Cựu Giám đốc điều hành Google: 'Hoa Kỳ đã bị Trung Quốc bỏ xa trong cuộc đua 5G'
Cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt cho biết trong một bài đăng trên Tạp chí Phố Wall rằng Mỹ đã thua xa hầu hết mọi khía cạnh của công nghệ 5G nếu so sánh với các quốc gia khác, trong đó có Trung Quốc
Cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt cho biết, Hoa Kỳ đã “tụt hậu” so với Trung Quốc trong cuộc đua xây dựng công nghệ 5G, khi ông thúc giục Washington đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ internet thế hệ tiếp theo.
Viết trong một bài đăng trên Tạp chí Phố Wall, Schmidt và Graham Allison, giáo sư chính phủ tại Harvard, nói rằng Mỹ “thua xa hầu hết mọi khía cạnh của công nghệ 5G trong khi các quốc gia khác - bao gồm cả Trung Quốc - đang tăng tốc về phía trước”. Các tác giả của bài viết này đã kêu gọi chính quyền Biden đưa 5G trở thành “ưu tiên quốc gia”.
5G là công nghệ internet không dây thế hệ tiếp theo với tốc độ tải xuống siêu nhanh. Công nghệ này cũng có thể tạo cơ sở cho các ứng dụng công nghiệp và quân sự, đồng thời sử dụng công nghệ này cũng là một phương pháp giúp các thiết bị giao tiếp với nhau. Đó là lý do tại sao đây được coi là một công nghệ quan trọng và là một trong những lý do khiến Trung Quốc đang nhanh chóng phát triển 5G của riêng mình và các ứng dụng trong tương lai.
"Bước vào kỷ nguyên 5G, chúng ta sẽ thúc đẩy những đột phá về phương tiện tự hành, các ứng dụng thực tế ảo trong metaverse và các lĩnh vực chưa được khai phá khác", Schmidt viết. "Rất nhiều ứng dụng có thể tạo lợi thế cho các cơ quan tình báo của một quốc gia, đồng thời nâng cao khả năng quân sự của quốc gia đó".
Bài viết cũng nhấn mạnh tốc độ mạng 5G của Trung Quốc nhanh hơn đáng kể so với của Mỹ. Theo số liệu Speedtest quý III/2021, tốc độ 5G tải xuống trung bình của Trung Quốc đạt hơn 299 Mb/giây, gấp gần ba lần so với mức 93,73 Mb/giây ở Mỹ.
Allison và Schmidt cho biết: "Tốc độ Internet di động là tiến bộ trọng tâm của 5G, cho phép một lĩnh vực có thể ứng dụng và tạo ra đột phá mới. Nó tác động mạnh mẽ tới kinh tế và an ninh quốc gia".
Các tác giả cũng nói rằng Huawei, nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, vẫn thống trị thị trường "mặc dù các lệnh trừng phạt của Mỹ đã làm chậm tiến độ phát triển của Huawei".
Được biết, Trung Quốc đã “nhanh chóng phân bổ phần hiệu quả nhất” của phổ tần không dây, được gọi là băng thông trung, cho các công ty viễn thông. Các tác giả của bài việc cũng cho rằng AT&T và Verizon hiện đang sử dụng cùng một băng tần cho cả mạng 4G và 5G của họ ở Hoa Kỳ.
Allison và Schmidt cũng nói rằng Trung Quốc đang vượt xa Mỹ khi nói đến 5G. "Sự thảm hại trong cuộc đua 5G là dấu hiệu cho thấy Mỹ đang thất bại trong việc theo kịp Trung Quốc về những công nghệ quan trọng và mang tính chiến lược. Trung Quốc cũng đi trước về sản xuất công nghệ cao, năng lượng xanh và nhiều ứng dụng AI khác", họ nói.
"Theo tình hình hiện tại, vào năm 2030, Trung Quốc hoàn toàn có thể sẽ đánh bại Hoa Kỳ về số lượng chip bán dẫn mà họ sản xuất cũng như các ứng dụng công nghệ sinh học nhằm điều trị bệnh như ung thư".
Trung Quốc bắt đầu thương mại hóa 5G từ cuối 2019, hiện là quốc gia có mạng lưới 5G lớn nhất thế giới. Cuối năm ngoái, nước này đã xây dựng hơn 1,3 triệu trạm gốc 5G, đồng thời nỗ lực mở rộng vùng phủ sóng mạng nhằm đạt 560 triệu người dùng vào năm 2023.
Schmidt đã chỉ trích cách tiếp cận của chính phủ Hoa Kỳ đối với các công nghệ mà ông coi là chìa khóa cho tương lai và đã nhiều lần cảnh báo về mối đe dọa bị Trung Quốc vượt qua.
Năm ngoái, một báo cáo của Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo do Schmidt chủ trì, cho biết Trung Quốc có thể sớm thay thế Mỹ trở thành “siêu cường AI” của thế giới.