Cứu giữ di sản một cách thiết thực và sáng tạo

Việc cứu giữ di sản không thể chỉ có Nhà nước làm. Những năm gần đây, chính nhờ người dân lên tiếng mà nhiều kiến trúc và cảnh quan đã tránh được 'tai ương' xâm phạm hay phá bỏ.

Cuối năm, giữa bộn bề sự kiện thế sự, vẫn đang có những chuyển động văn hóa tuy “nhẹ nhàng” nhưng không lặng lẽ: cuối tháng 11.2024, chợ Bến Thành chính thức được xếp hạng di tích kiến trúc - nghệ thuật cấp thành phố! Trước đó, vào tháng 9, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai quyết định không phá bỏ ngôi biệt thự cổ “nhà lầu ông Phủ” dọc tuyến đường đang mở ven sông.

Còn tại Đà Lạt, sau nhiều năm dư luận lên tiếng, chính quyền đã có chủ trương giữ nguyên kiến trúc và cảnh quan cũ của dinh Tỉnh trưởng xưa. Tại Hà Nội diễn ra Lễ hội thiết kế sáng tạo (9 -17.11) với nhiều hoạt động hay lạ chưa từng có. Đặc biệt, lần đầu tiên tòa nhà Phủ Thống sứ Bắc kỳ (Nhà khách Chính phủ), Đại học Đông Dương (Đại học Quốc gia) mở cửa cho dân chúng vào xem.

Trong khi ấy, Quốc hội bắt đầu thảo luận và thông qua việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản Văn hóa. Cuộc sống vẫn đang cần nhiều hành động mới mẻ và quyết liệt để cứu giữ di sản, khai thác và quảng bá những giá trị phong phú của tiền nhân.

Đưa di sản vào trường học

Ngày 18.11 vừa qua, Trường Petrus Ký, nay là Lê Hồng Phong - TP.HCM lần đầu tiên có triển lãm tem. Những con tem nhỏ bé mang hình ảnh cuộc đời các danh nhân, lịch sử thành phố, thắng cảnh và văn hóa năm châu bỗng chốc cuốn hút đông đảo học sinh - vốn bấy lâu quen dí mắt vào điện thoại di động.

Thấy vậy, bất ngờ các thầy cô đã đưa các tiết học sử ra nơi triển lãm để giảng dạy. Học sinh thích thú khám phá kiến thức nhân văn không phải là những dòng chữ khô khan mà là những hình ảnh sống động, những câu chuyện thú vị và suy ngẫm đa dạng. Nhìn cảnh học sinh ngồi quây quần trước các khung triển lãm tem nghe một “thanh niên” tóc bạc chia sẻ ký ức về đất nước và con người Việt Nam, tôi càng cảm nhận một cách làm gần gũi mà độc đáo của những người thiết tha với di sản cha ông và nhân loại.

Người đem “thế giới thu nhỏ” vào học đường là doanh nhân Nguyễn Đại Hùng Lộc, Phó chủ tịch Hội Tem TP.HCM. Là một cựu học sinh của trường hơn 50 năm trước, ông xúc động trở lại trường xưa, đóng góp một hoạt động hữu ích cho các đồng môn thế hệ sau. Ông kể thú chơi tem vốn dĩ xuất phát từ mái trường, từ những câu lạc bộ không tên.

Thuở ấy thầy và trò “ghiền” tem truyền tay nhau những quyển album nhỏ nhưng chứa đựng một “kho tàng” lớn về đủ các lĩnh vực chân - thiện - mỹ. Học trò, phần lớn là thư sinh nghèo, ky cóp tiền ăn mua từng con tem hay xin bì thư đã dùng để lấy tem cũ. Họ cùng chung sở thích “lê la” bưu điện và những cửa tiệm tem hiếm hoi, học hỏi và trao đổi tem trong lớp, thậm chí cả với nước ngoài qua đường bưu điện.

Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc giới thiệu tem và bưu ảnh liên quan Chủ tịch Hồ Chí Minh, các danh nhân Việt Nam, các thành phố nổi tiếng cho thầy trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sáng 18.11.2024.

Ông Nguyễn Đại Hùng Lộc giới thiệu tem và bưu ảnh liên quan Chủ tịch Hồ Chí Minh, các danh nhân Việt Nam, các thành phố nổi tiếng cho thầy trò Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong sáng 18.11.2024.

Hóa ra thú chơi tem là “tấm thảm thần” đưa những tâm hồn trẻ ra với khoa học, văn hóa và nghệ thuật xuyên biên giới. Không ít người như ông Lộc, lớn lên đi làm, có trong tay sự nghiệp, thường đi đây đi đó nhưng vẫn không quên “tấm thảm” kỳ diệu này. Họ tiếp tục chơi và không dừng lại ở tem hay bưu ảnh mà còn mở rộng ra những sách báo xưa, giấy tờ và đồ vật - lưu giữ ký ức quá khứ.

Những người yêu cổ vật như ông Lộc đang coi việc đưa triển lãm tem vào trường học, hồi phục thú chơi tem tao nhã cho giới trẻ là một mục tiêu mới của mình. Đấy cũng chính là một trong những hoạt động rất thực tế, khả thi cho việc trao truyền, nuôi dưỡng tinh thần tôn trọng và tôn vinh những giá trị di sản của các thế hệ đi trước.

Những ngày vừa rồi, ông Lộc còn chủ động đề xuất làm bộ tem kỷ niệm 100 năm Trường Petrus Ký - Lê Hồng Phong (1927 - 2027). Ông tìm hiểu cặn kẽ thủ tục lập hồ sơ, xin giấy phép thiết kế, in ấn và phát hành để phổ biến cho trường. Dĩ nhiên, câu chuyện sinh nhật bách niên của một ngôi trường lớn không thể chỉ làm trong ngày một - ngày hai và chỉ do nhà trường chuẩn bị. Ban giám hiệu Trường Lê Hồng Phong hiện rất vui đã có nhiều cựu học sinh tự nguyện tiếp tay cho hoạt động kỷ niệm. Chưa cần làm những việc to tát và tốn kém, họ bắt đầu từ việc tập hợp tài liệu, hình ảnh về thầy xưa, bạn cũ tiến đến làm kỷ yếu, làm tem và website... Trong số này, có ý kiến đề nghị một việc nhỏ cần làm ngay là lập một bảng lưu niệm ghi tóm tắt tuổi đời, kiến trúc sư thiết kế và lịch sử của nhà trường. Chiếc bảng sẽ đặt trang trọng ngoài cổng trường như một kỷ vật tin yêu cho mọi người cùng biết đến.

Những tấm bảng lưu niệm có khó không?

Rất nhiều công trình kiến trúc còn tồn tại sau 100 năm ở Việt Nam vẫn đang chờ những chiếc bảng lưu niệm như thế. Với ngôi chợ Bến Thành sắp sang con số đẹp 111 năm tuổi, chắc hẳn không thể thiếu những tấm bảng ghi nhận lịch sử ngay ở 4 cổng chợ. Ngôi chợ nổi tiếng nhất thành phố sẽ thêm lôi cuốn du khách, nhất là giới trẻ bằng những chiếc bảng lưu niệm thiết kế hay đẹp.

Chợ Bến Thành hoàn thành năm 1914, xây sửa lớn năm 1985, đến tháng 3.2025 tròn 111 tuổi vẫn chưa có bảng lưu niệm. Quảng trường Quách Thị Trang phía trước chợ, nơi diễn ra nhiều cuộc xuống đường yêu nước sôi động, vẫn đang chờ sự trở lại của tượng đài Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang.

Chợ Bến Thành hoàn thành năm 1914, xây sửa lớn năm 1985, đến tháng 3.2025 tròn 111 tuổi vẫn chưa có bảng lưu niệm. Quảng trường Quách Thị Trang phía trước chợ, nơi diễn ra nhiều cuộc xuống đường yêu nước sôi động, vẫn đang chờ sự trở lại của tượng đài Trần Nguyên Hãn và Quách Thị Trang.

Với trụ sở UBND TP.HCM - “dinh Xã Tây” cũng vậy, một lâu đài cổ điển tuyệt mỹ - ra đời năm 1909, hiện chỉ trưng bày giấy công nhận di tích cấp quốc gia bên trong đại sảnh. Nếu có bảng lưu niệm ngoài cửa cho dân chúng và du khách qua lại được thưởng ngoạn dễ dàng thì giá trị tòa nhà sẽ gia tăng hơn nữa. Cùng cảnh ngộ, tòa nhà Bưu điện Thành phố uy nghi - khai sinh 1890, được tạp chí kiến trúc Architectural Digest (Mỹ) xếp hạng 2/11 bưu điện đẹp nhất thế giới, hay Nhà hát Thành phố (1901) đều rất cần những bảng khắc ghi cuộc đời và sự nghiệp mà các bậc “lão niên” đã xây đắp. Và rồi, ở Hà Nội, những công trình kỳ vĩ như cầu Long Biên (1902), Phủ Chủ tịch (1905), Nhà hát Lớn (1911), Nhà khách Chính phủ (1917) hoặc trụ sở Bộ Ngoại giao (1928) đều xứng đáng được đặt những chiếc bảng vinh danh tương tự.

Những chiếc bảng lưu niệm như trên không chỉ dành cho các kiến trúc lâu đời. Chúng hoàn toàn có thể đặt ở bất cứ tòa nhà nào cũ hay mới để ghi nhận câu chuyện quá khứ và hiện tại. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy các bảng lưu niệm (commemorative hay memorial board) chỉ cần làm với kích thước nhỏ, vật liệu đá hay kim loại, hoặc gỗ, được gắn ở các vị trí dễ nhận ra nhất ở công trình. Trong thời đại digital và AI, nếu có những tấm bảng điện tử có khả năng tương tác cao, thiết kế sáng tạo thì nội dung và giá trị của các bảng lưu niệm càng gia tăng thú vị hơn nữa. Như vậy thôi cũng đủ tri ân người thiết kế, chủ nhân và đặc biệt là những nhân vật lịch sử từng sinh sống hay làm việc tại đấy.

Bảng lưu niệm cây cầu cổ thế kỷ XIX ở Singapore

Bảng lưu niệm cây cầu cổ thế kỷ XIX ở Singapore

Không phải đi đâu xa để tìm kiếm hình mẫu những tấm bảng lưu niệm trực quan. Ở đại sảnh Thư viện Khoa học Tổng hợp TP.HCM (trước tháng 4.1975 là Thư viện Quốc gia), thật may mắn vẫn còn một tấm bảng bằng đá granite ghi rõ ngày khởi công - năm 1968 và hoàn thành - năm 1971. Trên đó có thêm chi tiết về kiến trúc sư, nhà thầu xây dựng và khách VIP khánh thành. Hay như tại Lăng Ông (quận Bình Thạnh), đền thờ Trần Hưng Đạo (quận 1), các hội quán Hoa kiều ở Chợ Lớn đều có những bảng ghi gốc tích thờ phụng, năm xây dựng và người tài trợ. Những tấm bảng lưu niệm mang hồn cốt người xưa đã trở thành một bộ phận của di sản, một “sổ tay cổ vật” thiêng liêng.

Thúc đẩy xã hội cùng chung tay

Đồng tình với ý kiến làm bảng lưu niệm, ông Nguyễn Minh Nhựt - Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM, phụ trách di sản, nói với người viết: “Không nhất thiết chỉ có Nhà nước mới đặt bảng lưu niệm. Các hội đoàn xã hội vẫn có thể tham gia việc này. Đó là công việc chung, nghĩa cử chung của xã hội”. Quả thật, việc cứu giữ di sản không thể chỉ có Nhà nước làm. Trong thực tế những năm gần đây chính nhờ người dân lên tiếng mà nhiều kiến trúc và cảnh quan đã tránh được “tai ương” xâm phạm hay phá bỏ.

Điển hình là việc giữ được không gian quanh hồ Gươm tại Hà Nội không bị lấn át bởi dự án tòa nhà cao tầng số 8 Lê Thái Tổ, hơn 20 năm trước. Hay như việc bảo tồn “dinh Thượng Thơ” tại TP.HCM vào năm 2018. Hoặc việc ngăn chặn biến dinh Tỉnh trưởng và Đồi Dinh Đà Lạt thành quần thể nhà cao tầng - khu phức hợp khách sạn - thương xá hào nhoáng, vào năm 2020. Người dân, trong đó có nhiều cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực kiến trúc, nghệ thuật, truyền thông và pháp lý đã không ngần ngại lên tiếng qua báo chí, hội thảo khoa học và ngay cả thỉnh nguyện thư online để cứu giữ di sản.

Mới đây nhất, những người yêu quý lịch sử đã tổ chức ký họa, chụp hình tại chỗ “nhà lầu ông Phủ” ở Đồng Nai và triển lãm ngay lập tức trên Facebook. Qua đó xã hội có thêm thông tin rộng rãi và rất ấn tượng để biết đến một công trình kiến trúc quý hiếm có nguy cơ biến mất. Kết quả, với sự lên tiếng tích cực, đầy tính xây dựng của xã hội, tòa nhà xưa đã “sống sót” và đang được chính quyền lập hồ sơ di tích.

Không thể nào khác, các cơ quan chuyên môn của Nhà nước cần lắng nghe và mời gọi đóng góp nhiều hơn nữa từ các cá nhân, tổ chức xã hội trong việc giữ gìn, phát huy giá trị di sản. Đó không chỉ là đóng góp bằng tiền bạc mà trước hết là bằng ý kiến phản biện và thông tin giám sát. Với riêng các di sản vật thể, cho đến nay nhiều công trình từ nhà cửa, cây xanh, công viên tượng đài - thực chất là tài sản công. Do vậy người dân cần có thông tin minh bạch về hiện trạng và bất cứ khả năng thay đổi nào để kiểm tra, ngăn chặn những hành vi sai trái.

Du khách nước ngoài thưởng ngoạn trang phục và âm nhạc Việt Nam trong tour 45 phút trên sông của Saigon Water Bus

Du khách nước ngoài thưởng ngoạn trang phục và âm nhạc Việt Nam trong tour 45 phút trên sông của Saigon Water Bus

Những năm qua đã có một số điều luật quy định việc phải hỏi ý kiến dân trước khi phá bỏ hay xây sửa các cảnh quan và kiến trúc công cộng. Tuy nhiên việc này nhiều nơi chưa thực thi hay chỉ làm chiếu lệ. Thiết nghĩ, chính quyền các tỉnh thành phải cân nhắc kỹ lưỡng và nghiêm khắc triển khai việc hỏi ý kiến người dân trước khi ký giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng ở những nơi trên.

Một cách đau xót, chúng ta không quên những bài học “sự đã rồi” như đã xảy ra với công viên Chi Lăng, khu nhà Eden, tòa nhà Thương xá Tax ngay trung tâm TP.HCM hay khu nhà máy Ba Son vào 10 năm trước đây. Xin đừng để lặp lại việc phá tan hay làm biến hình dị dạng các nhà cửa, kiến trúc, môi trường thiên nhiên “vang bóng một thời” để thay bằng những dự án mỹ miều, chạy theo kim tiền của những lợi ích nhóm hay tầm nhìn thiển cận.

Luật Di sản Văn hóa vừa được sửa đổi cho thấy có thêm nhiều quy định mới hữu ích và khả dụng trong việc cứu giữ kho báu văn hóa của các dân tộc Việt Nam. Nổi bật là các quy định về ưu tiên bố trí ngân sách cho các hoạt động đặc thù, quỹ bảo tồn di sản văn hóa các cấp, đào tạo nhân lực chuyên môn, xác định khu vực bảo vệ di sản khi có công trường xây dựng. Đặc biệt là quy định về “xã hội hóa” các nguồn lực gìn giữ di sản. Mong rằng, với nội dung luật mới, các cơ quan chuyên môn từ văn hóa và du lịch, nghiên cứu lịch sử và khảo cổ đến quy hoạch - kiến trúc và xây dựng cũng như giáo dục và công thương sẽ liên đới vào cuộc nhanh hơn trong hành trình cứu giữ di sản.

Chắc chắn với nhiều hành động thiết thực và sáng tạo, chúng ta sẽ không để mất và có thể hồi phục những giá trị văn hóa của các thế hệ đi trước đã dày công xây đắp.

Bài và ảnh: Phúc Tiến

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/cuu-giu-di-san-mot-cach-thiet-thuc-va-sang-tao-46330.html