Cưu mang những mảnh đời bất hạnh

Thương cảm với những mảnh đời vừa sinh ra đã bị người thân bỏ rơi hoặc gởi nhờ nuôi dưỡng vì hoàn cảnh nghèo khó, bệnh tật, từ nhiều năm qua, sư cô Thích Nữ Tâm Hạnh (phụ trách cơ sở Cô nhi viện Lục Hòa) đã đón nhận, cưu mang, nuôi dưỡng hàng chục trẻ nhỏ. Người sư cô ấy mong muốn một mai những mầm non sẽ được chắp cánh, đi tiếp chặng đường dở dang.

Nhận nuôi những số phận cơ nhỡ

Cô nhi viện Lục Hòa nằm dưới chân núi Voi (thuộc chùa Nguyên Không, xã Định An, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng), hiện đang cưu mang 42 cháu bé, mỗi cháu một số phận, không ai giống ai. Dẫn chúng tôi đi tham quan khuôn viên cô nhi viện, sư cô Thích Nữ Tâm Hạnh cho biết, để có được cơ sở nuôi cùng lúc nhiều trẻ như hôm nay, những ngày đầu, sư cô cùng ni sư, đồ đệ, phật tử, nhà hảo tâm phát dọn cỏ, dựng nhà gỗ, khoảng 4 năm mới xong.

Tiếng ầu ơ phát ra từ căn phòng phía sau dãy nhà thu hút chú ý của mọi người đến thăm cơ sở. Trong căn phòng nhỏ, một sư cô đang vỗ về một bé gái sơ sinh, đó là thành viên mới được đưa vào cô nhi viện.

Sư cô Tâm Hạnh khựng lại, giọng trầm ngâm: “Bé gái được khoảng 2 tháng tuổi. Lúc mới sinh mắc tim bẩm sinh, lao phổi nặng và bị bệnh down. Điều bất hạnh là là mẹ cháu bỏ rơi cháu tại bệnh viện, sau đó một người đàn ông đưa cháu đến cô nhi viện. Thấy hoàn cảnh đáng thương, cô nhi viện nhận ngay”. Bé gái được các sư cô đặt tên Hà Nguyên Anh, sau đó được đưa trở lại bệnh viện phẫu thuật, đến giờ tình hình sức khỏe của bé đã đỡ hơn. Hà Nguyên Anh thỉnh thoảng nhoẻn miệng cười khi có người chạm vào võng.

Sư cô Tâm Hạnh (ngoài cùng bên phải) và những trẻ nhỏ được cưu mang, nuôi dưỡng tại Cô nhi viện Lục Hòa

Sư cô Tâm Hạnh (ngoài cùng bên phải) và những trẻ nhỏ được cưu mang, nuôi dưỡng tại Cô nhi viện Lục Hòa

Trong số khách đến thăm và hỗ trợ cô nhi viện, một nhóm bạn trẻ đến từ Đà Lạt đang tất bật chuyển đồ chơi từ ô tô xuống. Bạn Lan Anh (thành viên trong nhóm) nói: “Nhìn cách mọi người chăm sóc cho các cháu nhỏ, nhất là trẻ sơ sinh, mới thấy được sự tận tâm của mọi người ở mái ấm tình thương này”. Khi hỏi về những đứa trẻ từng được cô nhi viện nhận nuôi, sư cô Tâm Hạnh cười: “Giờ phải mở sổ ra mới rõ. Nhưng có một vài trường hợp, tôi không thể nào quên”.

Sư cô kể, đó là lần đầu sư cô nhận 3 chị em gái do một người phụ nữ dẫn tới cô nhi viện chùa Hương Sơn (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). “Buổi chiều hôm đó, một người phụ nữ (chị gái của mẹ các cháu) dắt 3 bé gái 5 tuổi, 4 tuổi và 3 tuổi đến chùa xin giúp nuôi. Người phụ nữ nói, do mẹ các cháu phạm tội trộm cắp, bị đi tù. Người cha thì bệnh, mất khả năng lao động, gia đình cũng khó khăn không đủ khả năng chăm, nuôi.

Thương hoàn cảnh bất hạnh, sư cô Tâm Hạnh lập tức nhận 3 cháu nhỏ. Ít năm sau, người mẹ mãn hạn tù, đến chùa Hương Sơn xin đưa 3 con về tiếp tục nuôi dạy. Đó là khi các con đang lớp 5, 6 và 7 tại các trường học trong vùng...

Năm 2006, cùng với sự chung sức của các phật tử, sư cô Tâm Hạnh hoàn thành việc xây dựng ngôi chùa Nguyên Không và Cô nhi viện Lục Hòa để đón các trẻ nhỏ từ chùa Hương Sơn lên nuôi dạy. Về nơi mới, cơ sở tiếp tục nhận nuôi nhiều trường hợp khác. Có cháu sơ sinh hơn 2 năm trước được người dân phát hiện bị bỏ rơi trong hốc đá, giờ cũng biết đi, biết nói. Trường hợp 3 anh em (3-4 tuổi) người K’Ho, bố mất sớm, mẹ bỏ đi, cũng được cô nhi viện nuôi lớn khôn từng ngày… Đến nay, Cô nhi viện Lục Hòa đã nuôi dưỡng tổng cộng 70 trường hợp, trong đó có nhiều người giờ đã trưởng thành và tự lo được cho bản thân.

Trường học miễn phí

Trong lúc trò chuyện, chúng tôi nghe tiếng trẻ con chơi đùa, đánh vần ở khu bên cạnh cô nhi viện. Thấy mọi người tỏ vẻ thắc mắc, sư cô nói: “Đó là học sinh của Trường Mầm non Bồ Đề Nhí. Các sư cô trong chùa trực tiếp dạy miễn phí”. Ngôi trường 2 tầng xây kiểu hình chữ U khang trang, với nhiều phòng học. Bên trong mỗi phòng đều được trang bị ghế ngồi, đồ chơi, hộc đựng đồ cá nhân cho từng trẻ.

Sư cô Tâm Hạnh nhớ lại: “Giấc mơ xây dựng ngôi trường mầm non phục vụ các cháu bất hạnh và những trẻ em nghèo khó tại địa phương có từ 5 năm trước. Khi đó vừa lên vùng đất Định An mở cơ sở mới, chứng kiến cảnh các cháu nhỏ mới 2-3 tuổi phải theo bố mẹ lên vườn, rẫy, ngồi tự chơi một mình dưới gốc cây, vì gia đình không có điều kiện gửi nhà trẻ, nhà chùa nghĩ đến việc mở điểm trông trẻ cho những gia đình trong vùng”.

Sau khi đi hết một vòng khuôn viên ngôi trường, sư cô Tâm Hạnh tươi cười: “Nhà chùa không nhận tiền, ngôi trường khang trang này được mọi người chung tay phát cỏ, dọn đất, xây dựng. Người góp gạch, người góp cát, gỗ, sắt; có mạnh thường quân đưa lao động từ Đà Lạt xuống để xây trường”.

Sau nhiều năm xây dựng và hoàn thành các thủ tục, đến tháng 9-2020, Trường Mầm non Bồ Đề Nhí khai giảng năm học đầu tiên với 11 cháu của cô nhi viện. Sau đó, những người dân trong vùng nghe nói đến điểm trường mới nhận nuôi dạy trẻ miễn phí liền đưa con, em đến gửi.

“Hình ảnh ngập tràn niềm vui của những người cha người mẹ và những tiếng khóc của các cháu ngày đầu còn lạ trường, khiến các sư cô tại chùa Nguyên Không không thể nào quên. Tuần đầu tiên trường đón vài cháu, 2 tuần tiếp theo số lượng tăng vọt với khoảng 60 cháu nhỏ”, sư cô Tâm Hạnh cho biết. Nhờ các nhà hảo tâm chung tay đóng góp mà trong khuôn viên trường rộng hàng ngàn mét vuông, các cháu nhỏ thỏa sức nô đùa và ngay cả những bữa ăn cũng được miễn phí, đảm bảo các tiêu chuẩn trường học dành cho lứa tuổi mầm non.

Khi bóng chiều dần khuất sau dãy núi trước mặt, những phụ huynh trong bộ quần lao động lấm lem đất đỏ của vùng cao nguyên đứng trước sân trường để đón con. Trong lúc chờ con tan trường, chị Trần Thị Lê (xã Hiệp An) niềm nở: “Nhờ nhà trường nhận nuôi, dạy miễn phí mà cậu con trai 3 tuổi của tôi không phải theo bố mẹ lên vườn, gia đình vừa yên tâm lao động, vừa đỡ được một khoản kinh phí chi tiêu hàng tháng”.

Không chỉ chăm lo việc học cho lứa tuổi mầm non, những thành viên ở trong cô nhi viện luôn khuyến khích, động viên các con có sức học tốt sẽ được nuôi đến khi học xong đại học. Trong số các trẻ được nhận nuôi tại Cô nhi viện Lục Hòa có 8 trường hợp đã tốt nghiệp đại học, 3 em đang học và sắp tới có 3 em thi đại học. Trên hành trình nuôi dưỡng những mảnh đời dở dang, sư cô Tâm Hạnh luôn tâm niệm: “Nếu như cưu mang một số phận bị bỏ rơi là cứu thân thể, để các con được đi học giống như giúp các con có hành trang vào đời”.

Cô nhi viện Lục Hòa hình thành năm 2006, tiền thân là Cô nhi viện ở chùa Hương Sơn (núi Thị Vải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thành lập năm 1998 do sư cô Thích Nữ Tâm Hạnh quản lý. Sư cô là một trong những đại diện của tỉnh Lâm Đồng vinh dự được đi dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X. Sư cô cho biết, chuyến đi là dịp được gặp gỡ, biết thêm nhiều gương người tốt việc tốt và đó cũng là các câu chuyện để sư cô kể cho đám trẻ nhỏ ở mái ấm Lục Hòa về tình thương, sự chia sẻ, vượt khó vươn lên.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/cuu-mang-nhung-manh-doi-bat-hanh-721891.html