Cựu giáo chức Cơ quan Bộ GD&ĐT: Tâm huyết và trách nhiệm với ngành
Cựu giáo chức (CGC) cơ quan Bộ GD&ĐT – những người đã một thời là Cán bộ Quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực GD, từng có nhiều năm hoạt động, cống hiến, tích lũy nhiều lý luận và kinh nghiệm thực tiễn đáng trân trọng.
Cũng chính vì vậy, CGC CQ Bộ GD-ĐT là một lực lượng cần thiết trong lĩnh vực tư vấn, phản biện chính sách cũng như về công tác GD-ĐT của nước ta. Năm 2020, với nhiều chính sách mới được ban hành, và trước ý kiến nhiều chiều của xã hội, Hội CGC cơ quan Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo trao đổi về các vấn đề này. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn NGND. TS Đặng Huỳnh Mai - Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, Phó chủ tịch Hội CGC Việt Nam, Chủ tịch Hội CGC cơ quan Bộ GD-ĐT về các vấn đề được nhà giáo và xã hội quan tâm.
Xin Chủ tịch Hội cho biết trong bối cảnh nào mà Hội CGC cơ quan Bộ GD-ĐT lại tổ chức hội thảo "Tư vấn, phản biện chính sách về GD-ĐT", ngay sau thời gian giãn cách xã hội dịch Covid-19?
Chủ tịch Đặng Huỳnh Mai: Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên thực hiện chương trình đổi mới toàn diện GD phổ thông, bắt đầu bằng việc thay SGK lớp 1. Việc đổi mới GD phổ thông lần này được xem là một sự đột phá mới về phương pháp Dạy và Học nhằm đào tạo ra những con người Việt Nam mới, tiến tới mục tiêu đạt chuẩn công dân toàn cầu. Để công cuộc đổi mới đạt yêu cầu đột phá chắc chắn nó phụ thuộc cơ bản vào đội ngũ nhà giáo và CBQLGD. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh vai trò quyết định của công tác cán bộ khi chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng 13, thì công tác cán bộ của ngành cũng là nhân tố quyết định cho sự thành bại của sự nghiệp GD&ĐT.
Trong năm học này, Đảng và Nhà nước cũng sẽ ban hành nhiều chính sách mới đối với GD-ĐT. Trong quá trình này, rất cần có sự tư vấn phản biện của nhiều tổ chức, cá nhân, trong đó có lực lượng CGC của ngành ta. Với tinh thần trách nhiệm, với tâm huyết cùng sự liên tục nỗ lực vì sự phát triển của ngành và thế hệ tương lai đất nước, các CGC cơ quan Bộ sẽ dành kinh nghiệm tích lũy để tư vấn, phản biện với hy vọng góp một tiếng nói nghề nghiệp, một kênh tư vấn cho cơ quan xây dựng chính sách.
Tại hội thảo này, những vấn đề nào của chính sách được các CGC CQ Bộ quan tâm trao đổi nhiều, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch Đặng Huỳnh Mai: Liên quan đến GD-ĐT, có rất nhiều chế độ chính sách mới được ban hành dựa trên Luật Giáo dục có hiệu lực từ năm 2019. Các CGC, tùy theo lĩnh vực đã mình từng lao động, thực thi, quản lý hoặc theo dõi nghiên cứu nhiều năm mà đề xuất các giải pháp góp một phần kinh nghiệm trong khả năng nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý.
Ví dụ: tham luận của TS Lê Viết Khuyến về hình thức sở hữu, chủ sở hữu và cơ cấu hội đồng trường cho các cơ sở GD đại học; vấn đề đảm bảo nguồn lực tài chính cho GD-ĐT; vấn đề duy trì và bảo tồn hệ thống các trường sư phạm địa phương; vấn đề chính sách phát triển năng lực của giáo viên và học sinh; vấn đề trường chuyên; vấn đề đổi mới phương thức quản lý của Trung tâm GDTX và Trung tâm GD nghề nghiệp; giải pháp duy trì học 2 buổi/ngày ở cấp tiểu học…
Chủ tịch có thể điểm qua một số ý kiến tư vấn, phản biện tâm đắc, có cơ sở pháp lý và thực tiễn?
Chủ tịch Đặng Huỳnh Mai: Tôi ấn tượng với ý kiến của PGS Trần Xuân Nhĩ khi nói về "Nguy cơ đối với hệ thống trường sư phạm địa phương – một hệ thống sư phạm đã được xây dựng và tồn tại gần 60 năm qua". Và ông còn nói: "Kinh nghiệm nhiều năm quản lý hoạt động sư phạm cho phép chúng tôi có thể khẳng định không nên xóa đi hệ thống sư phạm địa phương để thay thế vai trò của nó bằng khoảng 10 trường đại học sư phạm trọng điểm". Từ cảnh báo đó, GS Nhĩ đã đề xuất một số kiến nghị cụ thể.
Về đảm bảo nguồn lực tài chính, nhà giáo Nguyễn Đức Hy (Học viện QLGD) đề xuất "thực hiện đa dạng hóa nguồn lực tài chính thông qua việc xây dựng chính sách học phí phù hợp, theo từng mục tiêu, đối tượng, môn học, ngành nghề, cách thức, phương tiện và dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Cần xây dựng một chế độ học phí không cào bằng, có phân biệt vùng miền, theo từng nhóm đối tượng".
Nhà giáo Phạm Đức Hạnh và nguyên Phó Chánh Thanh tra Bộ Trần Bá Giao cho rằng: nên đánh giá đúng thực chất mô hình hệ thống trường chuyên sau nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, ghi nhận thế mạnh và phát huy, đồng thời chỉ rõ những bất cập để có giải pháp thích hợp. Xóa bỏ sạch trơn là cực đoan, song giữ nguyên như hiện trạng thì sẽ là bảo thủ, sự cần thiết là đổi mới và phát triển toàn diện trong tiến trình đổi mới GD phổ thông bao gồm CT-SGK và tài liệu tham khảo, chuẩn CBQL và GV, phương thức tuyển sinh, chế độ tài chính… Việc phát triển hệ thống trường chuyên, đề án xây dựng và phát triển hệ thống trường chuyên đã được Bộ chỉ đạo thực hiện nhiều năm nay, nên tổng kết và rút ra những kinh nghiệm trong việc thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng nhân tài phục vụ cho quá trình phát triển của đất nước ta.
Theo Chủ tịch, những ý kiến tư vấn phản biện này liệu có là một kênh tham khảo hữu ích để có thể xây dựng và điều chỉnh chế độ chính sách đối với GD-ĐT?
Chủ tịch Đặng Huỳnh Mai: Tôi tin tưởng vào điều này vì Lãnh đạo Bộ luôn ủng hộ Hội CGC CQ Bộ trong mọi hoạt động theo tôn chỉ mục đich của Hội.
Trân trọng cảm ơn Chủ tịch Hội CGC cơ quan Bộ GD-ĐT. Chúc cho Hội ngày càng phát triển cả về số và chất lượng, tiếp tục là một lực lượng song hành với cơ quan quản lý ngành để chấn hưng GD-ĐT trên con đường đổi mới.