Cựu giám đốc Quỹ Tín dụng nhân dân Nhà Bè lãnh án

Cựu giám đốc Trần Ngọc Sơn lãnh 15 năm tù về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng; đồng thời phải chịu trách nhiệm chính với số tiền thiệt hại 16,6 tỉ đồng.

Ngày 30-12, TAND TP.HCM mở phiên xét xử và tuyên án đối với các bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Quỹ Tín dụng nhân dân Nhà Bè.

HĐXX tuyên mức án và phân định trách nhiệm dân sự bồi thường của từng bị cáo như sau:

Trần Ngọc Sơn (cựu giám đốc) 15 năm tù, bồi thường 18,5 tỉ đồng; Nguyễn Phương Anh (cựu kế toán trưởng) 13 năm tù, bồi thường 9,2 tỉ đồng; Huỳnh Thị Phương Uyên 9 năm tù, bồi thường 2,9 tỉ đồng; Đỗ Huỳnh Ngọc Diễm (cùng là cựu thủ quỹ) 8 năm tù, bồi thường 2,5 tỉ đồng. Cả 4 bị cáo này cùng bị xét xử về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Bị cáo Phạm Văn Đứng (cựu chủ tịch HĐQT) 6 năm tù, bồi thường 1,8 tỉ đồng; bị cáo Phạm Thị Hà (cựu trưởng ban kiểm soát) 7 năm tù, bồi thường 1,8 tỉ đồng. Hai bị cáo này cùng bị xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

 Bị cáo Trần Ngọc Sơn (áo xanh, giữa) tại tòa. Ảnh: TRẦN LINH

Bị cáo Trần Ngọc Sơn (áo xanh, giữa) tại tòa. Ảnh: TRẦN LINH

Theo cáo trạng, quá trình làm giám đốc tại Quỹ Tín dụng nhân dân Nhà Bè, bị cáo Sơn đã tự ý cho giải chấp tài sản đảm bảo của 42 hồ sơ vay, gây thiệt hại hơn 16,6 tỉ đồng. Trong vụ án này, bị cáo Sơn giữ vai trò cao nhất, chịu trách nhiệm chính với số tiền thiệt hại 16,6 tỉ đồng. Các bị cáo còn lại giữ vai trò đồng phạm trong vụ án.

Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo khai nhận hành vi phạm tội như cáo trạng truy tố

HĐXX nhận định: Bị cáo Sơn là người lãnh đạo, điều hành để thực hiện kế hoạch kinh doanh của Quỹ Tín dụng nhân dân Nhà Bè. Bị cáo biết rõ quy định, quy chế giao dịch đảm bảo tiền vay của quỹ tín dụng đối với tài sản thế chấp bằng bất động sản thì quỹ tín dụng phải giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Đồng thời, việc bảo đảm tiền vay bằng tài sản cầm cố thế chấp chỉ chấm dứt khi khách hàng hoàn thành nghĩa vụ trả nợ hoặc bên bảo lãnh hoàn thành nghĩa vụ bảo lãnh đối với quỹ tín dụng. Nhưng bị cáo vẫn khởi xướng và chỉ đạo Diễm, Uyên xuất trả tài sản đảm bảo trái quy định; chỉ đạo Phương Anh thực hiện các báo cáo khống gửi Ngân hàng Nhà nước để che đậy sai phạm.

Bị cáo Nguyễn Phương Anh là kế toán trưởng của Quỹ tín dụng; quá trình thực hiện nhiệm vụ, bị cáo đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao; giữ vai trò giúp sức tích cực bị cáo Sơn phạm tội trong một thời gian dài.

Đối với bị cáo Phương Uyên, Ngọc Diễm là thủ quỹ quỹ tín dụng, biết rõ các quy định của quy chế tổ chức hoạt động, quy chế giao dịch, đảm bảo tiền vay của quỹ tín dụng nhưng đã không thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của mình; Cố ý vi phạm quy chế về quản lý tài sản thế chấp khi trả tài sản đảm bảo mà hợp đồng chưa thanh lý, ký các chứng từ thu chi vào hồ sơ kế toán khống để che đậy sai phạm, giữ vai trò giúp sức cho bị cáo Sơn thực hiện hành vi phạm tội.

Bị cáo Phạm Văn Đứng là chủ tịch hội đồng quản trị, biết rõ trách nhiệm của mình nhưng vi phạm pháp luật, vi phạm điều lệ trong quản lý, gây thiệt hại cho quỹ tín dụng; tạo điều kiện cho Sơn thực hiện hành vi phạm tội, gián tiếp gây thiệt hại cho quỹ tín dụng.

Bị cáo Hà là kiểm soát trưởng quỹ tín dụng, biết rõ trách nhiệm của mình trong việc kiểm tra giám sát quỹ tín dụng hoạt động đúng pháp luật nhưng bị cáo Hà không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của mình; tạo điều kiện cho Sơn thực hiện hành vi phạm tội, gián tiếp gây thiệt hại cho quỹ số tiền 16,6 tỉ đồng.

Tư cách tham gia tố tụng của Quỹ Tín dụng nhân dân Nhà Bè

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, TAND TP.HCM nhận được đơn kiến nghị của Quỹ Tín dụng nhân dân Nhà Bè, đề nghị xác định lại tư cách tham gia tố tụng trong vụ án là bị hại, thay vì là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Về việc này, HĐXX xét thấy theo bản cáo trạng của VKSND TP.HCM truy tố bị cáo Sơn và đồng phạm về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo khoản 4 Điều 206 BLHS, vì có khách thể là trật tự quản lý kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng.

Do đó, TAND TP.HCM xác định tư cách tham gia tố tụng của Quỹ Tín dụng nhân dân Nhà Bè là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án là phù hợp với Điều 62 BLTTHS và căn cứ áp dụng pháp luật, giới hạn của việc xét xử.

TRẦN LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cuu-giam-doc-quy-tin-dung-nhan-dan-nha-be-lanh-an-post827630.html