Cựu ngoại trưởng Mỹ Kissinger qua đời ở tuổi 100
Theo thông báo từ công ty tư vấn địa chính trị Kissinger Associates, cựu Ngoại trưởng Mỹ và người từng đoạt giải Nobel Hòa bình Henry Kissinger đã qua đời ngày 29/11 tại nhà riêng, hưởng thọ 100 tuổi.
Hãng tin Reuters trích dẫn thông báo từ Kissinger Associates cho biết nhà ngoại giao kỳ cựu này qua đời tại nhà riêng ở Connecticut nhưng không tiết lộ nguyên nhân cụ thể. Tuyên bố cũng cho biết tang lễ của ông sẽ được tổ chức riêng tư với gia đình trong khi lễ tưởng niệm ở thành phố New York sẽ được tổ chức một ngày sau đó.
Dưới tư cách là nhà ngoại giao hàng đầu về chính sách đối ngoại của chính phủ Mỹ trong suốt nhiều năm, ông Henry Kissinger là người tham gia vào nhiều sự kiện quốc tế mang tính thay đổi thời đại, đặc biệt là trong khoảng thời gian ông phục vụ dưới thời hai Tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford.
Về xuất thân, ông được sinh ra ở Furth, Đức, vào ngày 27/5/1923 với cái tên Heinz Alfred Kissinger. Tới năm 1938, ông chuyển tới Mỹ cùng gia đình và đổi tên mình thành Henry Kissinger. Ông chính thức nhập tịch Mỹ vào năm 1943, sau đó phục vụ trong quân đội ở Châu Âu trong Thế chiến thứ hai.
Ông theo học tại Đại học Havard, lấy bằng thạc sĩ năm 1952, bằng tiến sĩ năm 1954 và làm giảng viên tại đây trong 17 năm sau đó. Trong phần lớn khoảng thời gian này, ông còn làm cố vấn cho các cơ quan chính phủ. Khi Tổng thống Nixon đắc cử năm 1968, ông Kissinger được bổ nhiệm vào Nhà Trắng dưới tư cách Cố vấn An ninh Quốc gia và trở thành Ngoại trưởng năm 1973.
Ông đã đạt được nhiều thành tựu trong sự nghiệp chính trị của mình. Ông chính là người đã thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận rút quân lâu dài giữa Israel và Syria tại Cao nguyên Golan sau 32 ngày di chuyển liên tục giữa Jerusalem và Damascus. Hai chuyến thăm của ông tới Trung Quốc, trong đó có một chuyến thăm bí mật nhằm gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, chính là nguyên nhân dẫn tới hội nghị thượng đỉnh lịch sử của Tổng thống Mỹ Richard Nixon với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh và cuối cùng là việc chính thức hóa quan hệ giữa hai nước.
Trong 3 năm 1970-1972, ông Henry Kissinger cùng Cố vấn đặc biệt đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là ông Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris đã trải qua hàng chục phiên đàm phán căng thẳng tại Paris về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Sau nhiều bế tắc, tới 27/1/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết, đánh dấu một sự kiện lịch sử quan trọng.
Khi Tổng thống Gerald Ford nhậm chức vào mùa hè năm 1974, ông Kissinger cũng đã tháp tùng tân Tổng thống tới Vladivostok để gặp mặt nhà lãnh đạo Liên Xô Leonid Brezhnev. Cuộc gặp mặt này đã giúp hai bên đạt được sự đồng thuận về khuôn khổ cơ bản cho một hiệp ước vũ khí chiến lược – thỏa thuận đánh dấu những nỗ lực tiên phong của ông Kissinger nhằm giảm bớt căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô.
Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan năm 1971, Tổng thống Nixon và ông Kissinger đã phải nhận những chỉ trích nặng nề do cáo buộc nghiêng về phía Pakistan. Năm 1975, ông cũng đối mặt nhiều sự phản đối do đã không thuyết phục được Israel và Ai Cập đồng ý rút quân giai đoạn hai ở bán đảo Sinai. Trong khi đó, sự ủng hộ của ông đối với cuộc đảo chính quân sự của nhà độc tài Augusto Pinochet ở Chile cũng là một chủ đề gây ra nhiều tranh cãi.
Vào năm 1976 khi ông Jimmy Carter, một đảng viên Đảng Dân chủ, giành chiến thắng trong cuộc tranh cử và trở thành Tổng thống Mỹ, những ngày nắm giữ chức vụ ngoại giao trong chính phủ Mỹ của ông Kissinger chấm dứt.
Sau khi rời chính phủ, ông thành lập một công ty tư vấn địa chính trị ở New York, đưa ra lời khuyên cho giới thượng lưu và các doanh nghiệp trên thế giới. Ông phục vụ trong hội đồng quản trị của công ty trong khi tích cực tham gia vào nhiều diễn đàn an ninh và chính sách đối ngoại, viết sách và trở thành nhà bình luận truyền thông thường xuyên về các vấn đề quốc tế.
Trong khoảng thời gian nắm giữ các chức vụ trong chính phủ Mỹ, ông Kissinger nổi tiếng với phong cách ngoại giao con thoi – phong cách ngoại giao mang tính cá nhân cao và áp lực cao. Trong bài phỏng vấn năm 2006, cựu Tổng thống Mỹ Gerald Ford từng gọi ông Kissinger là một "siêu ngoại trưởng".