Cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương được cấp dưới chia 7 tỉ đồng vì 'nâng đỡ' Việt Á

Bị can Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) bị xác định có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, chỉ đạo làm trái các quy định của pháp luật trong đấu thầu gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Hưởng ứng và chỉ đạo cấp dưới làm trái

Theo kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, ông Phạm Mạnh Cường làm Giám đốc Sở Y tế Hải Dương, là người đại diện theo pháp luật, điều hành chung mọi hoạt động của Sở Y tế Hải Dương. Ông Cường cũng là thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh này.

Sau khi được ông Phạm Xuân Thăng (cựu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương) trao đổi về việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị cho Công ty Việt Á về tỉnh thực hiện việc xét nghiệm và hỗ trợ chống dịch, đồng thời thực hiện kết luận của ông Thăng tại cuộc họp trực tuyến Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương mở rộng, vị cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương đã ký Kế hoạch “Giao CDC phối hợp với Công ty Việt Á tổ chức lấy mẫu và xét nghiệm…” và văn bản của Sở Y tế chỉ đạo CDC ký hợp đồng với Công ty Việt Á tổ chức xét nghiệm.

Bị can Phạm Mạnh Cường - cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương.

Bị can Phạm Mạnh Cường - cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương.

Bị can Cường biết CDC Hải Dương ứng trước test xét nghiệm, vật tư sinh phẩm y tế của Công ty Việt Á để sử dụng phòng chống dịch từ đầu tháng 2-2021, sau đó mới hợp thức hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng để thanh toán tiền cho Việt Á.

Tuy nhiên, trong quá trình CDC Hải Dương hợp thức các thủ tục thanh toán tiền cho phía doanh nghiệp, bị can Cường vẫn thực hiện ký các công văn của Sở Y tế gửi Sở Tài chính đề nghị thẩm định, bố trí nguồn kinh phí thực hiện phòng chống dịch COVID-19 với tổng số tiền hơn 230 tỉ đồng và đề xuất UBND tỉnh cấp dự toán kinh phí bổ sung cho Sở Y tế để cấp cho CDC.

Ngoài ra, bị can Cường cũng ký các Quyết định cấp dự toán kinh phí bổ sung cho CDC Hải Dương; Báo cáo thẩm định và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hình thức chỉ định thầu rút gọn, làm căn cứ để CDC Hải Dương hoàn thiện hồ sơ đấu thầu, ký hợp đồng và thanh toán hơn 147 tỉ đồng cho Việt Á từ nguồn ngân sách Nhà nước trái quy định. Trong đó, thanh toán 226.176 test xét nghiệm do Công Việt Á sản xuất, trị giá hơn 106 tỉ đồng, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước.

Theo kết luận điều tra, trong quá trình chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh tại Hải Dương, Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương) đã 6 lần đến phòng làm việc của Cường tại trụ sở Sở Y tế tỉnh Hải Dương để đưa 7 tỉ đồng.

Bị can Cường khai rằng trước và trong khi nhận tiền, ông này không biết việc Tuyến trao đổi, bàn bạc, thỏa thuận, thống nhất với Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Việt Á) chi tiền % ngoài hợp đồng cho CDC Hải Dương.

Cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương cũng khai rằng, bản thân không thỏa thuận, bàn bạc với Tuyến về việc đưa nhận tiền, không gợi ý hoặc gây khó khăn nhằm mục đích để Tuyến phải đưa tiền.

Bị can Phạm Mạnh Cường (cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương) bị đề nghị truy tố tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, gây thiệt hại tài sản Nhà nước hơn 73 tỉ đồng.

Bí ẩn mối quan hệ của hai nữ bị can

Trong một diễn biết khác liên quan, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã đề nghị truy tố hai bị can về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, theo khoản 3, Điều 366 – BLHS. Đó là Nguyễn Thị Thanh Thủy - cựu chuyên viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Nguyễn Bạch Thùy Linh - Giám đốc Công ty SNB Holdings, kiêm sở hữu Công ty Giang San.

Hai bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh.

Hai bị can Nguyễn Thị Thanh Thủy và Nguyễn Bạch Thùy Linh.

Kết luận tra thể hiện, Thủy và Linh gặp Phan Quốc Việt (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) và yêu cầu cho Công ty Giang San làm đại lý cấp 1 xuất khẩu test Covid của doanh nghiệp này với mức chiết khấu 40% giá trị các hợp đồng. Đổi lại, Nguyễn Thị Thanh Thủy có trách nhiệm giúp Công ty Việt Á được cấp giấy chứng nhận xuất khẩu, tự do lưu hành.

Phan Quốc Việt đồng ý mức chiết khấu trên dù bình thường, ông ta chi thấp hơn, như CDC Hải Dương chỉ nhận được từ 20-25% giá trị hợp đồng. Việt khai đồng ý chi 40% cho Thủy vì người này: “Có mối quan hệ cá nhân, có thể can thiệp, tác động giúp Công ty Việt Á”.

Tháng 3-2020, Thủy và Linh biết Công ty Capitaland của Singapore muốn ủng hộ Chính phủ Việt Nam số hàng hóa chống Covid trị giá 1 triệu USD nên đã tác động doanh nghiệp này mua test của Việt Á để trao tặng. Capitaland đồng ý nhưng yêu cầu phải có Thư cảm ơn của Chính phủ hoặc đại diện Chính phủ phải có mặt trong lễ trao tặng để tăng uy tín của doanh nghiệp trên thị trường Việt Nam.

Phan Quốc Việt không thực hiện được yêu cầu trên nhưng Thủy và Linh làm được, theo kết luận. Sau khi mua số test trị giá 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng) từ Việt Á, Công ty Capitaland tổ chức trao tặng cho Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Buổi trao tặng diễn ra ngày 7-4-2020, có sự tham gia của bị can Nguyễn Thanh Long (khi đó là Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế) và một số lãnh đạo cơ quan cấp trung ương. Hai ngày sau, Phan Quốc Việt chỉ đạo cấp dưới đưa hơn 8 tỷ tiền mặt chiết khấu hợp đồng cho bị can Linh và Nguyễn Thị Thanh Thủy được chia 2 tỷ đồng trong số này.

Khai báo tại CQĐT, Thủy cho hay đã gọi điện mời Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long và nhắn tin mời bà Trương Thị Ngọc Ánh (Phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc) tới dự buổi trao tặng test Việt Á của Công ty Capitaland. Để đảm bảo ông Nguyễn Thanh Long có mặt, Thủy còn gọi điện cho thư ký và vợ của bị can bày nhờ “nhắc lịch tham dự đúng ngày”.

Bị can Nguyễn Thanh Long khai, biết Thủy có “mối quan hệ rộng với người có chức vụ, quyền hạn” nên khi được yêu cầu, đã nhận lời tham dự buổi trao tặng để “ghi nhận hình ảnh” theo nguyện vọng của Thủy và Công ty Capitaland.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/cuu-giam-doc-so-y-te-hai-duong-duoc-cap-duoi-chia-7-ti-dong-vi-nang-do-viet-a-post549503.antd