Cựu Giám đốc CDC Hải Dương chia 27 tỷ đồng thế nào?

Ngày 4/1, HĐXX phiên sơ thẩm vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á tiếp tục xét hỏi các bị cáo là cựu cán bộ Tỉnh ủy, sở ban ngành và cựu cán bộ một số Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, thành phố.

Bị cáo Phạm Xuân Thăng tại tòa

Bị cáo Phạm Xuân Thăng tại tòa

Chia nhau 27 tỷ đồng

Trong vụ án, Viện kiểm sát cáo buộc ông Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC tỉnh Hải Dương) được Công ty Việt Á “lại quả” 27 tỷ đồng, quá trình điều tra cơ quan tố tụng truy tố ông Tuyến về tội “Nhận hối lộ”.

Trên bục khai báo, ông Tuyến cho hay, thời điểm dịch bùng phát mạnh ở Hải Dương, Bộ Y tế đã cử 4 đoàn công tác từ Trung ương hỗ trợ tỉnh xét nghiệm chống dịch. Song, những đoàn chuyên gia này được ông đánh giá “làm việc không hiệu quả”.

“Họ không thể đáp ứng được tính cấp bách theo yêu cầu của bộ, do đó, buộc phải có một đoàn chuyên gia trực tiếp về ăn, ở, tại Hải Dương để phong tỏa, cách ly, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm”, ông Tuyến khai.

“Ai là người chỉ đạo đưa Công ty Việt Á vào Hải Dương?”, Chủ tọa hỏi. Ông Tuyến trả lời việc chỉ đạo này là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong đó có cả chỉ đạo của cựu Bí thư Phạm Xuân Thăng.

“Thế ai là người nhắn giấy mời Phan Quốc Việt tham gia cuộc họp của Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương liên quan đến công tác phòng dịch?”, Chủ tọa hỏi thêm. Ông Tuyến trả lời vòng vo, nói “không nhớ”. Chủ tọa sau đó công bố bút lục lời khai thể hiện chính ông Tuyến là người nhắn tin gửi giấy mời Phan Quốc Việt tham gia cuộc họp.

Tiếp tục trình bày, cựu Giám đốc CDC Hải Dương thừa nhận sau khi người của Việt Á về địa phương, CDC Hải Dương cũng sử dụng luôn kit test của công ty này. Quá trình này ông hiểu việc ứng trước sử dụng sinh phẩm, rồi hợp thức hóa thanh toán sau là không phù hợp, song do dịch “cấp bách buộc phải làm”.

Sau khi sử dụng kit test, CDC Hải Dương đã thanh toán cho Công ty Việt Á thông qua 4 hợp đồng đều do ông Tuyến ký, tổng giá trị hơn 147 tỷ.

Theo ông Tuyến, quá trình tất toán, phía Công ty Việt Á tự đề xuất chi lại cho CDC Hải Dương 27 tỷ đồng. Số tiền được ông Tuyến chỉ đạo Phan Quốc Việt chuyển vào tài khoản của người thân, bạn thân của ông Tuyến đang làm bảo vệ tại CDC Hải Dương.

“Ban đầu bị cáo nghĩ Phan Quốc Việt chuyển số tiền này cho bị cáo chỉ là chia sẻ lợi nhuận. Lúc bị cơ quan điều tra khởi tố, bị cáo mới nhận thức được sai phạm”, ông Tuyến nói.

Phần trả lời này của ông Tuyến bị chủ tọa nhận xét có mâu thuẫn: Ở lời khai sau bị cáo nói số tiền nhận được từ Việt là chia sẻ lợi nhuận, song lời khai trước tòa thể hiện việc chuyển tiền vào tài khoản cá nhân người khác chứ không phải tài khoản chung của CDC.

Về khoản tiền 27 tỷ đồng sau khi nhận, ông Tuyến trực tiếp đưa cho cựu Bí thư tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng 600 triệu và 50.000 USD; đưa cho cựu giám đốc Sở Y tế Phạm Mạnh Cường 7 tỷ đồng; còn lại ông chi cho nhân viên CDC và giữ lại chi tiêu.

Cũng trong hôm nay, cựu lãnh đạo, cán bộ của CDC các tỉnh Nghệ An, Bắc Giang, Bình Dương khi trả lời xét hỏi đều thành khẩn khai báo, bày tỏ ăn năn, hối lỗi về những vi phạm xảy ra trong thời gian chống dịch.

Cựu Bí thư tỉnh ủy nhận tội

Tiếp đó là bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương). Ông này bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Tại phiên tòa, bị cáo Thăng nói đã nhận thức những sai phạm của mình được nêu trong kết luận điều tra.

Cựu Bí thư tỉnh ủy Hải Dương khai, năm 2021, dịch bùng phát lần 3 trên địa bàn tỉnh. Trong thời gian tham dự Đại hội Đảng ở Hà Nội, bị cáo có gặp cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long và được giới thiệu Việt Á về Hải Dương hỗ trợ phòng, chống dịch.

“Bị cáo không có tác động gì và nói với bị cáo Long là việc này phải đưa ra bàn bạc lại. Đồng thời trao đổi với bị cáo Phạm Mạnh Cường - Giám đốc Sở Y tế về thông tin như trên. Lúc này bị cáo Cường trả lời như vậy tốt quá”, ông Thăng nói.

Ngoài ra, ông Thăng cũng xác nhận việc bị cáo Phan Quốc Việt có được tham dự cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy, nhưng thành phần nào tham mưu mời thì bị cáo không nắm được.

Cuối phần xét hỏi, bị cáo Thăng cho biết đã nhận 100.000 USD của Việt Á vào sau Tết Nguyên đán năm 2021. Đồng thời nhận của Phạm Duy Tuyến 600 triệu đồng và 50.000 USD.

Bị cáo Phạm Duy Tuyến được dẫn giải đến tòa

Bị cáo Phạm Duy Tuyến được dẫn giải đến tòa

“Số tiền trên bị cáo sử dụng vào chi tiêu cá nhân. Đến nay, bị cáo đã tác động gia đình nộp lại”, cựu Bí thư Hải Dương bày tỏ ân hận.

Tới lượt mình, bị cáo Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế tỉnh) nhanh chóng khai việc nhận 7 tỷ đồng từ bị cáo Phạm Duy Tuyến. Số tiền này ông ta chi tiêu cá nhân và đã nộp một phần cho cơ quan điều tra.

“Bị cáo rất ăn năn hối lỗi với những sai phạm của mình. Bị cáo muốn nói tội của bị cáo có yếu tố khách quan khi ký văn bản có tính cấp bách trong phòng chống dịch”, bị cáo Cường giãi bày.

Theo cáo buộc, năm 2020-2021, Hải Dương liên tiếp bùng phát các ổ dịch Covid-19. Nhận thấy đây là địa bàn tiềm năng, Phan Quốc Việt nhờ người tác động đến Bí thư Tỉnh ủy Phạm Xuân Thăng để xin Công ty Việt Á vào tham gia xét nghiệm.

Được bí thư đồng ý, trong tháng 1/2021, Việt Á đã đưa thiết bị y tế về Hải Dương phục vụ xét nghiệm phòng chống dịch. Việt còn đề nghị ông Thăng tạo điều kiện cho Việt Á được tham gia xét nghiệm cho công nhân tại các khu công nghiệp và cả người lao động ngoài khu công nghiệp. Mục đích của Việt Á là “được xét nghiệm trên diện rộng, tăng công suất, tạo nguồn thu trái pháp luật đặc biệt lớn”.

Vì Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo, CDC Hải Dương đã phối hợp cùng Việt Á làm thủ tục chỉ định thầu, ký hợp đồng và thanh toán theo giá doanh nghiệp đưa ra là 470.000 đồng/kit test. CDC Hải Dương đã mua hơn 220.000 kit test của Việt Á và đã thanh toán 106 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng việc này đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 73 tỷ đồng.

Quá trình thực hiện hợp đồng mua kit test, Việt đề nghị ông Tuyến tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Á bán sản phẩm, thanh toán tiền theo đơn giá đưa ra. Đổi lại, Việt Á sẽ chi 20-25% giá trị hợp đồng cho CDC Hải Dương. Trong các đợt thanh toán, nhân viên Việt Á đã tính toán để xác định số tiền phần trăm ngoài hợp đồng để chuyển cho CDC Hải Dương là 27 tỷ đồng, tương đương 20-25%.

Trong vụ án này, tỉnh Hải Dương có 5 bị cáo gồm: Phạm Xuân Thăng (cựu bí thư Tỉnh ủy), Phạm Duy Tuyến (cựu giám đốc CDC Hải Dương), Nguyễn Mạnh Cường (cựu kế toán trưởng CDC), Nguyễn Thị Trang (cựu giám đốc Trung tâm tư vấn và dịch vụ tài chính, Sở Tài chính) và Phạm Mạnh Cường (cựu giám đốc Sở Y tế).

Hoàng An - Thanh Hà

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cuu-giam-doc-cdc-hai-duong-chia-27-ty-dong-the-nao-post1601688.tpo