Cựu nữ pháo thủ kể chuyện xưa

Cựu chiến binh (CCB) Hồ Thị Nhân, nguyên Khẩu đội trưởng (kiêm pháo thủ số 1) Khẩu đội 1 Cối 82 ly thuộc Đại đội nữ Pháo binh 167 Phú Yên trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thời thanh xuân, bà cùng đồng đội xông pha trên các mặt trận, mưu trí, dũng cảm, bắn địch chuẩn xác và lập nhiều chiến công, góp phần vào cuộc đấu tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.

Bây giờ, đã gần “thất thập cổ lai hy”, bà Nhân vẫn còn rất yêu đời. Bầu nhiệt huyết cách mạng một thời tuổi trẻ đã ăn sâu vào trong máu thịt, mỗi khi nhắc đến khẩu đội nữ pháo binh năm xưa là ánh mắt của bà bừng sáng, nụ cười thật rạng rỡ, hiền hòa…

Một thời hoa lửa chiến tranh

Bà Hồ Thị Nhân năm 1975. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bà Hồ Thị Nhân năm 1975. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bà Hồ Thị Nhân sinh năm 1952 tại xã Hòa Xuân, huyện Tuy Hòa (nay là xã Hòa Xuân Tây, huyện Đông Hòa). Tham gia du kích xã từ khi tuổi vừa đôi tám, đến năm 20 tuổi, bà nhập ngũ vào Đại đội nữ Pháo binh 167, đóng quân tại Suối Ché, sau đó chuyển xuống thôn Hòa Thuận (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa).

Theo bà Nhân, năm 1969, Đại đội nữ Pháo binh 167 (C1 167) được thành lập do chị Lê Thị Tạo làm Đại đội trưởng; chị Phan Thị Phước làm Đại đội phó. Lúc bấy giờ, C1 167 gồm Trung đội Cối 120 ly, Trung đội ĐKZ 75 ly và Trung đội Cối 82 ly. Trung đội Cối 82 ly có 3 khẩu đội: Khẩu đội 1 do chị Lê Thị Tạo (Đại đội trưởng, kiêm pháo thủ số 1) phụ trách; Khẩu đội 2 do chị Nguyễn Thị Trở (quê An Hòa, Tuy An) phụ trách; Khẩu đội 3 do chị Đào Thị Hoa (quê An Chấn, Tuy An) phụ trách. Trung đội Cối 82 ly có lúc phối hợp, có lúc độc lập tác chiến, nhằm kiềm chế, khiến địch hoang mang để tuyến sau hoạt động. Trung đội đã tập kích đánh địch ở Đồng Tre, Hòn Ngang, Củng Sơn, Gò Đá, Hòn Cò… lập nhiều chiến công.

Năm 1972, Trung đội Cối 82 ly nhận lệnh cấp trên tập kích đánh đồn địch tại sân bay dã chiến Xuân Phước (Đồng Xuân) và Hòn Đình (Tuy An). Bà Nhân kể tiếp: Trung đội đã chuẩn bị trận địa, bắn trúng mục tiêu. Địch phản kích dữ dội. Chị Liễu, chị Cảnh (quê ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa), chị Nhẹ (quê ở Đồng Xuân)… đã hy sinh. Sau đó, trung đội củng cố lực lượng và tôi được phân công phụ trách Khẩu đội 1 kiêm pháo thủ số 1.

Bà Nhân chia sẻ rằng lúc còn nhỏ, do không có điều kiện học hành nên khi tham gia lớp binh khí cối 82 ly, bà phải chăm chỉ học và nhớ nằm lòng từng bộ phận, chi tiết và tính toán quỹ đạo bắn, góc bắn sao cho trúng đích. Khi kiểm tra khảo sát, bà đạt kết quả rất cao với tầm bắn chuẩn xác. Khi nói về những người đồng đội cùng chiến đấu, mắt bà Nhân ngân ngấn lệ: Thời gian đầu vào đơn vị pháo binh, tôi chưa rành lắm nhưng được cái lanh lẹ, chịu khó nên được các chị thương yêu, giúp đỡ mọi thứ. Nhiệm vụ hết sức nặng nề, trong khi khó khăn thì chồng chất, nhưng đơn vị luôn đoàn kết, thương yêu nhau như chị em một nhà và quyết tâm đánh địch rất cao. Là nữ giới, nhưng trên chiến trường, các pháo thủ phải cơ động trong điều kiện luôn mang vác nặng, là những chiến binh thực thụ. Mỗi tháng khẩu đội hành quân pháo kích, đánh kiềm chế địch từ 1-2 lần, có lúc bám trận địa 7-10 ngày đêm. “Mỗi lần hành quân, ngoài đồ đạc tư trang, tôi còn phải mang vác 3 quả lựu đạn, 1 pháo nòng dài 18kg và 1 máy ngắm 12,5kg. Có lần bị địch phản pháo dù bị thương nhưng tôi vẫn quyết mang theo vũ khí, với tinh thần quyết tử không để rơi vào tay giặc. Một thời chinh chiến oai hùng và bi tráng, dù đã hơn 45 năm trôi qua, nhưng trong ký ức tôi, hình bóng của đồng đội năm xưa vẫn còn nguyên vẹn…”, bà Ngân bùi ngùi.

Lần pháo kích địch ở cầu Bến Nhác (Đồng Xuân), đến nay đã gần nửa thế kỷ nhưng bà Nhân còn nhớ như in: Khi nhận lệnh, Khẩu đội 1 chúng tôi lập tức hành quân, chuẩn bị trận địa. Bị chúng tôi nã pháo trúng đồn, địch phản pháo dữ dội. Chúng tôi nhanh nhẹn rút quân, nhận nhiệm vụ mới, đưa pháo xuống đánh cứ điểm Hòn Đình (Tuy An).

Bà Nhân (áo trắng) và các CCB Đại đội nữ Pháo binh 167 thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2007. Ảnh do nhân vật cung cấp

Bà Nhân (áo trắng) và các CCB Đại đội nữ Pháo binh 167 thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2007. Ảnh do nhân vật cung cấp

Trận pháo kích đánh đồn lính Nam Triều Tiên ở núi Tranh (Hòa Quang) năm 1973, nữ cựu pháo thủ số 1 cũng còn nhớ rõ: Trong trận này, tôi cùng đồng đội trụ 7 ngày đêm tại gộp Cây Xanh, dùng pháo nòng dài bắn xuống núi Tranh, cầu Ông Chủng (Hòa Quang), Trường Dương, Lò Giấy, Đồng Trại, Cầu Đúc, núi Bà Đạo, núi Đất. Đến ngày cuối cùng, địch phát hiện trận địa và càn lên. Chị Huỳnh Thị Cúc bị bắt; các đồng chí Bùi Văn Chiểm (quê tỉnh Hòa Bình), Thu (Tuy An), Ngọc (Sông Cầu) hy sinh. Tôi bị thương nặng ở chân, lưng, vai và được đồng đội đưa về Tiểu đoàn bộ 96 sơ cứu; sau đó chuyển về Quân y 13 điều trị.

Sau khi lành vết thương, bà Nhân trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ đánh địch ở Gò Đá (Tuy Hòa 2). Qua 5 ngày đêm nhiều lần bị trúng pháo của ta, địch dùng máy bay Morane thả rốc két cháy cả khu vực, đồng chí Bùi Văn Dốt (quê tỉnh Hòa Bình) bị thương.

Hay trận đánh chiếm lĩnh Bến Đá năm 1974, Khẩu đội 1 có nhiệm vụ kiềm chế địch cho Đại đội Đặc công 201 luồn sâu đánh vào trong. Địch phát hiện mục tiêu liền phản pháo, thả bom cháy toàn bộ trận địa. Chị Nguyễn Thị Xuân (Đồng Xuân) bị cụt chân, chị Đào Thị Hoa (Tuy An) bị thương ở vai, anh Nguyễn Văn Cách (Hải Phòng) bị thương và anh Phụng bị địch bắt. “Trận này, địch thu được nòng pháo của Khẩu đội ĐKZ 75 ly. Sau đó, quân ta tổ chức tấn công và giành lại được nòng pháo”, bà Nhân nhớ lại.

Sau nhiều trận đánh, Khẩu đội 1 pháo binh được tặng Huân chương Chiến công hạng ba. Nữ pháo thủ số 1 Hồ Thị Nhân được tặng bằng khen hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Vẹn tình trọn nghĩa cùng đồng đội

Sau ngày Phú Yên giải phóng, Trung đội nữ Pháo binh chuyển về đóng quân tại Gò Đá (thôn Chính Nghĩa, xã Bình Kiến, TP Tuy Hòa), đến tháng 6/1975, đơn vị giải thể, hoàn thành nhiệm vụ. Bà Nhân được cấp trên cử đi học bổ túc văn hóa, rồi học lớp cán bộ Trung đội, đến tháng 9/1976 được bổ nhiệm làm Trung đội trưởng Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Tỉnh đội Phú Yên có nhiệm vụ huấn luyện tân binh. Năm 1977, bà chuyển ngành sang công tác tại Trường trung học Nghiệp vụ 2 (Bộ Thủy lợi) - bắc Phú Khánh, sau đó về làm cán bộ Phòng GD-ĐT huyện Tuy Hòa cho đến năm 1992 thì nghỉ hưu.

Pháo thủ số 1 Hồ Thị Nhân trên đường hành quân đến xã Hòa Thịnh (Tuy Hòa 1) ngày 13/3/1975. Ảnh do nhân vật cung cấp

Pháo thủ số 1 Hồ Thị Nhân trên đường hành quân đến xã Hòa Thịnh (Tuy Hòa 1) ngày 13/3/1975. Ảnh do nhân vật cung cấp

Sau khi nghỉ hưu, bà Nhân tiếp tục tham gia công tác ở cơ sở, là phó bí thư chi bộ, đảng ủy viên, HĐND phường Phú Lâm (TP Tuy Hòa); Phó Chủ tịch Hội CCB xã Hòa Vinh (huyện Đông Hòa). Đến năm 2012, sức khỏe yếu nên bà nghỉ hẳn.

Mặc dù bận rộn với công việc, nhưng hơn 20 năm qua, bà Nhân đã dành không ít thời gian tìm kiếm và cất bốc, quy tập hài cốt đồng đội trở về với người thân. Từng là Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn Pháo binh 189, bà đã hoàn tất thủ tục hồ sơ cho 12 chị em của Trung đội Cối 82 ly may mắn còn sống để họ được hưởng chính sách thương binh, bệnh binh. Bà Nhân chia sẻ: “Hòa bình lập lại, mỗi người có cuộc sống riêng, công việc riêng nhưng dù có thế nào, chúng tôi cũng không quên tìm về với nhau. Chúng tôi chú trọng và quan tâm nhất là vun đắp nghĩa tình đồng đội, thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn…”.

Cựu nữ pháo thủ số 1 Hồ Thị Nhân nay đã ở tuổi xế chiều và mang trong người chứng bệnh nan y, nhưng bà luôn tự nhủ: Còn sức khỏe là tôi còn tiếp tục đi tìm đồng đội đưa họ về với gia đình, người thân.

Hòa bình lập lại, mỗi người có cuộc sống riêng, công việc riêng nhưng dù có thế nào, chúng tôi cũng không quên tìm về với nhau. Chúng tôi chú trọng và quan tâm nhất là vun đắp nghĩa tình đồng đội, thăm hỏi, động viên nhau khi ốm đau, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn… Bà Hồ Thị Nhân

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/237433/cuu-nu-phao-thu-ke-chuyen-xua.html