Cựu Giám đốc CDC Đắk Lắk: Không phải nhân viên nhận tiền Việt Á, giám đốc cũng nhận!

Nói lời sau cùng, cựu Giám đốc CDC Đắk Lắk tiếp tục khẳng định mình không nhận tiền của Công ty Việt Á và cho rằng mỗi người có một giá trị, không phải nhân viên nhận thì bị cáo cũng nhận.

Sáng 1-8, TAND tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phiên tòa xét xử vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm

Các bị cáo gồm: Trịnh Quang Trí (54 tuổi, cựu giám đốc), Trần Thị Nguyên Hằng (44 tuổi, cựu nhân viên khoa xét nghiệm), Trần Thanh Mỹ (54 tuổi, cựu trưởng phòng tài chính - kế toán), Đặng Minh Tuyết (48 tuổi, cựu phó khoa xét nghiệm) và Đinh Lê Lê Na (34 tuổi, cựu nhân viên kinh doanh của Công ty Việt Á).

Tại phiên tòa, phần lớn các bị cáo thừa nhận cáo trạng truy tố đúng và trình bày do bối cảnh dịch bệnh cấp bách nên dẫn đến hành vi phạm tội. Các bị cáo khai không cố tình phạm tội, không cố ý gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước.

Nói lời sau cùng, bị cáo Trí vẫn khẳng định ông không nhận tiền chiết khấu từ Công ty Việt Á. "Mỗi người có mỗi giá trị khác nhau, không phải máy móc. Không phải nhân viên của bị cáo nhận tiền thì bị cáo cũng phải nhận tiền của Việt Á" - bị cáo Trí nói.

Bị cáo Trí cũng nói ông rất buồn khi phiên tòa hôm nay không có lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo Sở Tài chính, Sở KH-ĐT tỉnh Đắk Lắk. Bởi lẽ, những đơn vị trên đã cùng đồng hành với cơ quan ông trong thời kỳ chống dịch, tham gia xem xét, thẩm định giá các gói thầu liên quan vụ án và được tòa mời đến dự phiên xử. Đồng thời, bị cáo Trí mong HĐXX có bản án nhân văn nhất đối với cấp dưới để họ sớm trở về với gia đình.

Còn bị cáo Hằng tỏ ra hối hận nói không còn cơ hội để đồng hành, chăm sóc sức khỏe nhân dân nữa. "Xảy ra sự việc, bị cáo xin lỗi người dân, gia đình vì đã làm mất kỳ vọng, mất hình ảnh với mọi người. Bị cáo mong có mức án phù hợp để sớm trở về với gia đình" - bị cáo Hằng nói.

Sau khi nghị án, HĐXX nhận định cần có thêm thời gian để xem xét đưa ra mức án phù hợp với vai trò, hành vi phạm tội của từng bị cáo. Do đó, HĐXX cho biết sẽ kéo dài thời gian nghị án đến chiều 5-8.

Theo nội dung vụ án, triển khai kế hoạch thực hiện xét nghiệm sàng lọc SAR-CoV-2 phòng chống dịch bệnh COVID-19, ông Trí đã chỉ đạo cấp dưới liên lạc, trao đổi với bà Lê Na để tạm ứng sinh phẩm, hóa chất, vật tư phục vụ xét nghiệm và hợp thức hóa thủ tục thanh toán.

Các cá nhân có trách nhiệm liên quan thuộc CDC Đắk Lắk đã lập, ký duyệt, hợp thức hóa hồ sơ 6 gói thầu vào 6 đợt. Trong đó, có 4 gói thầu đã thanh toán và 2 gói thầu chưa ký kết hợp đồng và chưa thanh toán.

Kết quả điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của những người này gây hậu quả nghiệm trọng là hơn 6,8 tỉ đồng.

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Đắk Lắk, tổng số tiền chiết khấu trong 4 gói thầu chuyển vào tài khoản của bị cáo Lê Na là hơn 2,6 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo này khai đã chi tiền chiết khấu cho bị cáo Trí khoảng 2,1 tỉ đồng.

Trong quá trình điều tra, bị cáo Trí không thừa nhận việc nhận tiền nhưng tài liệu điều tra thu thập có căn cứ xác định ông Trí đã nhận số tiền hơn 211 triệu đồng từ bà Lê Na.

Các bị cáo Trần Thị Nguyên Hằng được hưởng lợi hơn 900 triệu đồng, Trần Thanh Mỹ 171 triệu đồng, Đặng Minh Tuyết 66 triệu đồng.

Số tiền chiết khấu còn lại hơn 1,2 tỉ đồng mà bị cáo Lê Na nhận từ Công ty Việt Á không có căn cứ xác định đã chi cho các cá nhân ở CDC Đắk Lắk.

Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk thực hiện quyền công tố tại tòa đề nghị HĐXX phạt bị cáo Trí 4 đến 5 năm tù; bị cáo Na 2 năm 6 tháng đến 3 năm tù; bị cáo Hằng 2 năm 3 tháng đến 2 năm 9 tháng tù.

Các bị cáo Tuyết và Mỹ bị đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk đề nghị xử phạt 1 năm 6 tháng đến 2 năm tù.

Cao Nguyên

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cuu-giam-doc-cdc-dak-lak-khong-phai-nhan-vien-nhan-tien-viet-a-giam-doc-cung-nhan-196240801085537406.htm