử đối với nguyên Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk và các đồng phạm về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Các bị cáo gồm: Trịnh Quang Trí (SN 1971, nguyên Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk), Trần Thị Nguyên Hằng (SN 1980, nhân viên Khoa xét nghiệm - Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng CDC tỉnh Đắk Lắk), Trần Thanh Mỹ (SN 1970, nguyên Trưởng phòng Tài chính Kế toán CDC tỉnh Đắk Lắk), Đặng Minh Tuyết (SN 1976, nguyên Phó khoa phụ trách Khoa xét nghiệm – Chẩn đoán hình ảnh – Thăm dò chức năng CDC tỉnh Đắk Lắk) và Đinh Lê Lê Na (SN 1990, trú tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk), nhân viên kinh doanh Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (viết tắt là Công ty Việt Á).

Các bị cáo tranh luận tại phiên tòa.

Các bị cáo tranh luận tại phiên tòa.

Trước khi phiên tòa tiếp tục diễn ra vào sáng 1/8, bị cáo Đinh Lê Lê Na (đang được tại ngoại) cho biết, bị cáo đã có hai người con. Trong đó, con lớn được 4,5 tuổi; con thứ 2 mới chỉ được 27 tháng tuổi. Hiện nay, bị cáo đang phải điều trị tâm thần do trầm cảm sau khi sinh con thứ 2. Khoảng 3 năm nay, sau khi xảy ra vụ án, bị cáo không đi làm được gì nên cuộc sống của cả gia đình đều trông chờ vào nguồn thu từ việc kinh doanh của chồng.

"Sau khi bản án của hiệu lực, bị cáo chỉ biết nhờ cậy chồng chăm sóc hai con nhỏ để đi chấp hành án theo quy định", bị cáo Lê Na vội đưa tay lau nước mắt và nói.

Tại phần tranh luận sáng nay, bị cáo Trịnh Quang Trí khai, khi CDC Đắk Lắk mua kit test của 4 gói thầu với 3 giá gồm 509.000 đồng, sau đó giảm xuống 470.000 đồng, sau đó giảm xuống còn 367.000 đồng. Tất cả giá này đều qua thẩm định của các đơn vị chức năng, CDC Đắk Lắk trả tiền cho các đơn vị này. Sau đó, kết quả thẩm định đó được Sở Tài chính thẩm định lại...

"Khi thực hiện vấn đề tạm ứng hàng để xét nghiệm xét nghiệm chống dịch, bị cáo nghĩ làm sao để có hàng nhanh nhất nhằm xét nghiệm chống dịch. Trong thời điểm cách ly thì vấn đề mua sắm kít test từ các công ty về CDC Đắk Lắk rất khó. Do đó, rất mong hội đồng xét xử xem xét lại toàn bộ bối cảnh khi dịch xảy ra", bị cáo Trí cho hay.

Về vấn đềnhận tiền hoa hồng, bị cáo Trí khai, từ đầu đến cuối, bị cáo đều khai không nhận bất cứ đồng nào từ Lê Na. Bị cáo Lê Na khai đã đưa hơn 2 tỷ đồng tiền chiết khấu cho bị cáo là không có căn cứ. Đề nghị tòa xem xét lại vấn đề này.

Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tranh luận.

Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk phát biểu tranh luận.

Cũng tại phần tranh luận, bị cáo Trần Thanh Mỹ trình bày, bị cáo không thanh toán cho doanh nghiệp theo giá mượn hàng. Bị cáo chỉ thanh toán sau khi đối chiếu với giá trên hệ thống quốc gia, đối chiếu với giá đấu thầu của Bộ Y tế và các quy định đấu thầu, bị cáo có nhắn tin cho doanh nghiệp để giảm giá xuống theo giá quy định, chứ không thanh toán theo giá mượn hàng là 509.000 đồng. Chính vì vậy, giá dự thầu đã giảm xuống so với giá mượn hàng. Hành vi này thể hiện bị cáo đã ngăn chặn nhằm giảm bớt tác hại của vụ án. Do đó, mong hội đồng xét xử xem xét đây là 1 tình tiết giảm nhẹ theo quy định để bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ này, giảm nhẹ trách nhiệm cho bị cáo...

Đối đáp lại ý kiến tranh luận của các luật sư và các bị cáo, đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk cho hay, xét thấy các bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh cấp bách chống dịch. Do đó, khi đưa ra các hình phạt, Viện kiểm sát đã cân nhắc toàn bộ tình tiết giảm nhẹ, nhân văn. Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án thấp nhất, thậm chí xét xử dưới khung hình phạt theo quy định.

Đối với vai trò của bị cáo Lê Na, đại diện Viện kiểm sát cho hay, trong quá trình điều tra thể hiện, CDC Đắk Lắk thông qua Lê Na để thực hiện việc mượn hàng. Do đó, việc xác định Lê Na làm việc trực tiếp với CDC Đắk Lắk là hoàn toàn có căn cứ.

Quá trình điều tra cũng xác định được, bị cáo Na là người trực tiếp đưa tiền chiết khấu cho các bị cáo của CDC Đắk Lắk. Đối với bị cáo Na, Viện kiểm sát xác định hành vi phạm tội khi là nhân viên của Công ty Việt Á, làm việc theo sự phân công. Các bị cáo CDC Đắk Lắk được hưởng lợi thông qua bị cáo Na. Hồ sơ vụ án cũng thể hiện rõ vai trò của Lê Na trong vụ án. Trong các giai đoạn thực hiện các gói thầu thì Lê Na đều tham gia. Do đó, việc xác định Lê Na đồng phạm với các bị cáo của CDC Đắk Lắk là có căn cứ.

Theo đại diện Viện kiểm sát, trong vụ án này, cơ quan CSĐT đã thu thập tài liệu đánh giá chứng cứ, sau đó mới triệu tập các bị cáo lên làm việc để làm rõ hành vi. Tuy nhiên, thời điểm ban đầu xác minh, hầu như các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội. Chỉ đến khi, cơ quan CSĐT đưa ra những chứng cứ xác thực, thể hiện rõ hành vi phạm tội thì các bị cáo mới thừa nhận hành vi phạm tội. Do đó, không đủ điều kiện để áp dụng tình tiết giảm nhẹ về việc thành khẩn khai báo.

Đối với việc bị cáo Trịnh Quang Trí không thừa nhận việc nhận số tiền hơn 211 triệu đồng. Tuy nhiên, trong hồ sơ vụ án thể hiện, số tiền Công ty Việt Á chi phần cho bị cáo là 5%. Trong quá trình điều tra bổ sung, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã phối hợp trích xuất các dữ liệu của Công ty Việt Á xác định được, trong các file chi tiền mà Công ty Việt Á gửi về cho Lê Na có thể hiện rõ phần trăm chiết khấu từng bị cáo CDC Đắk Lắk. Trong đó, bị cáo Trí được chi 5%... Bên cạnh đó, tất cả các bị cáo là cấp dưới của bị cáo Trí khi thực hiện gói thầu đều được nhận tiền chiết khấu. Trong thực tế, bị cáo Trí với vai trò là người đứng đầu, điều hành CDC Đắk Lắk, là người trực tiếp quyết định việc ký các gói thầu nhưng không được nhận tiền chi chiết khấu là không phù hợp với thực tế.

Đối việc xác định bị cáo Trí nhận là hơn 211 triệu đồng, trong quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa, bị cáo Lê Na khai 4 lần đưa tiền chiết khấu cho bị cáo Trí với tổng số tiền là khoảng hơn 2 tỷ đồng nhưng Viện kiểm sát không thể căn cứ vào lời khai "khoảng" để đề nghị mức truy thu khoảng hơn 2 tỷ đồng. Dựa trên nguyên tắc có lời cho bị cáo Trí, có các tài liệu xác định được số tiền chiết khấu chính xác là hơn 211 triệu đồng để đưa vào hồ sơ vụ án và đề nghị truy thu số tiền này...

Nhiều bị cáo nghẹn lại khi nói lời sau cùng

Ngay khi kết thúc phần tranh luận, hội đồng xét xử đã cho các bị cáo được nói lời sau cùng.

Bước lên bục dành cho bị cáo với vẻ mặt mệt mỏi, bị cáo Trí cho hay, với tình hình xảy ra dịch bệnh, CDC Đắk Lắk tạm ứng sinh phẩm để làm xét nghiệm. "Trên thực tế, chúng ta không có tiền. Từ khi chúng ta xét nghiệm để cách ly đến khi được cấp kinh phí thì nhanh nhất là 3 tháng, chậm nhất là 6 tháng. Thực tế, từ khi ứng hàng đến khi thanh toán là 9 tháng. Chúng tôi nghĩ rằng, bất cứ ai ngồi vào ghế giám đốc CDC thời diểm đó mà áp dụng được đấu thầu để thực hiện đúng thì không thể. Tôi cảm ơn đại diện Viện kiểm sát đã áp dụng tất cả các tiết tiết giảm nhẹ cho cá nhân tôi cũng như các bị cáo của CDC Đắk Lắk", bị cáo Trí chia sẻ.

Bị cáo Trí bật khóc trong lúc nói lời sau cùng.

Bị cáo Trí bật khóc trong lúc nói lời sau cùng.

Theo bị cáo Trí, tổng số tiền kít test của Công ty Việt Á đã bán cho tất cả các tỉnh, thành là khoảng hơn 2.000 tỷ đồng. Ở Đắk Lắk, tại thời điểm dịch bệnh, 4 gói thầu chỉ có hơn 10 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ rất ít, trong khi đó Đắk Lắk dân số là 2 triệu người. Hơn nữa, tình hình dịch ở Đắk Lắk không đơn giản như các tỉnh còn lại. Tất cả những người dân, lao động từ thành phố Hồ Chí Minh về, rồi các chuyến bay bà con ở khắp nơi đổ về. Do vậy, các vấn đề triển khai phòng chống dịch, cách ly, CDC Đắk Lắk đã làm hết trách nhiệm, làm tròn trách nhiệm.

Bị cáo Trí khẳng định: "Tôi nghĩ rằng, chi phí chống dịch ở Đắk Lắk với quy mô dân số 2 triệu người và với số lượng kít test mua hơn 10 tỷ đồng là quá nhỏ... Việc tạm ứng sinh phẩm để xét nghiệm cả tỉnh đều biết. Vấn đề này, tôi đã báo cáo rất nhiều lần, thậm chí tôi đã từng khóc... Đến khi phiên tòa diễn ra, tôi rất buồn vì mời Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo Sở Tài chính, lãnh đạo Sở Kế hoạch Đầu tư thì không ai đến. Tôi rất đau...". Nói đến đây, bị cáo Trí đã bật khóc.

Bị cáo Trí vẫn khẳng định, ông không nhận tiền chiết khấu từ Công ty Việt Á. "Tôi nghĩ, ở đây con người chứ không phải là máy móc. Mỗi con người có giá trị riêng, chuyện kết luận nhân viên nhận mà giám đốc không nhận là vô lý. Bị cáo mong hội đồng xét xử đưa ra bản án nhân văn nhất cho tất cả các bị cáo để họ sớm trở về với gia đình".

Bị cáo Trần Thị Nguyên Hằng gửi lời xin lỗi tới các đồng nghiệp.

Bị cáo Trần Thị Nguyên Hằng gửi lời xin lỗi tới các đồng nghiệp.

Bị cáo Trần Thị Nguyên Hằng gửi lời xin lỗi đến các đồng nghiệp bởi việc làm của bị cáo đã làm cho màu áo trắng bị vấy bẩn. Giọng bị cáo Hằng liên tục bị ngắt quảng. "Tôi rất biết ơn sự đồng hành của các bạn. Sau này, tôi sẽ không còn cơ hội để tiếp tục tham gia công tác, công hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cùng mọi người nữa nhưng đó giai đoạn đã để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong lòng tôi", bị cáo Hằng nói.

Bị cáo Hằng còn gửi lời cảm ơn đến gia đình vì đã đồng hành cùng bị cáo trong thời gian phòng chống dịch. "Khi để xảy ra sự việc như thế này, tôi gửi lời xin lỗi đến gia đình vì đã phụ lòng mong mỏi, làm mất đi hình ảnh với các con. Cuối cùng, bị cáo xin hội đồng xét xử cho bị cáo hưởng bị cáo thấp nhất để bị cáo sớm được trở về với gia đình" – bị cáo Hằng nói thêm.

Ngay sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, hội đồng xét xử đã nghị án và nhận định cần có thêm thời gian để xem xét, biểu quyết, đưa ra mức án phù hợp với vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo. Do đó, hội đồng xét xử cho biết, sẽ kéo dài thời gian nghị án đến 14h ngày 5/8 sẽ tuyên án.

Khánh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/cuu-giam-doc-cdc-dak-lak-bat-khoc-khi-duoc-noi-loi-sau-cung-204240801130635218.htm